Hoạt động ngân hàng

Hậu Giang: Vốn tín dụng , “đòn bẩy” đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

ThS.Trần Trọng Triết 15/01/2024 10:13

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi những biến động của kinh tế, thị trường năm 2023 nhưng hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn nỗ lực tạo môi trường thuận lợi giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ nguồn vốn tín dụng ngân hàng để duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

vietinbank-chi-nhanh-hau-giang-ho-tro-von-tin-dung-khach-hang-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te-dia-phuon..jpg
Hậu giang: Vốn tín dụng “đòn bẩy” đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

“Đòn bẩy” tín dụng đẩy mạnh trưởng kinh tế ấn tượng

Bằng sự quyết tâm lớn, nỗ lực cao, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 137 điểm giao dịch của các ngân hàng, tạo dòng tín dụng “trúng đích” cho thành phần kinh tế vay vốn sản xuất kinh doanh. Tính đến hết năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh đạt trên 11,89% so với cùng kỳ năm trước, với dư nợ cho vay đạt trên 39.101 tỉ đồng. Huy động vốn tăng 13,85% với số dư tiền gửi là 22.711 tỉ đồng, huy động vốn hiện tại đã đáp ứng 58% nhu cầu vay vốn trên địa bàn.

Hiện nay, 100% thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hậu Giang đều được số hóa, xử lý và lưu trữ trên hệ thống một cửa điện tử tập trung của NHNN, thuận tiện cho người dân, tổ chức tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ.

Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ cho các địa bàn kinh tế còn khó khăn.

Hàng năm, ngành Ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ hơn 25 tỉ đồng để tài trợ an sinh xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng, nguồn vốn ngân hàng cũng đã góp phần cùng các nguồn lực xã hội hóa khác trong tỉnh triển khai xây dựng 1.400 căn nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống...

Dòng vốn tín dụng ngân hàng cũng đã đóng góp vào thành công trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh tăng trưởng ấn tượng ở mức 12,27%, xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh xếp thứ nhất vùng.

Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,12%. Hiện toàn tỉnh có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa và các quy trình kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng khá cao với mức tăng 28,32%; khu vực dịch vụ tăng 8,84% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,49%.

Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 58.505 tỉ đồng (theo giá hiện hành). Về cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023 tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 21,95%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỉ trọng 35,68%, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 34,37% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,01%.

Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện được trên 55.171 tỉ đồng, tăng 18,89% so với cùng kỳ năm trước và vượt 4,14% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện được 1,196 tỉ USD, giảm 5,61% so với cùng kỳ năm trước và vượt 4,92% kế hoạch năm.

Khơi thông động lực mới tăng trưởng

Trong năm 2024, phát huy lợi thế tăng trưởng, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đặt ra mục tiêu tiếp tục tạo “đòn bẩy” động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo đó, năm 2024, dòng tín dụng phải được cải thiện theo chiều hướng hiệu quả hơn. NHNN chi nhánh tỉnh, tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung “nắn dòng tín dụng” hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thực hiện chỉ đạo yêu cầu các TCTD trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đáng chú ý, để thực hiện nhiệm vụ đột phá về xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 về kinh tế tập trung vào “bốn trụ cột”, trong đó “hai trụ cột” là phát triển nông nghiệp sinh thái và du lịch chất lượng, với mục tiêu dự kiến đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 18.000 USD/người/năm, tăng khoảng 15.343 USD so với cuối năm 2022.

Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước. Quy mô kinh tế nhỏ, GRDP chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRDP toàn vùng... Trong các tụt hậu đã được tỉnh nhận diện, về kinh tế, gồm có: “quy mô kinh tế nhỏ và khoảng cách chênh lệch ngày càng tụt xa”; “tăng trưởng kinh tế giảm dần và thấp hơn mức tăng cả nước”.

Vậy nên để đảm bảo “xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hậu Giang trên các lĩnh vực: nông nghiệp, văn hoá, du lịch…”, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, xây dựng được “bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện đáng kể, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực ĐBSCL”; trong giai đoạn từ năm 2026-2030, tiến tới “trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của khu vực ĐBSCL”, cần phải phát huy tối đa nội lực, huy động và vận dụng tốt nhất ngoại lực để phục vụ cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, ngân hàng trên địa bàn tỉnh nên tập trung nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng cao, rất cần thiết có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, phát triển các chuỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ trong hoạt động cung cấp tín dụng, giám sát, đôn đốc hoạt động vay vốn, trả nợ các TCTD... từ người sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng của các ngân hàng luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực “tam nông”; rủi ro đối với lĩnh vực này tương đối thấp và được phân tán; việc giải quyết cho vay, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay của các TCTD trên địa bàn đối với đối tượng này tương đối dễ dàng, thuận tiện. Ngoài tác động về mặt kinh tế, việc triển khai thực hiện các mục tiêu này còn tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Vốn tín dụng , “đòn bẩy” đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO