Hoạt động ngân hàng

5 kết quả hoạt động ngân hàng nổi bật trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024 và 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025

Nguyễn Đức Lệnh 06/01/2025 22:12

Sự ổn định của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã góp phần quan trọng để ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và đặt trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 01 của NHTW về nhiệm vụ giải pháp tiền tệ tín dụng năm 2024; thực hiện chủ đề năm của UBNDTP: “ Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Kết thúc năm 2024, nhìn nhận đánh giá hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

5 kết quả nổi bật

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước Trung ương và làm tốt công tác quản lý, công tác thông tin truyền thông, công tác đối thoại để đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Trong đó xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai và giám sát thực hiện các chính sách về lãi suất; tỷ giá và thị trường ngoại hối… Kết quả này, được phản ánh và gắn liền với sự ổn định của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự ổn định của thị trường tiền tệ trên địa bàn không chỉ mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mà còn phản ánh sự hiệu quả của công tác triển khai thực hiện, bảo đảm chính sách phát đi vào thực tế cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi vốn, dịch vụ ngân hàng. Chính sự ổn định của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã góp phần quan trọng để ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thuận lợi, thúc đẩy các TCTD tăng trưởng và phát triển an toàn, hiệu quả.

Thứ hai, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Kết thúc năm 2024 và đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có số liệu chính thức về huy động vốn và dư nợ tín dụng năm 2024 trên địa bàn, song với số liệu dự ước dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 11%, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 3.931 nghìn tỷ đồng, bằng 2,21 lần so với GRDP của Thành phố năm 2024, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố năm 2024, với mức tăng trưởng GRDP đạt: 7,17%. Đồng thời, tín dụng ngân hàng tiếp tục hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo mục tiêu đề ra. Phân tích theo vai trò này, tín dụng cho vay ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 20%; ngành vận tải kho bãi tăng 24% và cho vay lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ dư nợ tăng cao nhất, tăng gần 40% so với cuối năm 2023.

Kết quả này gắn liền với cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; về hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lâm sản thủy sản; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCN-KCX; cho vay nhà ở xã hội và làm tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Trong đó cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư 02 và Thông tư 06) đạt 33.420 tỷ đồng, cho 43.842 khách hàng, chiếm 28% so với cả nước về dư nợ được cơ cấu lại nợ và 26% về số lượng khách hàng; giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (hiện nay là 60 nghìn tỷ đồng) cho lĩnh vực lâm sản thủy sản trên địa bàn đạt: 3.291 tỷ đồng, cho 2.079 khách hàng, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản thủy sản trên địa bàn tăng trưởng và phát triển, góp phần quan trọng vào thúc đẩy xuất khẩu lĩnh vực này trong năm 2024. Bên cạnh đó, Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp tiếp tục được tổ chức triển khai thực hiện tốt, trở thành giải pháp và hành động cụ thể thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và đưa cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả. Theo đó, kết thúc năm 2024 chương trình đã ký kết cho vay (gồm giải ngân gói tín dụng 509.864 tỷ đồng và ký kết cho vay trực tiếp tại hội nghị kết nối) với tổng số tiền đạt 691.000 tỷ đồng, cho 198.166 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn. Tất cả các Quận, huyện của Thành phố đều tổ chức và tham gia tích cực chương trình, với tinh thần “hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển”, trở thành nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng, chính quyền các Quận, huyện và sở ngành Thành phố. Vì vậy, số lượng hội nghị kết nối được tổ chức trong năm trên đạt 38 hội nghị, cao nhất từ trước đến nay.

Thứ ba, dịch vụ ngân hàng phát triển góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời thực hiện tốt đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển mạnh, gắn liền với các giải pháp đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong hoạt động ngân hàng và kế hoạch phát triển ngân hàng số. Trong đó, các giải pháp về công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và hiệu quả cho khách hàng ngày càng phát triển và mang lại tiện ích tối đa, với việc thực hiện khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06, cùng với giải pháp về xác thực sinh trắc học là kết quả ấn tượng. Thực hiện giải pháp này, sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng. Đặc biệt ở góc độ quản lý, hoạt động này mang lại những ý nghĩa và vai trò to lớn về phòng chống tội phạm công nghệ, về phòng chống rửa tiền và là cơ sở nền tảng để phát triển ngân hàng số, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại chất lượng cao.

Kết quả này, góp phần thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và lưu thông hàng hóa- tiền tệ trong nền kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, nhờ quá trình tuần hoàn và chu chuyển vốn thuận lợi nhanh chóng. Theo đó, giao dịch điện tử trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024, số món thanh toán điện tử tăng 107% so với năm 2023.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công tăng trưởng và từng bước phủ kín tại các lĩnh vực: thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại và học phí; các chi phí trong lĩnh vực công và hoạt động tại sở ngành, quận huyện đều thanh toán không bằng tiền mặt. Riêng lĩnh vực chi trả an sinh xã hội theo Chỉ thị 21/CT-TTg đã và đang được tổ chức triển khai thực hiện tốt, nhiều quận huyện đạt từ 75%-90%, số còn lại chủ yếu thuộc các trường hợp người già neo đơn, khuyết tật không thể thực hiện các phương thức chi trả không bằng tiền mặt. Nhiều TCTD trên địa bàn đã tích cực thực hiện, với tinh thần hỗ trợ, miễn phí và tiết giảm tối đa chi phí cho người thụ hưởng chính sách.

