(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trao đổi với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, GS, TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, để tránh tình trạng đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh như năm 2021, vấn đề kiểm soát dịch sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng trong năm 2022.
GS, TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XV |
Kiểm soát tốt dịch bệnh không chỉ góp phần ổn định hoạt động sản xuất trong nước, mà còn có điều kiện mở cửa nền kinh tế một cách an toàn và có lộ trình. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh trở lại.
Phóng viên: Năm 2021 đã đi qua, thời điểm này khi nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2021, ông thấy đâu là những nét chấm phá nổi bật góp phần đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Năm 2021 là năm nền kinh tế Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Tác động tiêu cực của đại dịch làm cho tăng trưởng kinh tế rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% trong quý II/2021 xuống mức âm 6,17% trong quý III/2021. Điều này cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đã bị suy giảm sau 2 năm phòng chống dịch, cũng như là nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị cạn kiệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy một số điểm sáng rất đáng ghi nhận, cụ thể:
Thứ nhất, ngay sau khi hết thời kỳ giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã phục hồi rất nhanh. Thành tựu nổi bật đó là xuất khẩu trong năm 2021 tiếp tục tăng trưởng nhanh đạt trên 19%, cao hơn cả mục tiêu đặt ra. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2021 vẫn ghi nhận là năm xuất siêu (trên 4 tỷ USD). Với kết quả đạt được, xuất khẩu tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế.
Thứ hai, ngành nông nghiệp tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Khác với những năm trước, năm qua ngành nông nghiệp ghi nhận vừa được mùa, vừa được giá. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã đặt chân được vào những thị trường cao cấp, thị trường khó tính như châu Âu hay những nước phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã tạo đựng được vị thế và chỗ đứng khá tốt tại những thị trường này.
Còn thị trường trong nước ghi nhận khá ổn định. Gần như khách hàng đã trung thành và lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp duy trì ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thị trường thế giới bị đứt gãy.
Thứ ba, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã vượt kế hoạch đặt ra. Đây cũng là cơ sở để chúng ta có nguồn lực tăng cường chi phòng chống dịch, cũng như cân đối được ngân sách không bị thâm hụt quá cao. Nhờ đó giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra. Theo tôi, lạm phát thấp đã góp phần giúp các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng trong việc đảm bảo giá trị các khoản đầu tư. Đây cũng là lý do giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong năm qua vẫn giữ được mức khá.
Phóng viên: Ngoài những điểm nổi bật như trên, đâu là những điểm cần cải thiện để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định hơn trong năm 2022, thưa ông?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Mặc dù kinh tế Việt Nam có một số điểm khởi sắc trong năm 2021 nhưng bức tranh kinh tế chung vẫn còn những điểm cần phải cải thiện để kinh tế phục hồi và phát triển ổn định hơn trong năm 2022.
Theo tôi, một trong những điểm khó khăn của nền kinh tế trong năm 2022 là nguồn lực. Chúng ta thấy, nguồn lực cho nền kinh tế đã bị suy giảm và nguồn lực của doanh nghiệp cũng gần như bị cạn kiệt. Do đó, trong năm 2022 cần phải khai thác, huy động và khai thông các nguồn lực cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần thiết phải tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài khóa như đã thực hiện trong năm 2021 để làm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ mới để tăng thêm nguồn lực và kích cầu cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa phải sản xuất kinh doanh, vừa phải ứng phó với đại dịch, đòi hỏi cơ chế quản lý cũng cần thay đổi kịp thời theo hướng giảm thủ tục hành chính để có thể xử lý nhanh những yêu cầu của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là phải chuyển đổi cơ chế quản lý hành chính trước đây là nhà quản lý "ngồi chờ xin cho", thì nay cơ quan quản lý nhà nước phải hỗ trợ, giúp đỡ để cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Đây là một yêu cầu vô cùng cấp thiết trong bối cảnh đại dịch.
Theo tôi, để tránh tình trạng đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh như năm 2021, vấn đề kiểm soát dịch sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng trong năm 2022. Kiểm soát tốt dịch bệnh không chỉ góp phần ổn định hoạt động sản xuất trong nước, mà còn có điều kiện mở cửa nền kinh tế một cách an toàn và có lộ trình. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh trở lại.
Phóng viên: Để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, trong năm qua ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi (Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14); giảm lãi suất, giảm phí… Là đại biểu Quốc hội, ông có đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc phục hồi kinh tế, đặc biệt sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều giải pháp, nhiều chính sách về tín dụng để giúp cho doanh nghiệp vơi đi gánh nặng, từ đó có điều kiện và nguồn lực khôi phục, phát triển. Các chính sách về giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, cơ cấu lại các khoản nợ... đã giúp doanh nghiệp tránh áp lực phải trả nợ trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, không có nguồn thu. Không chỉ vậy, những chính sách này đã giúp nhiều khoản vay không bị rơi vào nhóm nợ xấu, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng mới để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu do đại dịch tăng các giải pháp của ngành Ngân hàng giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn rất đáng ghi nhận. Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng.
Phóng viên: Nợ xấu do đại dịch COVID-19 đang trở thành nỗi lo cho ngành Ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ông có lời khuyên như thế nào giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Rõ ràng nợ xấu đang là nguy cơ hiện hữu đối với hoạt động ngân hàng, vì nhiều khoản vay đến kỳ hạn đang thực hiện chính sách về giãn, hoãn, gia hạn trả nợ, trong khi các doanh nghiệp đó gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản. Bên cạnh đó, áp lực về mặt trách nhiệm là tăng cường nguồn lực để phục hồi kinh tế, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cho vay để đáp ứng chương trình phục hồi kinh tế, tăng nguồn lực cho doanh nghiệp. Vừa thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn vốn tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn cho hệ thống, đang là bài toán đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động ngân hàng.
Trong bối cảnh trên, để hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định trong thời gian tới, tôi cho rằng, trong hoạt động cấp tín dụng các ngân hàng phải xác định rõ mục tiêu, nên thực hiện phương thức cho vay theo dòng tiền để kiểm soát được hoạt động sử dụng dòng tiền của khách hàng. Nếu làm được điều này sẽ vừa đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo dòng tiền của ngân hàng cấp ra được an toàn và có thể thu hồi.
Ngoài ra, để giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, việc tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 theo hướng Luật hóa là cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt để tránh tình trạng khách hàng "chây ì" có tiền mà không chịu trả cho ngân hàng, thì khi cho vay ngân hàng phải thực hiện được việc bám sát dòng tiền của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có tiền ngân hàng sẽ thu được ngay. Làm tốt được điều này sẽ giúp các ngân hàng tránh được nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Phóng viên: Thời gian gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các diễn đàn… đã đề cập nhiều về gói kích thích kinh tế để phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có những đề xuất quy mô gói kích thích từ 8 – 10% GDP. Quan điểm của ông về gói kích thích kinh tế này như thế nào? Theo ông, liều lượng gói kích thích này bao nhiêu là đủ? Phương thức triển khai để gói kích thích kinh tế đó đạt hiệu quả cao nhất nên như thế nào, thưa ông?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Theo tôi, rất khó để lượng hóa gói hỗ trợ kinh tế này là 8 - 10% GDP. Tuy nhiên, qua 2 năm phòng chống dịch cho thấy nguồn lực của nền kinh tế đang cạn kiệt, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm, cho nên rất cần tăng thêm các gói hỗ trợ để tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, đồng thời kích cầu cho nền kinh tế.
Để tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, tôi cho rằng các giải pháp đưa ra phải đi qua con đường tín dụng, vì nhà nước không thể bỏ ngân sách ra để cấp thẳng cho doanh nghiệp được. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đảm bảo ổn định vững chắc, chưa khẳng định được lợi nhuận mang lại, thì gói hỗ trợ của nhà nước cần hướng đến việc giúp doanh nghiệp tiếp cận được các gói tín dụng ngân hàng với mức lãi suất hợp lý, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm áp lực về mặt chi phí vốn. Theo tôi, mức lãi suất vay ưu đãi của gói hỗ trợ này nên tương đương với tỷ lệ lạm phát, còn phần chênh lệch giữa lãi suất vay ưu đãi với lãi suất kinh doanh của ngân hàng phải được nhà nước cấp bù. Điều quan trọng, quy mô của gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi này phải đủ mức để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra phải có các nguồn lực khác để đầu tư cho các khu vực đang là "nút thắt" của nền kinh tế, ví như: vận tải, du lịch... Như vậy, nguồn lực đầu tư ở đây bao gồm: hỗ trợ từ ngân sách cấp bù lãi suất cho tăng trưởng tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp, và nguồn lực để đầu tư để tháo các "nút thắt" của nền kinh tế.
Để các gói hỗ trợ kinh tế trên thực sự đạt hiệu quả cao, tôi cho rằng trong quá trình triển khai phải đảm bảo được gói hỗ trợ đến đúng đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, không để dòng tiền này chảy vào khu vực đầu cơ tài sản. Đặc biệt là không để trục lợi vay vốn giá rẻ để quay vòng.
Phóng viên: Ngoài gói kích thích kinh tế, đâu là những giải pháp quan trọng để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, thưa ông?
GS, TS. Hoàng Văn Cường: Ngoài những giải pháp trên, theo tôi, một giải pháp khác rất quan trọng đó là: "phải kiểm soát dịch an toàn". Chúng ta cần thực hiện thành công chiến lược "sống chung an toàn với dịch" để vừa kiểm soát dịch, vừa phục hồi kinh tế. Bởi lẽ, biến số kiểm soát dịch sẽ là yếu tố quan trọng nhất để chúng ta có duy trì được nền kinh tế mở cửa và phục hồi ổn định hay không.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước cũng cần phải có những thay đổi căn bản. Đặc biệt, cần cải cách phương thức quản lý hành chính truyền thống hiện nay theo hướng chuyển mạnh sang phương thức quản lý số hóa. Nếu làm được điều này sẽ là cơ sở để mở đường cho phát triển kinh tế số. Đây cũng là con đường vừa thích ứng với điều kiện tác động của đại dịch, đồng thời cũng là xu hướng mở ra được tiềm lực mới cho nền kinh tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!