Qua sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong 10 năm với người nghèo và các đối tượng chính sách, tư duy làm ăn kinh tế, gắn vốn tín dụng với lợi thế và chính sách phát triển kinh tế địa phương đã giúp đời sống của người dân Khmer thay đổi.
Giàu lên từ mãnh đất quê hương
Trước năm 2020, cuộc sống gia đình ông Lê Văn Tùng, cư ngụ tại ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang gặp nhiều khó khăn, phải rời quê hương lên TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm, cuộc sống gia đình bấp bênh. Từ khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, ông và vợ bị thất nghiệp, không có việc làm để có thu thập trang trải cuộc sống.
Giữa năm 2020, ông Tùng quyết định trở về quê nhà ở ấp Tân Lợi tìm kế sinh nhai. Sau khi học hỏi các mô hình chăn nuôi ông quyết định chọn mô hình nuôi dê. Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình đang khó khăn, không có vốn để mua con giống. Gia đình ông Tùng mới liên hệ với trưởng ấp để được hướng dẫn cách thức tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Tri Tôn.
Sau khi đề nghị vay vốn và được bình xét vay vốn chương trình hộ cận nghèo, gia đình ông Tùng được vay số tiền 50 triệu đồng để làm chuồng nuôi 15 con dê. Đầu năm 2023, ông xuất bán dê có thu nhập tốt nên đã trả hết nợ ngân hàng.
Đến tháng 11/2023, ông Tùng quyết định mở rộng mô hình và đã được xét duyệt vay số tiền 100 triệu đồng, nuôi 30 con dê, xây thêm 2 chuồng. Từ đó, thu nhập gia đình ông Tùng được ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện hơn.
Ngoài việc vay vốn sản xuất kinh doanh cải thiện kinh tế hộ gia đình, ông Tùng còn được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20 triệu đồng, để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh, giúp gia đình đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Thực mục sở thị” mô hình chăn nuôi hiệu quả của ông Tùng, được ông hướng dẫn, nhiều hộ gia đình trong xã cũng học theo.
Ghé thăm hộ ông Chau Sâm Nang, cư ngụ tại ấp Ninh Thuận, xã An Tức, huyện Tri Tôn, ông cho biết, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, qua sự giúp đỡ của cán bộ NHCSXH huyện, của Hội nông dân xã An Tức, trưởng ấp An Tức, được sự bình xét của các hộ gia đình trong tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình tôi đã được vay chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chăn nuôi 3 bò, số tiền 100 triệu đồng, từ đó giúp kinh tế gia đình tôi được cải thiện, cuộc sống ổn định hơn. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, đến nay ông đã phát triển được đàn bò lên 6 con, đời sống dần ổn định.
Hành trình gieo niềm tin và khát vọng
Đó chỉ là một trong những kết quả mà NHCSXH đã đạt được trên hành trình cung ứng tín dụng chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các vùng, miền trên cả nước.
Được biết, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (2015 -2024), hàng năm UBND huyện Tri Tôn đều ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ gia đình khó khăn về kinh tế và hộ thoát nghèo trên 3 năm (năm 2015 ủy thác qua NHCSXH huyện số tiền là 500 triệu đồng, năm 2016 là 500 triệu đồng, năm 2017 là 1.000 triệu đồng, năm 2018 là 1.000 triệu đồng, năm 2019 là 1.000 triệu đồng, năm 2020 là 1.000 triệu đồng, năm 2021 là 1.500 triệu đồng, năm 2022 là 1.500 triệu đồng, năm 2023 là 1.500 triệu đồng, năm 2024 là 2.000 triệu đồng). Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH huyện đạt 12.699 triệu đồng.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; tổng dư nợ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2024 là 537 tỷ đồng, tăng 330 tỷ đồng so với năm 2014 (tỷ lệ tăng trưởng đạt 160%).
Doanh số cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ năm 2014 đến nay là 734 tỷ đồng đã giúp trên 7.338 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn, trên 1,2 nghìn hộ gia đình vay vốn cho học sinh sinh viên theo học tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; giải ngân cho hơn 10,1 ngàn hộ xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Những rủi ro bất định trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Việc ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các ngành đối với tín dụng chính sách. Với việc bổ sung Chủ tịch UBND các xã/thị trấn vào thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của NHCSXH tại các xã/thị trấn, nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.
Trên chặng đường ấy, không chỉ cần những nỗ lực của NHCSXH, mà cần có sự chung tay hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cũng như việc xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của ngân hàng với Quốc hội, Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng phát huy vai trò của ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.