(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 28/5/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn Tài chính bền vững tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tài trợ của Chính phủ Úc, Thụy Sĩ và Nhật Bản.
Toàn cảnh diễn đàn |
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Roberto de Ocampo - thành viên Hội đồng quản trị GRI, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines và hiện là Chủ tịch Philippines Veterans Bank đã tham dự và phát biểu tại diễn đàn.
Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia từ các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, các ngân hàng thương mại cùng nhiều tổ chức đầu tư trong và ngoài nước có cam kết đầu tư cao đối với phát triển bền vững.
Một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn lần này là thảo luận các biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như cách thức huy động nguồn vốn đầu tư vào những dự án liên quan đến khí hậu trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu của Việt Nam gia tăng.
IFC dự báo, từ nay đến năm 2030, tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD; trong đó, cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo là khoảng 59 tỷ USD với 31 tỷ USD nằm ở dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD nằm ở các dự án thủy điện nhỏ. Hiện nay rất nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã coi tài trợ các dự án khí hậu, đặc biệt các dự án năng lượng tái tạo là một trong những trọng tâm chiến lược của mình. Việc kết nối các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ giúp các TCTD hiểu rõ hơn mảng kinh doanh sáng tạo và đầy thách thức này.
Trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu hụt dòng vốn đầu tư vào nhóm dự án phát triển bền vững thì cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và quản trị. Từ đó, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện cũng như vào chương trình nghị sự mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Dòng tiền đầu tư và tài trợ từ khu vực tư nhân được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng tiền đầu tư tư nhân trong nước vào lĩnh vực khí hậu rất ít ỏi. Điều này có thể là rào cản đối với việc thu hút các khoản đầu tư tương tự từ thị trường quốc tế. Do vậy, việc xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi là cần thiết để tiếp cận được nguồn vốn dành cho tăng trưởng xanh từ khối đầu tư tư nhân.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: "Để phát triển kinh tế xanh và bền vững, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế xã hội" |
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: “Những thách thức của biến đổi khí hậu đòi hỏi một sự thay đổi về chất trong cách thức khu vực kinh tế tư nhân lập kế hoạch và phối hợp với nhau để đưa ra những giải pháp mới trong các thập kỷ sắp tới. Để phát triển kinh tế xanh và bền vững, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03 về Thúc đẩy tăng trưởng Tín dụng xanh và Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cũng như Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn tới năm 2050 của Chính phủ.
Năm 2018, Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018) đã được công bố, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm doanh nghiệp của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và từng bước xanh hóa ngành ngân hàng. Đề án phát triển ngân hàng xanh quy định các TCTD xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện, trong đó bao gồm việc phân công, phân cấp, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để triển khai hệ thống. Đề án thiết lập một số mục tiêu định lượng tới năm 2025 để đảm bảo thực thi yêu cầu đặt ra cho các tổ chức tài chính và kế hoạch triển khai một số ưu đãi tài chính cho các dự án xanh. Cũng trong năm 2018, NHNN ban hành Quyết định 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam để hài hòa khuôn khổ với các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Khung chính sách về tài chính xanh tương đối đầy đủ thể hiện quyết tâm cao của ngành ngân hàng đóng góp vào nỗ lực thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết một số khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng- ngân hàng xanh của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước: “Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường. Do đó, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/ lĩnh vực xanh, các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các TCTD.
Việc chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho các nước dẫn tới thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.
Nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh”.
Trao đổi của các đại biểu tại diễn đàn |
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu cũng tập trung thảo luận về cách phát triển thị trường và quy định có thể giúp thúc đẩy cả lợi nhuận tài chính và tài chính bền vững; Các biện pháp và hành động theo chính sách mới nhất trong lĩnh vực tài chính bền vững; Xu hướng và cơ hội hiện tại cho đầu tư bền vững các sản phẩm tài chính/ đầu tư bền vững khác nhau và kỳ vọng của cả nhà đầu tư và khách hàng; Những kinh nghiệm của các dự án bền vững thành công và về các yêu cầu tài chính của họ, những thách thức gặp phải và tác động của dự án; Vai trò và giải pháp của ngành ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia cũng như sáng kiến chính sách, giải pháp thị trường góp phần thúc đẩy đầu tư cũng như tài trợ cho phát triển bền vững./.