Hợp đồng ủy thác đầu tư vô hiệu Quỹ Thành Việt phải hoàn trả gần 50 tỷ đồng

Bùi Trang| 27/04/2022 10:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với bản án tuyên hợp đồng ủy thác vô hiệu Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Thành Việt (Quỹ Thành Việt) phải trả cho Công ty Tài chính cổ phần D.K.V.N (nay là Ngân hàng TMCP Đ.) số tiền 49,7 tỷ đồng.

 

Quỹ Thành Việt nhận ủy thác hơn 96 tỷ đồng

Theo hồ sơ, năm 2007, Công ty Tài chính D.K.V.N và Quỹ TVMC ký 2 hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 40/2007 và 04/2008. Hợp đồng số 40 thể hiện,  Công ty Tài chính D.K.V.N giải ngân cho Quỹ Thành Việt số tiền 50 tỷ đồng để đầu tư mua, bán chứng khoán. Thời hạn ủy thác là 6 tháng. Quỹ Thành Việt cam kết bảo toàn vốn và thu nhập cho Công ty Tài chính D.K.V.N như sau: Nếu tỷ suất lợi nhuận danh mục đầu tư thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20%/năm thì Công ty Tài chính D.K.V.N hưởng 15%/năm trên số tiền ủy thác. Nếu con số này lớn hơn 20% thì Công ty Tài chính D.K.V.N có thu nhập là 15%/năm trên số tiền ủy thác và 30% số lợi nhuận vượt quá 20% tổng lợi nhuận của danh mục.

Trong trường hợp Quỹ Thành Việt không thực hiện đầu tư thì khi hoàn vốn sẽ trả chi phí là 0,9%/tháng trên số ngày thực tế nắm giữ vốn, trong trường hợp bất khả kháng sẽ là 0,2%/tháng.

Nếu lợi nhuận thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20% thì Quỹ Thành Việt được hưởng phí hoạt động (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo công thức (R-Re) x M; nếu lợi nhuận thực hiện lớn hơn 20% thì phí hoạt động bằng (5% +70%*(R-20%) x M (trong đó R là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng; M là số tiền ủy thác đầu tư).

Với Hợp đồng số 04/2008, Công ty Tài chính D.K.V.N ủy thác đầu tư cho Quỹ Thành Việt là 46,3 tỷ đồng với các điều khoản tương tự.

Thực hiện hợp đồng, Công ty Tài chính D.K.V.N đã chuyển số tiền hơn 96 tỷ đồng và Quỹ Thành Việt đã sử dụng số tiền trên đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty cổ phần Xây dựng 47, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Nhựa 04, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt. 

Hết thời hạn 6 tháng của 2 hợp đồng nêu trên, Quỹ Thành Việt không chuyển trả Công ty Tài chính D.K.V.N tiền ủy thác và lợi nhuận như cam kết.

Năm 2008, sau quá trình thỏa thuận, hai bên đồng ý Quỹ Thành Việt chuyển toàn bộ quyền sở hữu danh mục chứng khoán trên cho Công ty Tài chính D.K.V.N. Số chứng khoán này được định giá là 46,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển sở hữu chứng khoán, hai bên ký thỏa thuận thanh lý xác định Quỹ Thành Việt đã chuyển quyền sở hữu toàn bộ danh mục đầu tư (46,5 tỷ đồng) và cam kết tiếp tục hoàn trả toàn bộ số tiền mà Công ty Tài chính D.K.V.N đã ủy thác kèm theo thu nhập cố định 15%/năm.

Tuy nhiên, đến nay, Quỹ Thành Việt không thực hiện đúng thỏa thuận dẫn đến Công ty Tài chính D.K.V.N khởi kiện ra Tòa án. Tổng số tiền Công ty Tài chính D.K.V.N yêu cầu Quỹ Thành Việt phải hoàn trả là hơn 140 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi.

Quỹ Thành Việt thừa nhận có ký hợp đồng ủy thác và ký các biên bản, thỏa thuận thanh lý. Tuy nhiên, Quỹ Thành Việt không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì 2 hợp đồng nói trên bị vô hiệu một phần do vi phạm điều cấm pháp luật. Quỹ Thành Việt cho rằng bản chất của Hợp đồng số 40 và Hợp đồng số 04/2008 là quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, đúng như tên gọi của hợp đồng.

Điểm 26, Điều 6 của Luật Chứng khoán quy định “quản lý danh mục đầu tư là việc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện quản lý theo uỷ thác của từng nhà đầu tư trong mua, bán, nắm giữ chứng khoán”.

Khoản 1 Điều 73 của Luật Chứng khoán quy định Công ty quản lý quỹ “Không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định”.

Tuy nhiên, 2 hợp đồng đều có điều khoản thỏa thuận với nội dung: “Bên A đảm bảo kinh doanh để tỷ suất lợi nhuận danh mục đạt và vượt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của Bên B”, thỏa thuận trách nhiệm của Quỹ Thành Việt là “hoàn trả đầy đủ số tiền ủy thác và thu nhập của Bên B…”.

Quỹ Thành Việt cho rằng Quỹ có chức năng quản lý danh mục đầu tư, không vi phạm pháp luật nhưng thỏa thuận về việc đảm bảo lợi nhuận đạt và vượt lợi nhuận kỳ vọng và thỏa thuận về trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền ủy thác và thu nhập của Công ty Tài chính D.K.V.N là trái với quy định pháp luật. Do đó, Quỹ Thành Việt đề nghị Tòa án xác định các hợp đồng này vô hiệu một phần về thỏa thuận tỷ suất lợi nhuận.

Án kéo dài vì không thống nhất đường lối xét xử

Quá trình giải quyết vụ án đã bị kéo dài nhiều năm do cơ quan tố tụng không thống nhất đường lối xét xử.

Năm 2012, Tòa án nhân dân TP. HCM xét xử sơ thẩm lần thứ 1, tuyên bố 2 hợp đồng trên bị vô hiệu toàn bộ, Quỹ Thành Việt phải trả lại cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền 84,8 tỷ đồng. Còn Công ty Tài chính D.K.V.N phải hoàn trả lại cho Quỹ Thành Việt danh mục và số lượng cổ phiếu.

Ở giai đoạn phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao tại TP. HCM lại tuyên bố 2 hợp đồng trên là hợp pháp, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Tài chính D.K.V.N. Do đó, Công ty Tài chính D.K.V.N có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Năm 2017, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành quyết định, hủy 2 bản án trên để xét xử lại. Đến năm 2020, Tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại lần 2 với quyết định tuyên bố 2 hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ. Quỹ Thành Việt phải bồi thường cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền 49,7 tỷ đồng.  

Không chấp nhận quyết định này, Quỹ Thành Việt kháng cáo nên vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm lần 2.

Tòa án cho rằng, ngày 23/8/2018, UBCK có công văn thể hiện vào thời điểm ký hợp đồng, Quỹ Thành Việt chưa có chức năng kinh doanh “quản lý danh mục đầu tư”. Như vậy, hợp đồng số 40 và 04 bị vô hiệu toàn bộ theo Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, Tòa án thấy rằng, ngày 23/9/2009, Quỹ Thành Việt đã chuyển quyền sở hữu danh mục cổ phiếu cho Công ty Tài chính D.K.V.N nhưng giá trị không còn như ban đầu và Công ty Tài chính D.K.V.N bị thiệt hại hơn 49,7 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm nhận định, Quỹ Thành Việt có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu nên phải có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền hơn 49,7 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp đồng ủy thác đầu tư vô hiệu Quỹ Thành Việt phải hoàn trả gần 50 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO