Với phương châm không bỏ ai lại phía sau, Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội là chính sách đầy tính nhân văn sâu sắc. Sự quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách đã góp phần kéo giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 3,29%.
Theo báo cáo tổng kết từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hậu Giang, hiện có 4 tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đang thực hiện ủy thác hơn 4.286 tỷ đồng, với hơn 100 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn.
Đến nay, nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 355 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tăng 103 tỷ đồng, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2015 từ 8,4% xuống còn 3,29% cuối năm 2023.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách, các cấp, các ngành đã tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nhờ đó, trong 8 chỉ tiêu theo Nghị quyết Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đề ra thực hiện trong quý II/2024, đến nay đã hoàn thành 6 tiêu chí theo nghị quyết. Trong đó, thực hiện hoàn thành 99,34% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao; thực hiện huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân tăng 3,4 tỷ đồng; tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiền hàng tháng đạt 78,44%; tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ chiếm 0,25%; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt 97,28 điểm…
Để đạt được kết quả trên, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, cũng như phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai các mặt hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Long Mỹ thực hiện cho vay được trên 88 tỷ đồng, tăng trên 49 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2023. Nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 396 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2023, với 13 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Để tiếp tục phát huy vai trò “trụ cột” quan trọng, “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, trong đó đòn bẩy tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức có hiệu quả tín dụng chính sách cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Đây là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền Chỉ thị số 40/CT-TW, chính sách về tín dụng chính sách, để giúp đối tượng thụ hưởng được tiếp cận, cũng như bố trí nguồn lực tài chính cho các chương trình tín dụng chính sách...
Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.406 tỷ đồng, tăng 315 tỷ đồng, tăng 7,71% so với đầu năm. Trong quý III/2024, tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành 99,5% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2024. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã có 100% đơn vị xếp loại tốt. Nguồn vốn ủy thác địa phương tăng trên 100 tỷ đồng so với ngày 31/12/2023…