Hùng Vương có công dựng nước và giữ nước được ghi chép sớm nhất tại Bản Ngọc phả Hùng Vương vào năm 980 dưới đời vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê. Điều này cũng được phản ánh đầy đủ tại “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” được lưu giữ vào năm Hoằng Định thứ nhất (năm 1600) đời vua Lê Kính Tông nhà Hậu Lê.
Hùng Vương dựng nước
Ngay từ đầu, rừng được xác định là một địa bàn sinh sống quan trọng của dân tộc Việt Nam. Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lên ngôi ở Phong Châu (Phú Thọ), là một vùng rừng núi, lấy hiệu là Hùng Vương và lập ra quốc gia Văn Lang. Trên trống đồng Đông Sơn, một nhạc khí của thời Văn Lang có khắc những con vật ở rừng như chim, thú như hươu nai, cáo, chim lạc... Vào mùa lễ hội, người dân Văn Lang đội những chiếc mũ bằng lông chim rừng.
Tuy mới sơ khai nhưng Nhà nước Văn Lang đã có bộ máy cai trị từ trung ương đến tận địa phương. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương theo hình thức cha truyền con nối đến 18 đời. Dưới Hùng Vương có lạc hầu và lạc tướng phò giúp. Con trai Hùng Vương gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương. Cả nước chia làm 15 bộ do 15 lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các làng, kẻ, chiềng, chạ do bồ chính cai quản. Người dân trong nước Văn Lang gọi là lạc dân.
Văn hóa Đông Sơn dưới thời Hùng Vương cũng đã chiếm lĩnh được biển. Theo “Lĩnh Nam chích quái”, Lạc Long Quân, Thủy Tổ dân tộc Việt là người có công diệt Ngư tinh vùng Biển Đông để người Việt được an cư lạc nghiệp. Sau đó, cũng chính Lạc Long Quân đã dẫn các con về miền biển để làm chủ Biển Đông….
Theo phân tích của PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội): “Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng”.
Cơ sở kinh tế của Nhà nước Văn Lang là nông nghiệp lúa nước. Sử cũ ghi chép lại “ruộng theo nước thủy triều lên xuống mà làm” chứng tỏ rằng người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông, ven biển, tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng. Lịch nông nghiệp đã hình thành. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết cổ truyền của người Việt.
Theo các tài liệu thì “Văn” là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người,… Còn “Lang” là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Người Văn Lang cũng được gọi là người Việt. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ là nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến người Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nước.
Sách “Việt giám thông khảo tổng luận” chép về việc quản lí đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính sự”.
Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh giầy; chuyện dưa hấu), nghề luyện kim (truyện Thánh Gióng), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, truyện dưa hấu). Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung. Dân chúng dưới thời Hùng Vương cũng biết đắp đê và làm thủy lợi chống lũ lụt (Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh).
Về văn hóa tín ngưỡng, một số ý kiến cho rằng chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung thời Hùng Vương thứ mười tám phản ánh Phật giáo tiểu thừa truyền bá vào nước ta.
Hiện nay, Việt Nam có các di sản về thời đại Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là là hát Xoan, những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Tiếp đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.
Hùng Vương giữ nước
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện Văn hoá Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn kéo dài trên phạm vi rộng tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung bộ Việt Nam và một số nước lân cận Việt Nam... Việc xuất hiện đồ kim khí trong Văn hoá Đông Sơn (nhất là vũ khí) đã chứng minh rằng thời Hùng Vương có quân đội mạnh để duy trì sự cai trị và chống ngoại xâm.
Khi giặc Ân đến xâm lược, Nhà nước Văn Lang đứng đầu là Hùng Vương thứ sáu đã cho sứ giả đến từng làng để truyền đạt lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Hình ảnh Thánh Gióng từ một cậu bé bỗng vụt lớn như thổi nhờ cơm áo của dân làng đóng góp rồi háo hức lên đường ra trận chính là hình tượng toàn dân ta đoàn kết đánh giặc theo lời hiệu triệu của non sông đất nước.
Cũng theo truyền thuyết dân gian, Lý Ông Trọng sinh ra tại làng Chèm, nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông sống vào cuối đời Hùng Vương thứ mười tám và những năm đầu thời Thục Phán An Dương Vương. Ông là bậc dũng sĩ, vóc dáng cao to, khí chất phi phàm. Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả ông “cao 2 trượng 3 thước”. Ông được Hùng Vương thứ mười tám trọng dụng và giúp Hùng Vương thứ mười tám dẹp yên bờ cõi, ngăn chặn quân giặc từ phía Tây và phía Nam tiến vào Văn Lang. Ngày nay ở làng Chèm vẫn còn ngôi đền cổ thờ Lý Ông Trọng.
Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tần của người Việt. Sách “Hoài Nam tử” của hoàng thân nhà Hán là Hoài Nam vương Lưu An cho hay nguyên nhân nhà Tần xâm lược nước ta là do “ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc châu và ngọc cơ của người Việt, bèn sai Đồ Thư mang 50 vạn binh chia làm 5 đạo…”.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, lúc đó người Việt đều trốn vào rừng, không ai chịu để quân Tần bắt và họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh. Trên thực tế, nếu đương đầu với đạo quân đông đảo, thiện chiến như quân Tần thì thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người Việt đã biết tận dụng địa hình núi rừng để kiên trì cho cuộc kháng chiến lâu dài, đánh nhỏ, đánh ban đêm nhằm tiêu hao quân giặc, triệt nguồn cướp bóc lương thực của giặc.
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, cuộc kháng chiến mưu trí, bền bỉ của người Việt đã làm cho quân Tần “lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong”. Trong ba năm, quân Tần không được nghỉ ngơi: “Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi...”. Nhận thấy quân Tần suy kiệt cả về tinh thần và sức lực, dưới sự chỉ huy của Thục Phán, quân ta đã tổ chức đánh lớn tiêu diệt sinh lực địch, giết được tướng Đồ Thư khiến quân Tần như rắn mất đầu, từng bước ta rã. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, nhà Tần dưới sự trị vì của Tần Nhị Thế, buộc phải bãi binh vào năm 208 TCN. Cuộc kháng chiến chống Tần của người Việt giành thắng lợi rực rỡ.
Thục Phán An Dương Vương có công đẩy lùi cuộc xâm lược của nhà Tần và lập ra Nhà nước Âu Lạc. Thục Phán An Dương Vương đã thề nguyện muôn đời bảo vệ non sông gấm vóc mà Hùng Vương thứ mười tám trao lại và đời đời hương khói thờ tự các vị Hùng Vương.