Vấn đề - Nhận định

Giải pháp để đạt mục tiêu kiều hối về TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 10%/năm giai đoạn 2023-2030

Nguyễn Đức Lệnh 27/05/2023 13:14

Kiều hối là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội. Nhận diện và đánh giá đầy đủ vai trò, ý nghĩa của nguồn lực này, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố”, nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối chuyển về, đồng thời tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước và tự hào Việt Nam của kiều bào và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài để đóng góp vào sự phát triển của Thành phố, của đất nước.

Theo đó, đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài…Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về thành phố ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.

Ở góc độ quản lý và thực thi chính sách, để góp phần đạt mục tiêu này, ngành ngân hàng Thành phố cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước (công tác quản lý; phát triển mạng lưới chi trả kiều hối; dịch vụ kiều hối; hoàn thiện chính sách: phản biện, góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với NHNN…) nhằm thu hút kiều hối chuyển về.

Thực hiện tốt giải pháp này, trong điều kiện hiện nay, sẽ tiếp tục là yếu tố đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. Bởi lẽ trên thực tế, nhìn lại lượng kiều hối chuyển về trong 5 năm gần đây trên đia bàn Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 15,8%; năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, tăng 11,8%; năm 2021 đạt 7,07 tỷ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, giảm 7%.

Như vậy, nếu tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về tăng 7,6%/năm. Do vậy, cơ sở đề tăng trưởng bình quân giai đoạn tới khoảng 10%/năm là khả thi, gắn với sự tăng trưởng các yếu tố tác động đến quy mô nguồn kiều hối chuyển về (trong đó có sự tăng trưởng của lượng lao động Việt Nam tại nước ngoài trong giai đoạn này).

Thứ hai, tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đây là giải pháp quan trọng, gắn với nhiệm vụ củng cố vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố nền tảng không chỉ thu hút nguồn kiều hối mà còn các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước ngoài để phát triển kinh tế Thành phố, kinh tế đất nước.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối với 2 hành động cụ thể thuộc nội hàm nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, lĩnh vực hoạt động dịch vụ ngoại hối và chi trả kiều hối, đó là tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng; Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động này, gắn với việc sử dụng ngày càng mở rộng các phương tiện thanh toán hiện đại: ví điện tử; QRcode, các dịch vụ chuyển tiền điện tử để đáp ứng nhu cầu của người nhận kiều hối theo đúng quy định; nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và hiệu quả.

Thứ tư, làm tốt công tác truyền thông chính sách. Trong đó, ngoài việc truyền thông chính sách cho khách hàng, người dân, người thụ hưởng… để nắm rõ chính sách và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và chi trả kiều hối nói riêng thuận lợi; tư vấn hướng dẫn việc đổi ngoại tệ và sử dụng nguồn kiều hối hiệu quả; còn cần quan tâm các biện pháp truyền thông chính sách cho kiều bào, cho người Việt Nam đang lao động, học tập tại nước ngoài nắm rõ chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước về kiều bào, về sự phát triển đất nước, về chính sách và dịch vụ kiều hối của ngành ngân hàng, các thủ tục; quy trình, phí…thông qua các đại diện TCTD tại nước ngoài; ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; các doanh nhân Việt kiều tiêu biểu, các đại diện tại nước ngoài và đặc biệt trên các trang Web của TCTD. Cần quan tâm làm tốt nội dung nhiệm vụ này, để kiều bào thuận lợi trong tìm kiếm, tư vấn thông tin, góp phần thu hút nguồn kiều hối về Thành phố nói riêng và đất nước nói chung

Trên đây là một số giải pháp liên quan đến hoạt động ngân hàng, mang tính định hướng, các TCTD cung ứng dịch vụ kiều hối cần quan tâm có giải pháp cụ thể trong phát triển dịch vụ này. Song ở góc độ quản lý và kinh tế vĩ mô, các dịch vụ ngoại hối nói chung và dịch vụ chi trả kiều hối nói riêng, không chỉ đảm bảo về mặt phát triển, về chất lượng dịch vụ và tuân thủ để góp phần bảo đảm phát triển kinh tế xã hội và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đòi hỏi quá trình nhận thức và tiếp cận toàn diện, phối hợp đồng bộ.

Làm tốt những giải pháp này không chỉ để thu hút nguồn lực kiều hối mà trên hết còn động viên, động lực, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tự hào về thành phố Hồ Chí Minh, thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình, với mỗi điểm đến của Thành phố, mỗi sản phẩm văn hóa và sinh hoạt đời thường, cùng với tinh thần năng động, sáng tạo, sự thân thiện và tình cảm của người dân thành phố, sẽ luôn là nguồn cảm xúc vô tận khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước và tự hào được sống, làm việc và cống hiến tại thành phố thân yêu… Tất cả điều đó là dòng chảy vô tận để người dân nói chung, kiều bào nói riêng luôn hướng về đất nước, quan tâm và trách nhiệm đối với sự phát triển phồn thịnh của đất nước Việt Nam yêu quý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để đạt mục tiêu kiều hối về TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 10%/năm giai đoạn 2023-2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO