Trước ngày 4/10/2024, các đơn vị gửi báo cáo chi tiết quá trình gỡ bỏ thông tin liên quan đến động vật hoang dã tới IDEA (Bộ Công Thương)
Ngày 25/9/2024, Cục TMĐT và Kinh tế số - IDEA (Bộ Công Thương) ban hành Công văn 1341/TMĐT – QL, đề nghị các sàn TMĐT và nền tảng mạng xã hội kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ thông tin liên quan đến việc rao bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã và thiết bị săn bắt động vật hoang dã.
Đây là một hành động cần thiết trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, tài nguyên thiên nhiên và duy trì cân bằng sinh thái, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn đang diễn ra phổ biến trên các kênh trực tuyến.
Theo Công văn của IDEA, mặc dù trong thời gian vừa qua cơ quan kiểm lâm và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng bẫy, bắt động vật hoang dã trái phép, tuy nhiên, trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội vẫn còn tồn tại việc rao bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, nanh răng hổ… và các thiết bị bẫy, lưới, thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim di cư.
Những hành vi này làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, phát sinh rủi ro lây truyền dịch bệnh sang người và vật nuôi.
Do đó, IDEA đề nghị các thương nhân sở hữu các website/ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội thực hiện các chính sách bán hàng nghiêm cấm hoặc không hỗ trợ bán các sản phẩm từ động vật hoang dã, các loại thiết bị, công cụ săn bắt, tận diệt động vật hoang dã, chim di cư… Các đơn vị cần tiến hành rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên cả nền tảng website và ứng dụng của mình.
Đồng thời, IDEA cũng yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp kỹ thuật và kiểm duyệt để đảm bảo việc quản lý hiệu quả những sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã và thiết bị săn bắt trên các nền tảng của mình. Ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.
IDEA yêu cần các nền tảng báo cáo chi tiết quá trình xử lý phản ánh nêu trên trước ngày 4/10/2024. Hi vọng các nền tảng sẽ thực hiện biện pháp rà soát chặt chẽ và có những biện pháp can thiệp kỹ thuật hiệu quả.
Đây cũng là cơ hội để các nền tảng kinh doanh trực tuyến nâng cao trách nhiệm xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và ngăn chặn các hành vi tận diệt động vật, bảo vệ môi trường.
Liên quan đến việc kêu gọi nền tảng sàn thương mại điện tử và mạng xã hội chung tay bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, ngày 28/09/2023, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi thư kiến nghị đến hai sàn TMĐT (Shopee, Lazada) và ba nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) để đề nghị các nền tảng rà soát và loại bỏ sản phẩm máy kích giun và các thiết bị săn bắt động vật hoang dã trên toàn hệ thống của họ.
Thông qua thư kiến nghị, PanNature đề nghị các đơn vị thực hiện hiệu quả chính sách bán hàng và cân nhắc áp dụng các biện pháp cấp bách, bao gồm: Rà soát và loại bỏ mặt hàng máy kích giun trên toàn bộ hệ thống sàn TMĐT/nền tảng mạng xã hội;Rà soát và loại bỏ tất cả các nhóm sản phẩm gây hại tương tự như: máy kích điện dùng để bắt cá, bẫy động vật…; Có cơ chế cảnh báo, xử lý đối với các tài khoản đăng bán các sản phẩm này; Có cơ chế ghi nhận phản hồi, kiến nghị của người dùng và các bên liên quan về những sản phẩm hoặc chính sách bán hàng chưa phù hợp, có thể gây thiệt hại/ảnh hưởng cho con người, động vật, tài nguyên thiên nhiên; Thúc đẩy truyền thông về các sản phẩm gây hại đối với các loài động thực vật hoang dã và thiên nhiên.
Theo PanNature, ngay sau khi nhận được kiến nghị của PanNature, Shopee và Lazada đã nhanh chóng rà soát và loại bỏ toàn bộ sản phẩm máy kích giun khỏi hệ thống bán hàng. Sau sản phẩm máy kích giun, hai đơn vị này cam kết tiếp tục rà soát, loại bỏ một số mặt hàng có tác động tiêu cực tương tự như bẫy thú, máy chích cá và các sản phẩm có thể gây hại/rủi ro cho con người, động vật… theo đúng chính sách bán hàng đã đề ra.
Riêng ba nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube và TikTok, đến thời điểm hiện tại, PanNature vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào liên quan đến Thư kiến nghị này.
Theo PanNature, việc thực hiện nghiêm chính sách bán hàng và kiểm soát hiệu quả tất cả các sản phẩm trong danh sách cấm không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của các đơn vị mà còn góp phần thúc đẩy kinh doanh thương mại có trách nhiệm tại Việt Nam và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam.