Nhìn ra thế giới

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phục hồi tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn rủi ro phía trước

Minh Ngọc 05/04/2023 - 14:36

Báo cáo mới nhất Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) đã phục hồi và đang tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng trên toàn cầu chững lại, giá cả thương phẩm leo thang và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế của khu vực trong năm 2023. 

Bên cạnh đó, các nền kinh tế ở khu vực này còn phải đối mặt với những thách thức lớn về đảo ngược toàn cầu hóa, dân số già hóa, và biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của WB công bố ngày 4/4, hoạt động kinh tế ở hầu hết các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (EAP) đã phục hồi sau những cú sốc gần đây,  với hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân dẫn dắt. Tuy nhiên, sản lượng vẫn ở dưới mức trước đại dịch ở nhiều các quốc đảo Thái Bình Dương. Lạm phát vẫn cao hơn phạm vi mục tiêu ở một số quốc gia. Tăng trưởng ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng toàn cầu, dự kiến ​​sẽ chậm hơn trong năm 2023 so với năm 2022, mặc dù các dự báo gần đây lạc quan hơn; giá cả hàng hóa đã được kiểm soát; thắt chặt tài chính tiếp tục là xu hướng, với khả năng Mỹ tiếp tục đối mặt với áp lực lạm phát.

Báo cáo cũng nhắc tới các nền kinh tế Indonesia, Philippines và Việt Nam, với tăng trưởng dự báo khiêm tốn hơn trong năm 2023 so với năm 2022. Riêng Việt Nam, trong bản cập nhật mới, WB dự báo mức tăng trưởng năm 2023 là 6,3%, giảm so với mức 6,8% dự báo trước đó cho năm 2023 và thấp hơn mức 8% của năm 2022. Hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2023, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là Palau với 12,3%.

Sau hơn 2 thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở EAP đã phát triển nhanh hơn và ổn định hơn so với phần lớn phần còn lại của thế giới. Kết quả là, tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể và trong thập kỷ qua, tỷ lệ bất bình đẳng cũng giảm. Trong cả 2 cuộc Đại Suy thoái kinh tế và đại dịch COVID, các nền kinh tế của khu vực tỏ ra kiên cường hơn hầu hết các nền kinh tế khác.

Bên cạnh dự báo lạc quan về khu vực, WB cũng nêu ra một số thách thức lớn mà các nền kinh tế nơi đây đang phải đối mặt, gồm sự gia tăng căng thẳng thương mại, dân số già hóa nhanh chóng và rủi ro liên quan biến đổi khí hậu. Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB cho rằng, tình trạng “đảo ngược toàn cầu hóa” là một thách thức trước mắt đối với các nền kinh tế khu vực EAP.

“Rất nhiều sự tăng trưởng trong khu vực này là nhờ có được thị trường mở, hội nhập và được điều chỉnh bởi các quy tắc thương mại có thể dự báo được. Tuy nhiên, giờ đây đang xuất hiện hiện tượng “đảo ngược toàn cầu hóa”. Sự chia rẽ thương mại và các yếu tố chính trị hay thay đổi đang tạo ra sự bất ổn trong khu vực, mà chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng sẽ là một vấn đề đối với tăng trưởng thông qua thương mại”, ông Mattoo nhận định.

Có thể thấy rằng, sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại, nhiều cú sốc và thách thức đang rình rập có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng trong khu vực trừ khi có sự đánh giá lại sâu sắc về con đường cải cách, theo chuyên gia kinh tế WB.

Trước những thách thức trên, WB nêu ra 4 hành động chính sách cần thiết để giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng, gồm cải cách chính sách tài chính vĩ mô, cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách chính sách liên quan khí hậu và hợp tác quốc tế.

4 hành động chính sách cần thiết

• Cải cách tài chính vĩ mô để hỗ trợ phục hồi hôm nay và tăng trưởng bao trùm ngày mai.

• Cải cách cơ cấu để thúc đẩy đổi mới và năng suất trong toàn bộ nền kinh tế.

• Cải cách liên quan đến khí hậu để tăng cường khả năng phục hồi thông qua thích ứng hiệu quả.

• Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đảm bảo sự cởi mở đối với thương mại, đầu tư và công nghệ

Về hợp tác quốc tế, ông Mattoo cho rằng các quốc gia không thể đơn độc giải quyết những căng thẳng toàn cầu với nhiều thách thức phủ bóng triển vọng tăng trưởng của khu vực. Ông cũng cho rằng lĩnh vực dịch vụ là chìa khóa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, do đó để đẩy mạnh tăng trưởng khu vực, các nước trong khu vực này phải từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ và mở cửa lĩnh vực dịch vụ.

Liên quan vấn đề già hóa dân số, ông Mattoo cho biết cần phải điều chỉnh các khoản tài chính sâu sắc hơn, trong đó các chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo trợ xã hội và đặt nền móng cho tăng trưởng toàn diện, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn hoặc đầu tư vào giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh khu vực phải góp phần giảm lượng khí thải carbon, quản lý rủi ro và đầu tư vào thích ứng với các diễn biến khí hậu sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phục hồi tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn rủi ro phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO