Hoạt động ngân hàng

Hoạt động ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2023

Nguyễn Đức Lệnh 03/07/2023 06:30

Hoạt động ngân hàng nói chung, địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng. Để phát huy các kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ tín dụng được nêu tại Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước.

giao-dich-47-.jpg
Hoạt động ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2023

3 kết quả quan trọng

Kết quả quan trọng đầu tiên, đó là thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục, đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá.

Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định; kinh tế vĩ mô ổn định là kết quả quan trọng, ấn tượng và có ý nghĩa to lớn trong thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính sách tiền tệ.

Sự ổn định đó phản ánh hiệu quả chính sách và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo mối liên hệ giữa tỷ giá - lãi suất; cung cầu vốn và tín dụng để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành nói chung và trên địa bàn TP. Hôf Chí Minh nói riêng.

Kết quả quan trọng tiếp theo là, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với điểm nhấn là chính sách: Lãi suất và tín dụng. Với việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, chí phí vốn, từ đó ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về nguồn vốn, về dòng tiền, để duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng.

Cơ chế chính sách phù hợp, các giải pháp và hành động của ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang tạo hiệu ứng và tác động tích cực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật sau:

Dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, có lãi suất thấp dưới 5,5%/năm (hiện nay là 4%/năm), có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Dư nợ cho vay bằng ngoại tê đạt khoảng 177.000 tỷ đồng. Đây là khoản vay có điều kiện (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), song lãi suất vay ngoại tệ tương đối thấp và ổn định đã và đang hỗ trợ rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển.

Giải ngân gói tín dụng ưu đãi, do các TCTD trên địa bàn chủ động đăng ký và tham gia chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp năm 2023, tính đến hết tháng 5 đạt 283.000 tỷ đồng, cho 47.846 khách, bằng 60% gói tín dụng đã đăng ký.

Thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, với dư nợ tín dụng đạt gần 19.000 tỷ đồng, với số tiền lãi hỗ trợ đạt 126,29 tỷ đồng cho 308 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây nhà ở xã hội.

Giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 0,5% - 1,5% cho tất cả các khách hàng của ngân hàng. Đây là sự chủ động, chia sẻ của các TCTD trên địa bàn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, được cân đối từ lợi nhuận và khả năng tài chính của mỗi TCTD.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ và các chương trình tín dụng: Cho vay nông nghiệp và nông thôn; cho vay kích cầu đầu tư; cho vay khu chế xuất – khu công nghiệp và cho vay bình ổn thị trường; các chương trình tín dụng chính sách (thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) tiếp tục được thực hiện tốt cũng góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng chính sách duy trì, ổn định và phát triển, góp phần ổn định an sinh xã hội. Trong đó, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2022.

Kết quả quan trọng cuối cùng, dịch vụ ngân hàng phát triển gắn liền với việc thực hiện tốt các chương trình đề án phát triển ngành về cơ cấu lại TCTD; về chuyển đổi số; về chiến lược phát triển ngành và đề án cải cách hành chính. Trong đó dịch vụ ngân hàng phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, linh hoạt và sáng tạo đã và đang đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, với những dấu ấn về phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, dịch vụ thẻ, internet banking, mobile banking, ví điện tử và thanh toán quét mã QRcode, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá về cả số lượng và giá trị giao dịch.

Riêng dịch vụ thẻ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực. Với số lượng thẻ đang hoạt động đạt khoảng 18,5 triệu thẻ; số lượng máy ATM đạt 4.106 máy, giảm 0,19% so với cuối năm 2022; số lượng máy POS đạt 135.876 máy, tăng 8,25%. Trong khi đó, số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 90.314 điểm, tăng 8,34% so với cuối năm 2022.

Những vấn đề cần quan tâm trong 6 tháng cuối năm

Dù đạt được những kết quả quan trọng như trên nhưng hoạt động huy động vốn và cho vay vốn ghi nhận mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt khoảng trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đặt trong mối liên hệ tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế thành phố và những khó khăn từ các thị trường, từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản có tác động trực tiếp.

Trong thời gian tới, các vấn đề như: Chất lượng tăng trưởng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, mở rộng và tăng trưởng hoạt động dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản lý, quản trị... tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm. Để thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại TCTD, cũng như thể hiện trách nhiệm cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất, các TCTD cần tiếp tụcnâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trưởng phù hợp quy mô, bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết giảm chi phí hoạt động vừa đảm bảo duy trì kết quả kinh doanh vừa hỗ trợ doanh nghiệp – Đây là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, nhất là trong bối cảnh phát sinh khó khăn như hiện nay các TCTD cần quan tâm thực hiện tốt.

Ngoài yêu cầu về đáp ứng và xử lý các vấn đề cần quan tâm ở phần trên, trong 6 tháng cuối năm, các TCTD và ngành Ngân hàng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ tín dụng của Ngânhàng Nhà nước theo Chỉ thị 01 và các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó hỗ trợ doanh nghiệp tốt, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ ngành, mà còn tác động tích cực đối với chính sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của chính các TCTD và của ngành Ngân hàng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO