Nhìn ra thế giới

IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu

Vũ Xuân Thanh 21/04/2023 11:14

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu năm nay xuống còn 2,8%.

Bất ổn tài chính tăng cao

Nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu là do tác động chồng chất của các cú sốc triền miên trong ba năm qua, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine. Kinh tế toàn cầu vẫn chìm trong khó khăn với biểu hiện nổi bật là nguồn cung rối loạn và không đáp ứng kịp nhu cầu, giá cả tăng cao, buộc các ngân hàng trung ương (NHTW) phải nhanh chóng thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù các NHTW đã đưa ra thông điệp rõ ràng để trấn an thị trường, nhưng lãi suất tăng quá nhanh và hoạt động kinh tế trầm lắng đã gây rủi ro cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến những lo ngại về bất ổn tài chính.

Trên thực tế, với nguồn thanh khoản dồi dào và vị thế vốn vững chắc, hệ thống ngân hàng toàn cầu hoàn toàn có khả năng đối phó với tác động của xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, một số định chế tài chính vẫn lệ thuộc nặng nề vào mặt bằng lãi suất danh nghĩa cực thấp trong những năm qua, và không thể điều chỉnh kịp thời trước xu hướng tăng lãi suất.

Sự cố phá sản không mong đợi của hai ngân hàng tại Mỹ xảy ra vào giữa tháng 3/2023 và sự sụp đổ niềm tin vào Credit Suisse đã đảo lộn các thị trường tài chính. Hầu hết, các chỉ số chứng khoán trên các thị trường chủ chốt đã giảm xuống dưới mức trước khi xảy ra sự cố, thậm chí cổ phiếu ngân hàng còn bị áp lực quá mức.

Bất chấp các biện pháp hỗ trợ khu vực ngân hàng và trấn an thị trường, một số người gửi tiền và nhà đầu tư trở nên nhạy bén trước những thông tin mới, khi cố gắng phân biệt mức độ tổn thương giữa các ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng cũng như triển vọng kinh tế ngắn hạn. Nếu xu hướng này kéo dài, điều kiện tài chính sẽ khắt khe hơn, và các ngân hàng có thể phải hạn chế cho vay.

Trước khi xảy ra rối loạn tài chính, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023 sau những cú sốc kinh hoàng trong năm trước. Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra biến động trầm trọng về giá cả năng lượng và hàng hóa, rối loạn thị trường, khuấy động xu hướng điều chỉnh và tái định hình kinh tế tại nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, các đợt lây nhiễm COVID-19 tiếp tục bùng phát và kéo dài trên diện rộng, nhất là tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.

Những cú sốc này đã kìm hãm tiến trình phục hồi, song kinh tế sáu tháng cuối năm 2022 tại nhiều nước đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Tại các nước phát triển, thị trường lao động tỏ ra khá bền vững, với tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp trong lịch sử. Tuy nhiên, so với trước khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine và đợt lây nhiễm COVID-19 trong quý II/2022, tâm lý vẫn ảm đạm và lo lắng vẫn bao trùm tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Do bất ổn tài chính tăng cao và khó khăn kinh tế kéo dài, triển vọng kinh tế thế giới có vẻ xấu đi. Bất ổn tăng cao, rủi ro có xu hướng trầm trọng hơn và kéo dài, chừng nào khu vực tài chính còn rối loạn.

Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 ở mức 2,8%

Với hàng loạt khó khăn trong ba năm qua và rối loạn tài chính gần đây, khả năng kinh tế thế giới phục hồi về mức tăng trưởng trước khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine là thách thức rất lớn. Sau hơn một năm xảy ra chiến sự Nga - Ukraine và các đợt lây nhiễm COVID-19 với nhiều biến chủng mới, nhiều nước vẫn chật vật trong việc khắc phục khó khăn.

Ngoài ra, xu hướng thắt chặt tài chính gần đây cũng kìm hãm tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Kết quả là, thu nhập bình quân trong năm nay sẽ giảm thấp tại nhiều quốc gia. Mặc dù các NHTW đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất để chống lạm phát, nỗ lực bình ổn giá cả hàng hóa sẽ còn kéo dài. Trong giai đoạn trung hạn, triển vọng kinh tế có vẻ trầm lắng hơn so với những thập kỷ trước đây.

Theo dự báo kinh tế cơ bản, rối loạn tài chính gần đây sẽ được kiềm chế và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, giá cả hàng hóa được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, nhu cầu sẽ tăng chậm lại trên phạm vi toàn cầu. Dự báo, giá dầu thô sẽ giảm khoảng 24% trong năm nay và tiếp tục giảm thêm 5,8% vào năm sau, trong khi giá cả những mặt hàng khác hầu như không thay đổi.

Dự báo cũng dựa trên giả thiết là, mặt bằng lãi suất trên toàn cầu sẽ đứng ở mức cao và kéo dài, khi các NHTW vẫn tập trung nỗ lực giảm lạm phát, trong khi vẫn sử dụng các công cụ để ổn định tài chính khi cần thiết. Phần lớn các chính phủ sẽ rút dần chính sách hỗ trợ tài chính và giảm mức trợ giá, vốn được triển khai để giảm bớt tác động của lạm phát.

Theo dự báo cơ bản, GDP toàn cầu sẽ giảm từ kết quả tăng 3,4% trong năm 2022 xuống mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra cách đây ba tháng. Triển vọng tăng trưởng này cũng thấp hơn so với kết quả tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ gần đây (lần lượt tăng 3,9% và 3,7%).

khai-quat-ve-trien-vong-kinh-te-toan-cau.jpg

Tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs), GDP được dự báo sẽ tăng cao hơn so với tại AEs, nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực. GDP được kỳ vọng tăng trung bình 3,9% trong năm nay và 4,2% vào năm 2024, thấp hơn so với dự báo đưa ra cách đây ba tháng. Tại các nước thu nhập thấp, GDP năm 2023-2024 được kỳ vọng tăng 5,1%, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 2,8%.

Về giá cả thị trường, lạm phát sẽ giảm từ mức tăng 8,7% trong năm 2022 xuống mức tăng 7,0% trong năm nay, cao hơn 0,4% so với dự báo đưa ra cách đây ba tháng. Giá cả sẽ hạ nhiệt tại hầu hết các nhóm quốc gia, lạm phát cơ bản được kỳ vọng sẽ giảm tại 76% số quốc gia trên thế giới. Tương tự, lạm phát lõi cũng sẽ hạ nhiệt, nhưng chỉ giảm 0,2% trong năm nay xuống 6,2%, mức lạm phát này cao hơn 0,5% so với dự báo cách đây ba tháng. Tại hầu hết các nước, lạm phát sẽ giảm chậm, đến năm 2025 mới trở về mục tiêu đề ra. Trong năm 2024, lạm phát tại 91% số quốc gia vẫn cao hơn mục tiêu đề ra.

Hoạt động thương mại trên thế giới được dự báo giảm từ kết quả tăng 5,1% trong năm 2022 xuống mức tăng trưởng 2,4% trong năm nay, phản ánh xu hướng hạ nhiệt nhu cầu sau hai năm tăng tốc và sự chuyển dịch từ nhu cầu về hàng hóa sang dịch vụ. Thương mại toàn cầu tăng thấp còn bắt nguồn từ xu hướng gia tăng các rào cản thương mại, và hàng hóa trở nên đắt đỏ khi USD tăng giá trong năm 2022, do đồng tiền này được sử dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại.

Gánh nặng nợ nần vẫn đeo bám nhiều EMDEs, một số quốc gia đang đối mặt với rủi ro tín dụng. Trong số này, khoảng 56% số quốc gia thuộc nhóm các nước thu nhập thấp có nguy cơ chìm trong vỡ nợ, và rủi ro nợ nần tăng cao tại khoảng 25% số quốc gia mới nổi.

Theo Theo IMF
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO