Các Hiệp hội ngành, nghề

Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 10.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm

Thanh Thanh 13/09/2023 08:12

8 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hành 61 báo cáo kiểm toán (BCKT) kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật.

kiem-toan.jpg
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 26 dưới của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/9, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, đến ngày 31/8/2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 94 Dự thảo BCKT, phát hành 61 BCKT.

Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm tại các Chương trình mục tiêu quốc gia được kiểm toán đều thực hiện chưa đạt; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế…

Sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.

KTNN cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; đặc biệt, đã cùng Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra KHKT và kế hoạch thanh tra của 2 cơ quan trước khi ban hành KHKT năm nhằm tránh chồng chéo.

Đồng thời, trong quá trình kiểm toán chủ động điều chỉnh giảm, không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.

Đặc biệt, KTNN đã cung cấp 265 BCKT và tài liệu cho các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát để cung cấp cho Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội theo yêu cầu; tiến hành sơ kết và ký Quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh; tích cực cử lãnh đạo ngành tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, tham gia một số Ban chỉ đạo, tổ công tác của Chính phủ; cử nhiều lãnh đạo cấp vụ tham gia Tổ soạn thảo các Dự án Luật của Chính phủ, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo của KTNN cho biết, sơ bộ đến ngày 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản QPPL thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Chia sẻ về công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, Phó tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, với phương châm làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên một địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội, KHKT năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.

Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN, KHKT đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.

KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập KHKT cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng CNTT, qua đó đã giảm đáng kể thời gian, nhân sự khảo sát, kiểm toán trực tiếp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Cùng với việc triển khai KHKT năm 2023, Tổng KTNN đã ban hành Hướng dẫn xây dựng KHKT trung hạn 2024-2026 và KHKT năm 2024, tiếp tục với phương châm làm ít nhưng chất”, bám sát Chiến lược phát triển KTNN và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH, số nhiệm vụ năm 2024 không tăng so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 10.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO