Bên cạnh những biến động giá khó lường, ngành cà phê đang chật vật với hạn hán nghiêm trọng tại Tây Nguyên, Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng niên vụ 2024 - 2025 sẽ giảm 15%, đặt ngành hàng này trước nguy cơ mất vị trị số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta trên toàn cầu.
Diện tích sụt giảm và hạn hán nghiêm trọng là 2 tác nhân chính kéo sản lượng cà phê niên vụ mới giảm 15%
Đang chịu áp lực lớn do nguồn cung cấp không ổn định khiến giá cà phê trong nước luôn duy trì xu hướng đi lên. Cụ thể, giá cà phê ngày 16/4/2024 trung bình ở mức 111.400 đồng/kg, tăng mạnh +2.800 đồng/kg so với ngày hôm trước. Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên, gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum được ghi nhận ở mức 114.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Lâm Đồng giao dịch ở mức 113.500 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước liên tục tăng, bỏ lại các mốc giá lịch sử từng đạt trước đây, hiện tại mốc 111.400 đồng/kg được cho là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành hàng, song mức giá này có thể sẽ bị phá vỡ trong những ngày tới khi nguồn cung cà phê Robusta ở Việt Nam ngày càng khan hiếm. Giá cà phê tăng mạnh kéo những người nông dân đã từng bỏ bê vườn cà phê khi giá cà phê xuống quá thấp đang bắt đầu quay lại đầu tư chăm sóc loại cây trồng này.
Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam hiện đang chịu đựng những thách thức nghiêm trọng từ tình trạng hạn hán quá khắc nghiệt tại Tây Nguyên. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới hầu hết các vườn cà phê trong khu vực. Mức nước ngầm, yếu tố quan trọng để tưới tiêu, hiện tại phải khoan sâu đến 140 mét mới có thể đạt được, trong khi trước đây chỉ cần 90 mét đã có nước.
Tình hình hiện tại càng trở nên bi đát hơn khi các hồ chứa nước tại Tây Nguyên cũng đã cạn kiệt, ngay cả khi đã áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước tiên tiến (Phương pháp tưới nước của Israel). Các chuyên gia lo ngại rằng, với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, mùa vụ sắp tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và giá cà phê sẽ tiếp tục không ổn định.
Sự khác biệt về năng suất giữa các tỉnh cũng là một vấn đề đáng chú ý, với Lâm Đồng đạt gần 500.000 tấn cà phê mỗi năm, trong khi Đắk Lắk giảm nhiều và chỉ còn hơn 400.000 tấn. Sản lượng cà phê tại Đắk Lắk thấp so với Lâm Đồng là do thiếu nước dẫn đến năng suất và sản lượng giảm. Bên cạnh nỗi lo về hạn hán thì diện tích sản xuất được cho là đã mất trên dưới 100.000 ha so với con số 700.000 ha được thống kê trước đây và chỉ còn khoảng 600.000 ha. Theo Vicofa đây là 2 tác nhân chính khiến sản lượng cà phê niên vụ mới dự báo có thể giảm 15%.
Nếu không được giải quyết tốt tình trạng hạn hán, Tây Nguyên có thể đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa
Chia sẻ những quan ngại với Phó Chủ tịch Vicofa, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk cho biết thêm, cây cà phê Tây Nguyên đang đối mặt với 2 vấn đề nghiêm trọng đó là nhiệt độ ở Đắk Lắk đang dao động từ 39 đến 40 độ C và gió thổi mạnh làm cho vườn cà phê bị khô héo.
Mặt khác, cây cà phê đang bị rệp sáp tấn công rất mạnh làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, vì vậy, sản lượng cà phê trong niên vụ mới dự báo sẽ giảm mạnh có thể lên tới 15%. Ông Huy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu không được giải quyết tốt, Tây Nguyên có thể đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa.
“Nếu muốn kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD dù muốn hay không ngành cà phê cần phải tăng sản lượng lên trở lại, nếu hàng năm sản lượng giảm từ 10 - 15%, không khéo chúng ta lại phải nhập khẩu cà phê và như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, sản xuất cà phê cần phải bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, mực nước ngầm đã xuống gần 200m đến một ngày nào đó tại vựa cà phê Tây Nguyên không còn nước để tưới và nếu không khéo Tây Nguyên sẽ bị sa mạc hóa, khi đó vùng trọng điểm cà phê Tây Nguyên sẽ như thế nào?”, ông Huy đặt vấn đề.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu đến biến động thị trường, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang tìm cách vượt qua và phát triển bền vững. Với các biện pháp quản lý tốt và sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế, hy vọng rằng ngành này không chỉ ổn định mà còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc đàm phán và thiết lập các cam kết cụ thể giữa người trồng cà phê và các doanh nghiệp trong nước là vô cùng quan trọng. Những cam kết này sẽ không chỉ giúp chuẩn bị đối phó với những thách thức của niên vụ mới mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của ngành cà phê Việt Nam.