(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong điều kiện không gian tài chính sẵn có và với sự bất ổn kinh tế gia tăng sau một đợt bùng phát lớn, Chính phủ có thể cân nhắc hỗ trợ tài khóa lớn hơn, trong khi các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các hộ gia đình có thu nhập thấp cần hướng đúng trọng tâm và được xem xét định kỳ về mức độ phù hợp và tính hiệu quả. Trao đổi của ông Jade Vichyanond, Chuyên gia Kinh tế về Việt Nam, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3, AMRO.
Ông Jade Vichyanond, Chuyên gia Kinh tế về Việt Nam, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3, AMRO |
Phóng viên: Là một tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô khu vực nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực ASEAN+3, AMRO đánh giá như thế nào về sự phục hồi kinh tế của khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng trong và sau đại dịch?
Ông Jade Vichyanond: Kết quả tăng trưởng của khu vực đã cho thấy khả năng chống chịu trước cú sốc bên ngoài mạnh mẽ hơn dự đoán. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng của khu vực sẽ đạt mức 6,1% vào năm 2021 và khoảng 5,0% vào năm 2022 nhờ vào tiến bộ trong tiêm chủng, những phương pháp điều trị COVID-19 mới và hiệu quả, và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Sự phục hồi kinh tế đã, đang và có khả năng sẽ tiếp tục phân hóa giữa các ngành, các bộ phận dân cư và các nền kinh tế trong khu vực. Trong khi lĩnh vực sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ, một phần là nhờ được hưởng lợi từ quá trình số hóa gia tăng, thì các dịch vụ cần có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người và du lịch vẫn sẽ bị cản trở bởi các hạn chế về đi lại.
Trong tương lai, sự phục hồi của khu vực phải chịu một số rủi ro ngắn hạn như: các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, tình trạng căng thẳng tài chính kéo dài trong các doanh nghiệp và hộ gia đình, các điều kiện thanh khoản toàn cầu thắt chặt nhanh hơn dự kiến, cũng như tình trạng căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ-Trung kéo dài.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là 2,58%, thấp hơn mức trung bình khoảng 3,8% của các nền kinh tế khu vực (không bao gồm Myanmar). Tốc độ tăng trưởng thấp hơn là do Việt Nam phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư, đặc biệt kể từ quý III/2021. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn cũng một phần do hiệu ứng cơ sở từ mức tăng 2,9% mà Việt Nam đạt được trong năm 2020, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế trong khu vực (khoảng -2,2%).
Sự phục hồi của Việt Nam phụ thuộc vào việc triển khai tiêm chủng nhanh hơn, điều này sẽ cho phép nhiều hoạt động kinh doanh hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, tiếp tục trở lại.
Phóng viên: Đánh giá của ông về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như ổn định tài chính của Việt Nam? Những vấn đề nào cần cải thiện hơn nữa, thưa ông?
Ông Jade Vichyanond: Việt Nam là một nền kinh tế theo định hướng thương mại, do vậy một trong những động lực chính của tăng trưởng sẽ là khu vực sản xuất. Nếu Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu các hạn chế về đi lại, đặc biệt là đối với các nhà máy và công nhân, thì khu vực sản xuất sẽ có thể tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài.
Một động lực chính khác của tăng trưởng trong thời gian tới là khu vực dịch vụ, lĩnh vực đã gặp phải những thách thức đáng kể từ quý III/2021 do các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trong làn sóng lây nhiễm lần thứ tư đã làm giảm nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng cùng với việc triển khai tiêm chủng nhanh hơn, cho phép khu vực này phục hồi cùng với khu vực sản xuất.
Sự phục hồi mạnh mẽ của hai lĩnh vực quan trọng này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ là tăng trưởng 6-6,5 % cho năm 2022.
Để nâng cao triển vọng phục hồi mạnh mẽ, tiêm chủng vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng như tăng cường hơn nữa hệ thống y tế. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát có mục tiêu kỹ lưỡng sẽ là điều cần thiết và cần được đánh giá lại thường xuyên để có những điều chỉnh linh hoạt và dần hướng tới mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề ổn định tài chính, một trong những rủi ro lớn là tác động của đại dịch đến chất lượng tài sản. Bất chấp những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu khoản vay, có khả năng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ tiếp tục xấu đi và làm xói mòn vùng đệm vốn của mình. Hơn nữa, chính sách cho phép tạm hoãn việc xếp lại nhóm nợ của Ngân hàng Nhà nước khiến việc xác định mức độ suy giảm chất lượng tài sản thực sự trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc đánh giá chính xác tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng trở nên thách thức hơn khi chương trình tái cơ cấu tiếp tục với quy định cho phép cơ cấu lại nợ như vậy.
Phóng viên: Đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam nói riêng, ông có khuyến nghị gì để đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết?
Ông Jade Vichyanond: Việc mở rộng phạm vi tái cơ cấu nợ và kéo dài thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho vay là rất quan trọng trong việc giảm bớt áp lực cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bảo vệ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Để đảm bảo sự ổn định tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, các cơ quan chức năng nên xem xét chất lượng tài sản và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng khi xác định thời điểm và cách thức điều chỉnh các chính sách. Trong trung hạn, giá tài sản và các điều kiện đòn bẩy cần được giám sát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro lạm phát giá tài sản.
Phóng viên: Các khuyến nghị của ông để Việt Nam có được sự phục hồi và tăng trưởng bền vững là gì, thưa ông?
Ông Jade Vichyanond: Do đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài cùng nhiều rủi ro tiềm ẩn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn, chính sách tài khóa cần tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Trong điều kiện không gian tài chính sẵn có và với sự bất ổn kinh tế gia tăng sau một đợt bùng phát lớn, Chính phủ có thể cân nhắc hỗ trợ tài khóa lớn hơn, trong khi các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các hộ gia đình có thu nhập thấp cần hướng đúng trọng tâm và được xem xét định kỳ về mức độ phù hợp và tính hiệu quả. Ngoài ra, điều quan trọng là phải tăng cường giải ngân đầu tư công để thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi đại dịch kéo dài tiếp tục đè nặng lên nhu cầu của khu vực tư nhân.
Chính sách tiền tệ thích ứng và chính sách an toàn vĩ mô (chính sách sử dụng các công cụ an toàn để hạn chế các rủi ro mang tính hệ thống và/hoặc các rủi ro đối với tổng thể hệ thống tài chính) đã và đang hỗ trợ nền kinh tế cần được duy trì trong thời gian tới. Về chính sách tiền tệ, việc cắt giảm lãi suất đã làm giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp và hỗ trợ mở rộng tín dụng. Việc mở rộng phạm vi tái cơ cấu nợ và kéo dài thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho vay là rất quan trọng trong việc giảm bớt áp lực cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bảo vệ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Trong tương lai, với triển vọng lạm phát ổn định, chính sách tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế. Giá tài sản và các điều kiện đòn bẩy cần được theo dõi chặt chẽ và cân nhắc để xác định thời điểm và cách thức điều chỉnh các chính sách. Cải cách cơ cấu cần được đẩy mạnh để thúc đẩy phục hồi kinh tế và nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Các nỗ lực hơn nữa để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng cần thiết để tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!