Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong hoạt động ngân hàng

Hoàng Duy| 28/11/2020 22:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 28/11/2020, Hội nghị tổng kết 5 năm Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và Phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 – 2020 đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Hội nghị có sự tham dự của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên... cùng các đại biểu đại diện các bộ, ngành, đơn vị thuộc NHNN, ngân hàng thương mại.

Phụ nữ cần được trao cơ hội bình đẳng trên nhiều phương diện

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2010, là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội.

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành “Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015” và giai đoạn “2016 - 2020”, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với đặc thù của ngành có đông lao động nữ.

Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, cấp ủy và lãnh đạo các cấp, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngân hàng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động cũng đã được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cụ thể hóa thành các nội dung thi đua và triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống. Đặc biệt phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” đã trở thành phong trào truyền thống và được duy trì thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ghi nhận công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” của ngành Ngân hàng đạt nhiều thành tích nổi bật, đáng ghi nhận. Bà Hoàng Thị Ái Nhiên đánh giá, ngành Ngân hàng đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực hoạt động. Qua các phong trào thi đua, nhiều phụ nữ trong ngành Ngân hàng đã trưởng thành bằng sự nỗ lực của mình, chị em đã thể hiện vai trò, vị trí trong ngành, xã hội và gia đình, vươn lên làm chủ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ những kết quả đạt được, bà Hoàng Thị Ái Nhiên đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đưa toàn ngành phát triển bền vững đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những đóng góp trên mọi lĩnh vực của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm hình thành và phát triển. Sự đóng góp đó đã khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong hoạt động ngân hàng.

Ngành Ngân hàng và NHNN đạt được nhiều kết quả tích cực, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo thành công các mục tiêu kinh tế xã hội, trong đó có sự đóng góp của cán bộ nữ. Hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” đã đạt được kết quả tích cực rất đáng biểu dương.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo cần xác định xây dựng phát triển cán bộ nữ là chiến lược quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Khi xây dựng chương trình kế hoạch bình đẳng giới giai đoạn tới, cần chú trọng hướng tới giải pháp thực chất hiệu quả tiết kiệm, tạo sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động về công tác bình đẳng giới. Phụ nữ cần được trao cơ hội bình đẳng trong học tập, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện chăm sóc gia đình...

Đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch về bình đẳng giới

Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, ngành Ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng số lao động nữ trong ngành chiếm tỷ lệ 59%. Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng, phụ nữ đã có đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động, qua đó được ghi nhận và đánh giá cao.

Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 đề ra 10 chỉ tiêu như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Kết quả, NHNN đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Chẳng hạn tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng các cấp theo chỉ tiêu kế hoạch là 30% trở lên, kết quả đạt được là 42,6%. Đến năm 2020, 100% đơn vị trong ngành có cán bộ chủ chốt là nữ. Hàng năm, tổng số người được tạo việc làm mới theo kế hoạch là ít nhất 40% cho mỗi giới, thực tế nữ giới chiếm 65% tổng số các bộ được tuyển dụng mới của NHNN.

Theo kế hoạch, tỷ lệ nữ được cử đi đào tạo sau đai học đạt 50% tổng số công chức, viên chức, người lao động; tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt tỷ lệ 50% và tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 25% trong tổng số thạc sỹ, tiến sỹ ngành Ngân hàng vào năm 2020. Thực tế, kết quả đạt được đều vượt trên 50%.

Với tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao, NHNN đã thực hiện đạt hoặc vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt ở các mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các bị trí lãnh đạo, quản lý, mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực đào tạo, mục tiêu bình đăng giới trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Tại Vietcombank, hàng hoạt các hoạt động nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới đã được triển khai như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch sử dụng cán bộ nữ phù hợp với quy định và tình hình thực tế của đơn vị, tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. 100% các đơn vị tại Vietcombank đều có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Số lượng nữ đảng viên tại Vietcombank chiếm 55%, số lượng cán bộ nữ được quy hoạch chiếm 52,6%. Cơ cấu cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý của Vietcombank là 1.546 người, chiếm tỷ lệ 53%, số lượng cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp cao là 4 người chiếm tỷ lệ 22,2%.

Ngoài ra, Vietcombank  còn thực hiện nhiều biện pháp như bố trí, sắp xếp phân công công việc phù hợp với năng lực, trình độ, sức khỏe của cán bộ nữ, cân đối với điều kiện gia đình. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ nữ được đào tạo về nghiệp vụ, quản lý, ngoại ngữ, tin học....

Tại VietinBank, kết quả tăng trưởng liên tục ấn tượng từ 20 – 25%/năm có sự đóng góp không nhỏ của hơn 13.245 cán bộ nữ (chiếm 55% lao động toàn hệ thống).  Từ ngày đầu thành lập đến nay, cán bộ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển Vietinbank. Cán bộ nữ hiện diện ở tất cả các cấp, bộ phận, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp Đảng ủy đạt 36%, cấp cơ sở đạt 47%, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 khá cao là 40%, cấp cơ sở là 52,2%.

Nhân dịp này, các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc NHNN đã được trao tặng cho nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú được trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của phụ nữ ngành Ngân hàng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Cờ Thi đua cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nữ công nhân viên, người lao động và trong phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, ddảm việc nhà” giai đoạn 2015-2020; tặng Bằng khen cho 2 cá nhân và 3 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, ddảm việc nhà” giai đoạn 2015-2020.

1 tập thể và 4 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì có nhiều thành tích trong thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016-2020.

25 cá nhân và 37 tập thể được Thống đốc NHNN tặng Bằng khen khi có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016-2020; 27 tập thể và 91 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2015-2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong hoạt động ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO