Với sự chủ động, tích cực của các sở, ngành và ngành Ngân hàng tỉnh Hậu Giang, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán…
Đi cùng với xu thế chung, Hậu Giang đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định.
Kinh tế số từng bước được hình thành và phát triển góp phần làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, từ đó mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.
Thống kê cho thấy, đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử; đưa tổng số 2.031 sản phẩm đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, hiện có 112 sản phẩm OCOP (chương trình một xã hội một sản phẩm) lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Shopee... Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các ứng dụng và các ví điện tử để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thủ tục hành chính.
Ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 90 máy ATM và 467 máy POS. Số thẻ phát hành đạt 434.429 thẻ, các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến.
Đáng chú ý, số lượng điểm chấp nhận thanh toán QR Code là 91.908 điểm; số tài khoản giao dịch của người từ 15 tuổi trở đạt khoảng 1.886 nghìn tài khoản.
Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh thanh toán trực tuyến tăng trưởng cả về số lượng và giá trị. Kết thúc năm 2023, giao dịch thanh toán qua ATM tăng 10,7% về số lượng và tăng 15,9% về giá trị so với cùng kỳ; giao dịch qua POS tăng 40,37% về số lượng và tăng 67,64% về giá trị; giao dịch thanh toán qua Internet Banking, QRCode, Mobile Banking và qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng 64,42% về số lượng và tăng 11,22% về giá trị.
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế xã hội gắn liền với quá trình chuyển đổi số nhằm tạo sự minh bạch, hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán giao dịch hàng hóa.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp, người dân gắn với quá trình chuyển đổi số, thương mại số, kinh tế số. Nhiều hoạt động thanh toán trong mua - bán hàng hóa, ăn uống, mua sắm, chi trả các dịch vụ thông thường đã và đang dần chuyển sang hình thức thanh toán chuyển khoản nhanh chóng, tiện lợi.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có hơn 85.700 lượt người dân được tỉnh hướng dẫn cài đặt App Hậu Giang, đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, cài đặt chữ ký số công cộng, cài đặt ví điện tử (Viettel Money, VNPT Money, Mobifone Money, VN Pay), cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, tham gia mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt...
Đặc biệt, người dân và hộ tiểu thương còn được hướng dẫn quét mã QR “Số hóa Chợ đêm Vị Thanh” để thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ đêm Vị Thanh. Đây là vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong cộng đồng, từng bước hình thành công dân số.
Có thể nói, để các chính sách thanh toán không dùng tiền mặt được lan tỏa tới người dân, người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, quảng bá, vận động, hướng dẫn, giới thiệu về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là công tác phòng tránh rủi ro trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chấp nhận thẻ, ví điện tử tại các điểm cung cấp dịch vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ cao để phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán hiện đại cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thanh toán.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang về “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hậu Giang”, đến năm 2030, phấn đấu có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045 có 90% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 85%...
Trong thời gian qua, các ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán đã tích cực phối hợp triển khai thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt ở hầu hết các lĩnh vực.
Do đó, trong thời gian tới rất cần sự đồng hành của 3 bên: Ngân hàng (cung ứng dịch vụ) - chính quyền (phối hợp tổ chức triển khai xuống tận phường, xã) – người dân (hưởng ứng sử dụng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm đối với tỉnh và quốc gia). Có như vậy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mới đẩy nhanh và lan tỏa rộng hơn so với hiện nay, góp phần không nhỏ trong việc đưa Hậu Giang trở thành tỉnh văn minh - hiện đại - nghĩa tình.