Trao đổi bên hành lang Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV phải đặt ra nhiệm vụ lớn hơn nữa, trực tiếp hơn nữa là phải tìm các giải pháp tháo gỡ ngay những khó khăn nội tại để đưa nền kinh tế quay trở lại đà phục hồi. Qua đó, không chỉ đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023 mà còn tạo ra tiền đề cho quá trình tăng trưởng của hơn hai năm còn lại.
Nền kinh tế đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn do những yếu tố thu hẹp của thị trường quốc tế cũng như nhiều rào cản, vướng mắc nội tại. Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 không đạt được mục tiêu đặt ra, thậm chí còn là những dấu hiệu để nói lên mục tiêu cuối năm rất khó đạt được.
Trong bối cảnh đó, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là kỳ họp rất quan trọng, bởi đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên phải nhìn lại các kết quả đã được trong nửa đầu nhiệm kỳ và phải đặt ra những phương thức, hành động để cuối nhiệm kỳ đạt được những mục tiêu đặt ra. Vì vậy, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, phải có góc nhìn toàn diện, tổng quát và phải đề ra các giải pháp không chỉ trước mắt mà còn là những giải pháp có tính chất dài hạn cho các giai đoạn cuối của nhiệm kỳ.
“Kỳ họp này phải đặt ra nhiệm vụ lớn hơn nữa, trực tiếp hơn nữa là phải tìm các giải pháp tháo gỡ ngay những khó khăn nội tại để đưa nền kinh tế quay trở lại đà phục hồi. Qua đó, không chỉ đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023 mà còn tạo ra tiền đề cho quá trình tăng trưởng của hơn hai năm còn lại”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh những nội dung quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nội dung được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Đây là dự án rất quan trọng, đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ tiếp tục được cho ý kiến tại Kỳ họp này.
Giữa hai kỳ họp, Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến toàn dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật. Cách thức lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức rất bài bản, khoa học. Đến nay, đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến bổ ích; đặc biệt, những vấn đề mới, những vấn đề mang tính chất thay đổi căn bản về các tư tưởng trong dự thảo Luật đã nhận được đông đảo ý kiến của Nhân dân và chuyên gia.
“Quốc hội nói chung và ĐBQH TP Nội nói riêng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tổ chức lắng nghe ý kiến cử tri”, GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ và cho biết: “Tại các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề hay tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, sau kỳ họp đều nhận được nhiều ý kiến của cử tri, người dân đối với dự thảo Luật”.
Đến nay, hầu hết các đại biểu Quốc hội đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Đồng thời kỳ vọng, tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra nhiều ý kiến để có những định hướng, tập trung vào những vấn đề có thể chốt lại để hướng tới kỳ họp tiếp theo, dự án Luật sẽ được thông qua trên tinh thần đổi mới, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao và tạo ra được sự thay đổi căn bản về công tác quản lý luật đất đai để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là vấn đề khiếu kiện về đất đai như thời gian vừa qua.
Tại Kỳ họp thứ 5, không chỉ việc sửa đổi Luật Đất đai và những vấn đề về kinh tế - xã hội mà còn phải nhìn lại quá trình trước đây cũng như tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Trong các dự án Luật được thông qua lần này, có rất nhiều dự án Luật liên quan trực tiếp đến tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế kinh tế như: Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật Giao dịch điện tử…
Đến thời điểm hiện tại, những sửa đổi của các luật này đã có sự thay đổi khá lớn, khắc phục được các vấn đề đang tồn tại như việc kéo dài thời gian, mất thời gian, chậm thời gian triển khai các dự án do thủ tục đấu thầu không hiệu quả. Bên cạnh đó, những sửa đổi trên cũng khắc phục được các sai phạm trong công tác đấu thầu, sai phạm trong công tác định giá.
Việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá lần này sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý để bịt được những kẽ hở, và là chỗ dựa vững chắc cho những người thực thi trong quá trình quyết định các dự án đầu tư sẽ tránh được các sai phạm. Do đó, GS.TS Hoàng Văn Cường kỳ vọng, những quyết sách, thay đổi đó sẽ tạo tiền đề để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế kinh tế trước mắt cũng như hướng tới sự phát triển dài hạn trong thời gian tới.
Trước tầm quan trọng đó, công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề. Đặc biệt, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ kêu gọi những đại biểu Quốc hội chuyên trách tham dự mà rất nhiều đại biểu Quốc hội không chuyên trách nhưng quan tâm đều đã có mặt tham dự Hội nghị. Nhiều tài liệu trong các lần soạn thảo, tiếp thu đều được chuyển đến đại biểu Quốc hội để các đại biểu có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và chuẩn bị trước ý kiến của mình. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân cũng rất quan tâm và có nhiều ý kiến đối với việc sửa đổi các luật này. Cho nên, đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến thiết thực. Đây là một hành trang rất quý để chuẩn bị cho các đại biểu khi bước vào kỳ họp.