(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 23/9, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tổ chức WCS Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Rủi ro tài chính liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam”.
Quang cảnh Tọa đàm |
Tội phạm về động vật hoang dã là một vấn đề toàn cầu, phức tạp, và đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Hiện nay, trong các khu vực trên thế giới, châu Á được xác định là một điểm nóng tiêu thụ và là điểm đến chính của động vật hoang dã, cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện Tổ chức WCS Việt Nam cho biết từ năm 2018 – tháng 6/2022, tại Việt Nam đã xảy ra 625 vụ vi phạm cả hành chính và hình sự về động vật hoang dã, ít nhất 14.471 cá thể động vật hoang dã và sản phẩm từ chúng như xương, da, sản phẩm chế tác với tổng khối lượng 89.497kg; khoảng 30 loài bị buôn bán phổ biến bao gồm: tê tê, voi, hổ, tê giác, rùa và các loài khác như cầy, rắn, khỉ.
Đáng chú ý, tội phạm về động vật hoang dã thường gắn liền với các loại tội phạm có tổ chức khác, trong đó đặc biệt là tội phạm về hoạt động rửa tiền. Để che giấu và rửa tiền bất hợp pháp thu được từ buôn bán trái phép động vật hoang dã, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khai thác những điểm yếu trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính, tạo điều kiện cho vi phạm về động vật hoang dã xảy ra, gây tổn hại đến an ninh tài chính, tiền tệ.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế điều tra, giám sát và các chế tài xử phạt đối với tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là với hành vi rửa tiền trong buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn còn nhiều hạn chế. Theo PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, nguyên nhân là do những thiếu sót trong hiểu biết và nhận thức của các cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính về rủi ro rửa tiền nói chung và rửa tiền trong buôn bán trái phép động vật hoang dã nói riêng.
Theo đại diện WCS Việt Nam, phương thức rửa tiền từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã thường thấy là việc sử dụng công ty vỏ bọc, bình phong và pha trộn các khoản tiền hợp pháp - bất hợp pháp, che đậy giao dịch giữa thành viên - thành viên, người mua - bán, giữ tài sản; hoạt động kinh doanh đồng thời hợp pháp – bất hợp pháp; có mối liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, buôn bán động vật hoang dã hợp pháp (cơ sở gây nuôi, nông trại, thú cưng, vườn thú, tiêu bản…) hoặc chế biến thuốc cổ truyền, đồ mỹ nghệ hay trang sức…
Chia sẻ khung quản trị rủi ro phòng chống rửa tiền, đại diện Techcombank cho rằng điều quan trọng là phải nhận diện nguồn tiền, phân biệt được mục đích của hoạt động mua bán hàng hóa thông thường và hoạt động mua bán động vật hoang dã. Cùng với đó là xem xét tính phù hợp của các bên tham gia vào giao dịch và bản chất thật sự của giao dịch. Cuối cùng, xem xét quy mô và doanh số lợi nhuận kinh doanh của khách hàng có tương xứng với loại hàng hóa, giá trị, khối lượng giao dịch hay không.
Đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng này có Dự án Chuyển đổi hệ thống phòng chống rửa tiền, trong đó thiết kế mô hình mục tiêu phù hợp cơ cấu tổ chức hoạt động của ngân hàng cùng với hệ thống quy định, quy trình đầy đủ, hướng dẫn chi tiết tới nhân viên, ứng dụng công nghệ hiện đại như AI để sàng lọc rủi ro giám sát giao dịch đồng thời truyền thông tới nhân viên để xây dựng văn hóa môi trường làm việc, nâng cao nhận thức nhân viên.
Theo TS. Trần Thị Hoài Thu, Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước, khi cơ quan này tiếp nhận thông tin giao dịch đáng ngờ từ đối tượng báo cáo và thông tin đáng ngờ từ cá nhân, tổ chức khác thì sẽ phân tích xây dựng hồ sơ vụ việc, cảnh báo và dự đoán xu hướng. “Khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ chuyển giao thông tin về các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp thông tin theo yêu cầu phục vụ công tác điều tra, xét xử tội rửa tiền và các tội phạm nguồn, trao đổi, chia sẻ thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm môi trường. Bên cạnh đó là hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền” – TS. Trần Thị Hoài Thu cho biết.
Đại diện Cục phòng chống rửa tiền Thái Lan chia sẻ một số đúc kết cho các định chế tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Theo đó, các định chế tài chính cần đảm bảo rằng nguồn tiền và tài sản phù hợp với hồ sơ khách hàng và thực hiện các thủ tục giám sát liên tục để đảm bảo hồ sơ khách hàng khớp với hành vi của họ; thực hiện thẩm định nâng cao với các tài khoản doanh nghiệp có nguy cơ cao đối với tội phạm động vật hoang dã như công ty thủy sản, sở thú, cửa hàng thú cưng; lưu ý các tài khoản ngân hàng cá nhân có thể được sử dụng để xáo trộn nguồn tiền từ các hoạt động kinh doanh. Cuối cùng, cần tăng cường chia sẻ thông tin, có thể dưới mô hình hợp tác công-tư (PPP).
Được biết, tại Tọa đàm, Ban tổ chức chia sẻ kế hoạch thực hiện khảo sát và tham vấn về mẫu biểu đánh giá nhận thức, năng lực của cơ quan phòng chống rửa tiền, các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính về các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.