Doanh nghiệp xuất khẩu rất muốn biết diện tích cà phê hiện còn bao nhiêu để tính ra sản lượng cà phê sản xuất, cân đối nguồn nguyên liệu ký hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay diện tích cà phê vẫn là bài toán khó đối với họ.
Có thể trên 600 nghìn ha
Theo số liệu thống kê, diện tích cà phê cả nước là 700.000 ha, nhưng nhiều người trong ngành cho rằng hiện còn khoảng 600.000 ha. Có được số diện tích cà phê thực tế, sẽ giúp cho ngành hàng này tính toán gần chính xác sản lượng thu hoạch, xuất khẩu và tồn kho và cân đối lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, mọi người tính toán diện tích cà phê hiện còn khoảng 600.000 ha, tuy nhiên, hai năm nay, giá cà phê tăng cao nên diện tích cà phê đã phục hồi nên có thể đạt trên 600.000 ha.
Trong khi đó, nếu duy trì được diện tích trên, dưới 700.000 ha thì Việt Nam không lo mất vị trí nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 trên thế giới.
“Vấn đề bây giờ là cố gắng duy trì diện tích cà phê đang có, nhiều thông tin cho biết cả năm nay giống cà phê trên thị trường bán ra nhiều, chứng tỏ bản thân người nông dân tự phục hồi vườn cà phê và tái canh diện tích cà phê. Vì vậy, diện tích cà phê hiện nay không thể dưới 600.000 ha”, ông Hải nói.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, muốn biết diện tích cà phê hãy nhìn vào sản lượng bán ra từ Đắk Lắk và Lâm Đồng. Ở Lâm Đồng, diện tích thấp hơn nhưng sản lượng đạt gần 500.000 tấn, trong khi Đắk Lắk chỉ còn hơn 400.000 tấn, do năng suất của Đắk Lắk kém hay vì diện tích ở Đắk Lắk đã bị giảm. Năng suất cà phê ở Lâm Đồng đang rất tốt, và vấn đề của cà phê Việt Nam là làm sao ổn định được diện tích và sản lượng.
Xét về thị trường cà phê, Chủ tịch Vicofa cho rằng giá cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đặc trưng nhất vẫn là yếu tố biến đổi khí hậu, chiến tranh, cấm vận đẩy giá cước vận tải tăng, dẫn đến giá thành cao thì giá bán phải tăng lên.
Thứ hai là yếu tố nhà đầu cơ. Trên sàn giao dịch London và New York, nhà đầu cơ tài chính chủ yếu tập trung vào vàng và cà phê.
Dự đoán, vào cuối tháng 10/2024, khi Việt Nam bắt đầu vụ thu hoạch mới, lúc đó nguồn cung ra thị trường dồi dào hơn giá cà phê có thể sẽ được điều chỉnh.
Hơn 50% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu vào thị trường châu Âu
Chuyên gia ngành hàng cà phê cho rằng, giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài, do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ những vùng trồng chính, sẽ khiến giá cà phê duy trì mức giá cao đến giữa năm 2025.
Khối lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam trong ngắn hạn sẽ giảm dần do nguồn cung cạn kiệt. Về dài hạn, xuất khẩu cà phê sẽ phục hồi khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024- 2025 bắt đầu và nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu cà phê đạt 36,903 nghìn tấn, trị giá 195,344 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất khẩu cà phê đạt 1,017 triệu tấn, tương đương 3,81 tỷ USD, so với cùng kỳ giảm 11,91% về khối lượng nhưng tăng 35,32% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cà phê trong tháng 7/2024 đạt mức 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng 6/2024 và tăng 75,1% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê đạt mức 3.683 USD/tấn, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất trong lịch sử ngành hàng.
Ngày 23/8/2024, giá cà phê trong nước giao dịch cao nhất là 118.300 đồng/kg tại Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông. Tại Lâm Đồng, thương lái đang thu mua với giá thấp nhất là 117.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn London tăng 13 USD, tương đương 0,3% lên mức 4.632 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng ở mức 4.658 USD/tấn, cũng là mức giá cao nhất cho đến nay.
Báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, 7 tháng đầu năm, 3 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất trong khối EU, gồm: Đức, Ý và Tây Ban Nha đạt 284,316 nghìn tấn, tương đương 991,763 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 29%.
Châu Âu đang là khách hàng lớn nhất của cà phê Việt Nam, có hơn 50% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường này, nhưng họ cũng là khách hàng đòi hỏi chất lượng cà phê phải gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thể hiện qua quy định của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) có hiệu lực từ tháng 6/2023, và triển khai thực hiện vào ngày 1/1/2025.
Theo Vicofa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần khẩn trương trình chính phủ khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương có trồng cà phê xây dựng thống nhất bản đồ rừng tính đến ngày 31/12/2020.
Đàm phán với EU để đưa Việt Nam vào danh sách vùng có rủi ro thấp về EUDR và công nhận bản đồ rừng của Việt Nam đưa ra, đồng thời phát hành tài liệu hướng dẫn cụ thể về chi tiết các doanh nghiệp tuân thủ EUDR.