Thứ tư, hoạt động của các TCTD tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế chính sách, đặc biệt là tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng. Trong đó, các TCTD trên địa bàn tiếp tục tổ chức thực hiện đề án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu; thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng gắn với đề án phát triển ngân hàng số; ngân hàng xanh; tăng trưởng và phát triển bền vững.

So với cuối năm 2023, tổng tài sản của các TCTD trên địa bàn tăng 8,7%; nợ xấu được kiểm soát; cơ cấu tín dụng và thị phần cho vay của các TCTD phù hợp với loại hình TCTD và hình thức sở hữu, phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường đa dạng về hình thức sở hữu, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng và phát triển, cũng như các động lực tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kết thúc năm 2024, dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 60% trong tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này; dư nợ cho vay của khối NHTMCP chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương trên địa bàn. Ngành ngân hàng thành phố không chỉ tổ chức triển khai thực hiện tốt chủ đề năm; các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố mà còn thực hiện tốt các nhiệm vụ địa phương trên địa bàn, với nội hàm phối hợp hỗ trợ và đối thoại giữa chính quyền thành phố với người dân, doanh nghiệp; làm tốt công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; công tác Quốc hội và hội đồng nhân dân; công tác truyền thông và cải cách hành chính; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ địa phương, đã không chỉ tháo gỡ và khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chủ trương chính sách từ đó sử dụng vốn hiệu quả, cũng như nâng cao trách nhiệm của người vay vốn và nắm rõ thủ tục, điều kiện vay vốn.

Kết quả, trong năm ngoái, các ý kiến đã trao đổi và được xử lý tại các buổi đối thoại doanh nghiệp, không có ý kiến cử tri liên quan đến tiếp cận vốn vay ngân hàng tại các buổi tiếp xúc cử tri trong năm 2024. Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, đến nay tổng dư nợ cho vay của NHCSXH Thành phố đạt 11.755 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, cho vay 200.064 khách hàng thuộc đối tượng chính sách (hộ nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm….). Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Thành phố thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho vay tiêu dùng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như phòng chống tín dụng đen hiệu quả.

3 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức từ yếu tố khách quan và yếu tố nội tại của hệ thống ngân hàng liên quan đến yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động; Song những kết quả đạt được của ngành ngân hàng đánh giá từ góc độ thực thi chính sách và nhiệm vụ lõi đó là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặt trong bối cảnh năm 2024 và những kết quả đạt được của kinh tế Thành phố, có thể nói đây là những kết quả quan trọng, là cơ sở nền tảng để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025, với mức độ và yêu cầu cao hơn, thách thức thức hơn. Trong quá trình đó, và trên cơ sở định hướng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Trung ương, của UBND Thành phố, nhiệm vụ năm 2025 của ngành ngân hàng gắn với 3 nhóm nhiệm vụ lõi:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2025 gắn với nhiệm vụ theo dõi, giám sát kiểm tra và công tác quản lý có hiệu quả, đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục ổn định và phát huy hiệu quả chính sách, nhất là các chính sách về lãi suất; về tỷ giá và về chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình này, bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trung ương để làm tốt công tác cơ chế chính sách; công tác thanh tra, kiểm tra và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm, năng động và sáng tạo.

Thứ hai, làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm về cải cách hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ, gắn với các chương trình hành động cụ thể như kết nối ngân hàng doanh nghiệp; giải ngân gói tín dụng ưu đãi và cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng vốn và tiết giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, cạnh tranh và phát triển. Hiệu quả của nhóm giải pháp này, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình này, cần khai thác tốt những yếu tố thuận lợi từ môi trường: như đầu tư công; chương trình kích cầu xuất khẩu; tiêu dùng và những sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn chào mừng các ngày lễ lớn của năm 2025 sẽ có tác động rất tích cực đối với việc phát triển dịch vụ ngân hàng.

Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Những giải pháp trên là giải pháp thực hiện chính sách và nhiệm vụ của ngành, song cũng là động lực thúc đẩy các TCTD tăng trưởng và phát triển. Đây là cơ hội để các TCTD tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án và chiến lược phát triển ngân hàng có hiệu quả. Trong đó, tiếp tục đầu tư các nguồn lực và đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại cùng xu hướng phát triển của các động lực tăng trưởng mới về chuyền đổi số; về phát triển kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn… để tạo dư địa cho tăng trưởng cũng như tăng trưởng nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, mục tiệu tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt 2 con số, cũng là yếu tố thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng; tăng trưởng dịch vụ ngân hàng trong năm 2025, các TCTD trên địa bàn cần quan tâm và có giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát triển.

Thực hiện tốt các nhóm giải pháp này, sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chính sách tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng năm của Ngân hàng Nhà nước, với nhiệm vụ kép ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song ở mức độ cao hơn và yêu cầu hành động trách nhiệm của mỗi TCTD và ngành ngân hàng Thành phố. Đồng thời, qua đó thúc đẩy hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong điều kiện thực hiện đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, với nhiều cơ hội và động lực tăng trưởng để phát triển.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 kết quả hoạt động ngân hàng nổi bật trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024 và 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO