(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 10/1/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) hỗ trợ The Asian Banker tổ chức Hội nghị Triển vọng Ngành Dịch vụ Ngân hàng - Tài chính Việt Nam 2019.
Hội nghị thường niên này là cơ hội cho các tổ chức tài chính, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong khu vực gặp gỡ và chia sẻ những hiểu biết chuyên môn và thảo luận các xu hướng mới nhất trong ngành ngân hàng.
Tổ chức tại Việt Nam lần này, theo The Asian Banker, Việt Nam có sự hội tụ độc đáo của những yếu tố như tăng trưởng kinh tế tốt, dân số trẻ và dồi dào, sự thâm nhập của mạng di động và internet cao cũng như môi trường pháp lý hỗ trợ khiến đây là nơi hoàn hảo cho các công ty mới khởi nghiệp. Trong khi vẫn đang tồn tại một số vấn đề về nợ xấu, các tổ chức tài chính và chính quyền địa phương đã nhận ra rằng sự đổi mới trong công nghệ tài chính có thể giúp nâng ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của Việt Nam lên tầm cao mới. Do đó, các nỗ lực tối đa đã được thực hiện nhằm phát triển các dịch vụ và sản phẩm mới, như ngân hàng kỹ thuật số, thanh toán di động, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ để theo kịp tầm nhìn của “xã hội không dùng tiền mặt” vào năm 2020.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký VNBA cho rằng: “Năm 2018, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có nhiều nổi bật nhờ định hướng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan. Bên cạnh các kết quả khả quan về công tác tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), xử lý nợ xấu, kiểm soát rủi ro tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế thực, ngành ngân hàng còn được đánh giá là ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nhằm cải tiến mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nhiều ngân hàng triển khai thành công sản phẩm thanh toán điện tử qua internet, thiết bị di động, ngân hàng tự động cùng với nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, bigdata, blockchain, cùng các giải pháp hiện đại như sinh trắc học, Open API, QR code, thanh toán phi tiếp xúc…
Bước chuyển mình không chỉ thể hiện ở khu vực kinh doanh mà còn thể hiện ở các chủ trương, định hướng, chỉ đạo, kế hoạch hành động của Chính phủ và cơ quan quản lý thời gian qua nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hệ sinh thái số tại Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy mạnh việc tiếp cận tài chính của người dân tại các vùng sâu, xa, các ngân hàng đang cần khung pháp lý cho phép ngân hàng liên kết, ủy thác cung cấp dịch vụ cho các tổ chức đủ điều kiện giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, tiện lợi sản phẩm dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp và rộng khắp”.
Ông Foo Boon Ping - Tổng Biên tập Tạp chí The Asean Banker bầy tỏ mong muốn thúc đẩy, quan hệ hợp tác với cộng đồng tài chính Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững, định hình ngành tài chính Việt Nam trong tương lai. Ông nói: “Sự kiện này là dịp để các chuyên gia chia sẻ về cách thức ngành tài chính ngân hàng có thể vượt qua thách thức trong một môi trường hoạt động với rất nhiều biến động, khai phá tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế. Lĩnh vực tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt những thay đổi trong nền kinh tế. Năm 2018 có bước tiến mới với những hoạt động quan trọng liên quan đến trao giải và chương trình đánh giá những thành tựu của các ngân hàng và chúng ta hướng tới một nền kinh tế số, chuyển đổi số”.
Tại Hội nghị Triển vọng Ngành Dịch vụ Ngân hàng -Tài chính Việt Nam 2019, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau xem xét hệ sinh thái tài chính đang được thúc đẩy bởi việc áp dụng chiến lược và công nghệ kỹ thuật số, hai yếu tố then chốt tạo ra xã hội không dùng tiền mặt - thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện, cuộc cách mạng về trải nghiệm khách hàng và ứng dụng blockchain trong tương lai ngành tài chính.
Các chủ đề hội nghị tập trung thảo luận gồm:
Thanh toán kỹ thuật số - yếu tố then chốt đối với xã hội không dùng tiền mặt
Trong năm 2017, chính phủ Việt Nam đã gợi mở động thái tài chính thúc đẩy việc hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2020, tập trung vào việc phát triển thanh toán kỹ thuật số. Hội nghị bàn thảo tiến độ hiện tại của kế hoạch; những thành tựu đạt được và những thách thức nào có thể xảy ra trong hai năm, đồng thời bàn các giải pháp để thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số như: Cách xây dựng lòng tin và vượt qua rào cản; Thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ theo yêu cầu có thể thúc đẩy bước nhảy từ tiền mặt đến các công cụ kỹ thuật số; Thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam.
Phát triển các dịch vụ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện
Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất trong việc nỗ lực thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Mặc dù có tỷ lệ tiếp cận với các định chế tài chính trước đây ở mức thấp, nhưng hiện nay ngành ngân hàng đang chứng kiến bước đột phá để tiếp cận một lượng lớn dân số với các xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số. Các diễn giả tập trung vào những vấn đề: Tiếp cận phân đoạn không sử dụng và rất ít sử dụng dịch vụ ngân hàng; Các cơ hội và thách thức đối với cho vay ngang hàng; Chấm điểm tín dụng và đánh giá rủi ro cho phân khúc thu nhập thấp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ảnh hưởng của lĩnh vực số hóa đến trải nghiệm khách hàng
Trong môi trường dịch vụ tài chính cạnh tranh mạnh mẽ gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức tài chính nhận ra rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực trở thành các tổ chức lấy khách hàng làm trung tâm. Liệu công nghệ có thể thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu hoặc có các giải pháp tốt hơn để đáp ứng mong đợi của khách hàng không? Ông Ajit Shah, Tổng Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương ACTICO đã thuyết trình về các vấn đề: Vị thế của việc lấy khách hàng làm trung tâm/dịch vụ cá nhân hóa trong kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số; Số hóa làm cho các tổ chức tài chính hoạt động nhanh hơn, lấy khách hàng làm trung tâm và tuân thủ các quy định như thế nào?; Nghiên cứu điển hình: Cách một ngân hàng toàn cầu hàng đầu sử dụng kết hợp phân tích dự báo, dữ liệu lớn và logic kinh doanh để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Blockchain – Triển vọng ngành dịch vụ tài chính
Theo các diễn giả, về công nghệ, điều lớn lao tiếp theo sau internet chính là Blockchain. Tất cả các khía cạnh của ngành dịch vụ tài chính đều nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ Blockchain, bắt đầu với việc bảo mật danh tính, chuyển giao và quản lý tài khoản. Việt Nam đang đi đúng đường trở thành một trong những trung tâm đổi mới Blockchain của Đông Nam Á. Việt Nam đang bắt đầu sử dụng Blockchain để thanh toán và giao dịch. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là liệu Blockchain có thể cung cấp giải pháp tốt hơn cho KYC/AML?
Trình diễn sáng tạo về Fintech
Nhiều diễn giả và đại biểu tham gia bàn luận những nghiên cứu điển hình từ những tổ chức công nghệ tài chính cũng như các bộ phận đổi mới của các ngân hàng thể hiện sự sáng tạo và tiềm năng vượt trội trên thị trường trong các lĩnh vực sau: Tài chính toàn diện; Blockchain và sổ cái phân tán; Ứng dụng Bitcoin; Nền tảng cho vay ngang hàng; Ngân hàng thông qua công nghệ tiềm năng; Nền tảng trực tuyến và di động.
Ông Alain Falys, Chủ tịch & Nhà sáng lập Yoyo Wallet trong thuyết trình với chủ đề: Triển vọng kinh tế cho hệ sinh thái tài chính mới của Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đang trở thành quốc gia với tính kết nối ngày càng tăng. Số người sử dụng điện thoại thông minh đã bắt kịp đà tăng trưởng ở cả khu vực thành thị và nông thôn, là thị trường tiềm năng cho các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống hoặc các công ty khởi nghiệp, tổ chức tài chính hoặc chính phủ nên tìm cách phối hợp để xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tài chính lớn mạnh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số có chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn cho khách hàng”.
Trong khuôn khổ sự kiện, ngày 9/1/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng hỗ trợ The Asian Banker tổ chức Hội thảo về Chuyển đổi nền kinh tế và công nghiệp của Việt Nam - Phát triển năng lực và đổi mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong đó, cung cấp cái nhìn cho các đại biểu về cảnh quan tài chính của các DNNVV trên thế giới, bao gồm các nội dung: Sự chuyển đổi mô hình từ cho vay theo “hệ thống bản ngã” (ego-system) sang cho vay theo “hệ sinh thái” (eco-system); Những xu hướng thúc đẩy đổi mới trong ngành dịch vụ tài chính và những công nghệ có tính đột phá; Khái quát về cho vay theo hệ sinh thái MSME và Đối thoại: Đánh giá tài chính của SME ở Việt Nam và các hành động phát triển tài chính của SME.
Trong dịp này, Giải thưởng Quốc gia của The Asian Banker đã được trao cho các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, giải thưởng Ngân hàng bán lẻ tốt nhất của năm được trao cho BIDV- đây cũng là ngân hàng nhận được giải thưởng này 4 năm liên tiếp. Các giải thưởng khác, gồm: . Sáng kiến ứng dụng dựa trên nền tảng hoặc chương trình đám mây tốt nhất: ACB . Thành tựu lãnh đạo đổi mới tại Việt Nam: Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch thường trực của Công ty Momo. . Sản phẩm tài chính tiêu dùng của năm: FE Credit . Sản phẩm thẻ tín dụng của năm: Seabank với sản phẩm“SeAlady card” . Sản phẩm tiền gửi ngắn hạn của năm: SCB . Ví điện tử của năm: Momo . Sáng kiến, ứng dụng/chương trình di động tốt nhất: Vietcombank “ VCB-Mobile banking” . Dịch vụ thanh toán di động tốt nhất: VietinBank . Dịch vụ chấp nhận thẻ tốt nhất: BIDV |
Ngọc Lan-Phạm Hiếu