Kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022

  Nguyễn Đức Lệnh| 03/01/2023 09:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ghi nhận được trong năm 2022 cho thấy trách nhiệm thực thi và khả năng thích ứng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã ngày càng tốt hơn, vững vàng để vượt qua khó khăn, biến động bất thường nảy sinh.

Năm 2022 là năm đặc biệt của kinh tế thế giới khi thị trường tài chính, tiền tệ phải chịu tác động to lớn bởi những biến động khó lường xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine, làm giá nguyên nhiên vật liệu, lạm phát tăng cao và gây suy giảm kinh tế tại một số quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn phục hồi nhanh chóng và đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đặt trong mối liên hệ với hoạt động ngân hàng và góc độ thực hiện nhiệm vụ địa phương của ngân hàng trung ương (NHTW) tại địa bàn, hoạt động ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định. Mặc dù chịu tác động ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan, lạm phát và lãi suất trên thị trường thế giới tăng; nhiều đồng tiền mạnh mất giá so với đồng đôla Mỹ - diễn biến tạo áp lực đối với nhiệm vụ kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng và yêu cầu về tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện đó, NHTW đã điều chỉnh hợp lý, linh hoạt tỷ giá và các mức lãi suất điều hành để thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách tiền tệ, cũng như chủ động ứng phó trước những tác động không tích cực từ bên ngoài.

Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng để thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định bền vững, đồng thời trở thành bài học kinh nghiệm quý báu đối với công tác quản lý và điều hành của NHTW, cũng như sự phối hợp và đồng thuận, trách nhiệm thực thi từ TCTD. Trên hết, kết quả này tiếp tục tạo lập và củng cố niềm tin vào cơ chế chính sách của NHTW, góp phần cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút  nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố.

Thứ hai, hoạt động ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Huy động vốn tăng khoảng 6%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021. Đây là diễn biến tích cực, trong bối cảnh năm 2022, có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân, người gửi tiền. Kết quả này phản ánh kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định nhất, tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả.

Kết thúc năm 2022, dự ước tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng theo đúng định hướng điều hành của NHTW và đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố. Theo đó, GRDP thành phố tăng trên 9%, có đóng góp quan trọng của hoạt động tín dụng ngân hàng thành phố, trong bối cảnh các kênh vốn khác trong năm gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, dịch vụ ngân hàng phát triển. Các hoạt động dịch vụ ngân hàng tăng trưởng ổn định, gắn với quá trình mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố và trong xu hướng phát triển ngân hàng số. Số lượng máy POS trên địa bàn đạt khoảng 120.000 máy, tăng trên 19% so với năm 2021. Trong khi đó, số lượng máy ATM là 3.967, giảm 3,3% so với cuối năm 2021; Số lượng thẻ tăng 19,3%. Diễn biến này là tín hiệu tích cực, phản ánh xu hướng sử dụng thẻ để thanh toán ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, các NHTM đã và đang mở rộng hệ thống thanh toán thẻ (qua máy POS), số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ tăng 23% so với năm 2021; cũng như phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, với tốc độ tăng trưởng từ 23-25% trong năm 2022 (tính theo số món thanh toán của khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử: internet banking; mobile banking; QR code…);

Sự phát triển dịch vụ ngân hàng trên địa bàn, không chỉ giúp cho các TCTD tăng trưởng ổn định và bền vững, theo hướng chuyển dịch cơ cấu thu nhập và tạo dư địa cho tăng trưởng, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho khách hàng và doanh nghiệp, nhờ tiết giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch, đặc biệt đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn và chu chuyển vốn trong nền kinh tế, cũng như góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công và công khai minh bạch trong sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Đã có 1.178 trường học tại TP. Hồ Chí Minh (mầm non, cấp I, cấp II và cấp III) triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và 83% trong số này đã thực hiện thu học phí không bằng tiền mặt. Đối với lĩnh vực y tế, có 3.294 cơ sở y tế đã lắp máy POS, với khoảng 4.400 máy POS được lắp đặt, cùng với các dịch vụ thanh toán viện phí qua sử dụng dịch vụ QR code… Dịch vụ ngân hàng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thành phố trong việc khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe.

Thứ tư, ngành Ngân hàng thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ của chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong đó, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp: cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp, tổng dư nợ đạt: 474.192 tỷ đồng. Từ đó, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng hơn, nhờ giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí vay vốn để doanh nghiệp duy trì, ổn định và tăng trưởng. Hơn 1,2 triệu lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn được hỗ trợ bằng cơ chế này, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây là chính sách hay, rất hiệu quả nhờ phù hợp với thực tiễn khách quan.

Thứ năm, khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn. Cùng lúc phải vượt qua khó khăn từ đại dịch COVID-19 năm 2021 và chịu tác động ảnh hưởng từ các yếu tố thị trường, từ những vấn đề nội tại phát sinh của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và bất động sản và của chính TCTD trong năm 2022, song hệ thống ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn hoạt động ổn định, đạt kết quả  tốt về kinh doanh, kiểm soát nợ xấu. Bên cạnh đó, các TCTD vẫn tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ; chủ động trong chiến lược phát triển cũng như tham gia tích cực và thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và UBND TP góp phần phát triển tín dụng xanh; bảo vệ môi trường; hạn chế tín dụng đen và bảo đảm an sinh xã hội; tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Nhìn lại năm 2022 và đánh giá tổng quan chung, đặt trong bối cảnh của năm với nhiều khó khăn thách thức phát sinh  thì những kết quả đạt được này là toàn diện và có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ địa phương của NHTW tại TP. Hồ Chí Minh. Phân tích ở góc độ quản lý, điều hành cũng như trách nhiệm thực thi và hiệu quả hoạt động của các TCTD - tất cả sẽ  trở thành bài học kinh nghiệm quý báu và là cơ sở nền tảng để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO