Trong năm 2025, mục tiêu mà Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đặt ra là hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ cho vay theo kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân.
Bà Trịnh Bích Tuyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, phấn đấu hoàn thành 10 chỉ tiêu củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024 - 2025; 100% các huyện/thị xã/thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên; 90% xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ khá, tốt trở lên; 80% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá; 100% tổ tiết kiệm và vay vốn và 85% khách hàng phát sinh giao dịch qua ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách.
Để đạt được các mục tiêu, hệ thống NHCSXH tỉnh Sóc Trăng thực hiện các giải pháp tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách.
Theo đó, năm 2025 ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chi nhánh tỉnh số tiền 128 tỷ đồng (cấp huyện là 28 tỷ đồng, cấp tỉnh là 100 tỷ đồng) để tham gia thực hiện các đề án kinh tế của địa phương, thực hiện cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần triển khai thực hiện các nghị quyết đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia.
Tranh thủ nguồn vốn từ NHCSXH đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 13% (700 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức phát động “Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”; tập trung huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên thị trường... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến đối tượng phục vụ, tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm triển khai tốt chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước, nâng cao hiệu quả trong đầu tư cho vay và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của các hộ khi vay vốn.
Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân kịp thời đến khách hàng vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững.
Năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 5.700 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.746 tỷ đồng, tăng 575 tỷ đồng so với năm 2023, với trên 160.000 khách hàng còn dư nợ, trong đó: hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 44.000 lượt hộ; giúp hơn 460 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp hơn 600 hộ nghèo và 1.900 hộ cận nghèo, 14.400 hộ mới thoát nghèo và hơn 4.400 hộ sản xuất, kinh doanh có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xây mới và sửa chữa hơn 26.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; tạo việc làm cho hơn 9.400 lao động (trong đó gần 100 lượt lao động đi lao động ở nước ngoài); đặc biệt đã có hơn 40 hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội và 112 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi “tín dụng đen”, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội.