Nhìn ra thế giới

Kinh nghiệm về thực hành phòng chống rửa tiền tại một số quốc gia - bài học cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Thu Trang 09/09/2024 - 06:59

Bài viết tập trung tìm hiểu kinh nghiệm thực hành phòng chống rửa tiền (PCRT) tại Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCRT cho Việt Nam.

Tóm tắt: Phòng, chống rửa tiền (PCRT) là một trong những vấn đề quan tâm được đặt lên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Hoạt động rửa tiền là một hoạt động phi pháp, bao gồm các hành vi tẩy trắng tiền từ các hoạt động tội phạm và đưa vào các kênh tài chính hợp pháp. Điều này góp phần làm mất đi tính minh bạch, trung thực của hệ thống tài chính, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội. Ở Việt Nam, PCRT là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp PCRT để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính và kinh tế, bao gồm việc tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các hoạt động khả nghi. Bài viết tập trung tìm hiểu kinh nghiệm thực hành PCRT tại Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCRT cho Việt Nam.

EXPERIENCE IN ANTI-MONEY LAUNDERING PRACTICES IN SOME COUNTRIES - LESSONS FOR VIETNAM

Abstract: Anti-money laundering is one of the top hot issues of interest of interest in many countries around the world. Money laundering is an illegal activity that includes the act of bleaching money from criminal activities and putting it into legitimate financial channels. This contributes to the weaker transparency and integrity of the financial system, negatively affecting the economy and society. In Vietnam, anti-money laundering is one of the government’s top priorities. The authorities have applied many measures on anti-money laundering to ensure the safety of the financial and economic system, including strengthening supervision, inspection and handling suspicious activities. The article focuses on giving experienced lessons on the practices of anti-money laundering activities in the US, UK, Australia, and Japan. From there, lessons are given to improve the effectiveness of anti-money laundering activities for Vietnam.

1. DẪN NHẬP

Có thể nói, văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh trực tiếp đến vấn nạn rửa tiền ở nước ta là Nghị định số 74/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực vào ngày 7/6/2005, gắn liền với lợi ích của dân chúng về trật tự, an toàn quốc gia và xã hội. Năm 2010, Thông tư 148/2010/TT-BTC cũng được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Sau đó, hàng loạt các sửa đổi, bổ sung điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015 nhằm gia tăng chế tài đối với tội phạm rửa tiền cũng được quy định. Tất cả các văn bản pháp lý trên tạo điều kiện cho Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) ra đời đi kèm với các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với các tổ chức tín dụng thông qua Thông tư 35/2013/TT-NHNN. Luật PCRT 2013 đưa ra các yêu cầu về tăng cường hoạt động điều tra phát hiện, bảo đảm tính minh bạch trong các hoạt động và xây dựng quy định nội bộ đi kèm với các báo cáo kiểm soát, lưu trữ thông tin về PCRT. Tuy nhiên, các hạn chế vẫn được phát hiện và với những thiếu sót này, năm 2022 Luật PCRT được ban hành với 4 chương và 66 điều, trong đó có các yêu cầu bổ sung thêm đối tượng báo cáo về kiểm soát PCRT, về nhận diện khách hàng, các quy định đối với các cá nhân nước ngoài và đánh giá mức độ rủi ro rửa tiền của các sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ hiện đại, quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm,... nhằm áp dụng vào thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu về chuẩn mực quốc tế. Ngày 28/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Tiếp đó, ngày 26/7/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền….

2. LÝ THUYẾT VỀ RỬA TIỀN

2.1. Khái niệm

Theo Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần (1988), rửa tiền là việc chuyển đổi hoặc chuyển nhượng tài sản, khi biết rằng tài sản đó có được từ (các) hành vi phạm tội, nhằm mục đích che giấu hoặc ngụy tạo nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có liên quan đến (các) hành vi phạm tội đó trốn tránh hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), rửa tiền là việc xử lý các tài sản do hoạt động tội phạm tạo ra để che giấu mối liên hệ giữa các khoản tiền và nguồn gốc bất hợp pháp của chúng.

Theo Khoản 1, Điều 3 Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Trong đó, Khoản 2 tại điều này quy định tài sản do phạm tội mà có là (a) tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; (b) phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.

2.2. Quy trình rửa tiền

Theo Mạng lưới Thực thi pháp luật về tội phạm tài chính của Mỹ (FinCEN - Financial Crimes Enforcement Network), rửa tiền là một quy trình gồm có 3 giai đoạn tiêu biểu nhằm đạt mục đích cuối cùng là giải phóng các khoản tiền đã được rửa vào hệ thống tài chính hợp pháp. Cụ thể: sắp xếp, phát tán, quy tụ.

Giai đoạn sắp xếp

Tiền bất hợp pháp được đưa vào hệ thống tài chính hợp pháp một cách bí mật. Nhìn chung, tiền “bẩn” có thể được tách ra khỏi nguồn bất hợp pháp của chúng thông qua các hoạt động như: gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng, chuyển đổi sang ngoại tệ…

Giai đoạn phát tán

Tiền được luân chuyển nhằm che đậy và gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Nhìn chung, tiền “bẩn” được ngụy trang dưới nhiều lớp giao dịch thông qua các hoạt động như: chuyển tiền nhiều lần giữa các tài khoản ngân hàng, lưu trữ tiền trong các công ty vỏ bọc hay chuyển đổi tiền thành nhiều loại tài sản khác nhau…

Giai đoạn quy tụ

Tiền được tích hợp vào hệ thống tài chính thông qua các giao dịch bổ sung cho đến khi tiền từ “bẩn” trở nên “sạch”. Nhìn chung, tiền sau khi “rửa” được đưa vào nền kinh tế dưới dạng các quỹ hợp pháp thông qua các hoạt động: mua sắm tài sản có giá trị cao, đầu tư tài chính hay đầu tư vào các dự án kinh doanh ở các ngành kinh tế khác nhau...

2.3. Các lĩnh vực rửa tiền

Hoạt động rửa tiền với bản chất là biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch” nhằm hợp pháp hóa việc lưu thông loại tiền này được thực hiện bằng những phương thức, thủ đoạn có tính chất ngày càng tinh vi và có phạm vi lan rộng ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Dưới đây là các lĩnh vực tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hoạt động rửa tiền.

2.3.1. Lĩnh vực ngân hàng

Theo Điều 28 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền, một số dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm:

Thứ nhất, về giao dịch trên tài khoản ngân hàng của cá nhân (tổ chức): Mở nhiều tài khoản tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác khu vực địa lý nơi khách hàng sinh sống và công tác; tài khoản có biến động lớn về số lượng giao dịch trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ (hay bằng không); liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hay sử dụng địa chỉ IP ở nước ngoài khi thực hiện các giao dịch trực tuyến; sử dụng tài khoản cá nhân để đại diện giao dịch cho cá nhân (tổ chức) có liên quan đến tội phạm rửa tiền đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, về triển khai hoạt động kinh doanh của tổ chức: Cung cấp thông tin không rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc tài sản được sử dụng trong bảo đảm khoản vay, tài trợ, đầu tư, cho vay, ủy thác đầu tư...; sử dụng các phương thức tài trợ thương mại (thư tín dụng...) có giá trị lớn bất thường; chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh.

2.3.2. Lĩnh vực chứng khoán

Theo Điều 31 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền, một số dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:

Thứ nhất, khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng; đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán ngắn hạn không có lợi; chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hay thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam; được cung cấp một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng vào tài khoản chứng khoán.

Thứ hai, giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền; nhận góp vốn thành lập quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền.

2.3.3. Lĩnh vực bất động sản

Theo Điều 33 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản bao gồm:

Thứ nhất, khách hàng không cung cấp đầy đủ thông tin về bất động sản, nhân thân; không có cơ sở pháp lý đối với các giao dịch bất động sản có tính chất ủy quyền.

Thứ hai, khách hàng không quan tâm về giá bất động sản hay phí giao dịch phải trả, đồng thời giá giao dịch giữa các bên không phù hợp với giá thị trường.

2.3.4. Lĩnh vực bảo hiểm

Điều 30 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền chỉ ra một số dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm bao gồm:

Thứ nhất, đối với khách hàng cá nhân của hợp đồng bảo hiểm: Khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn bất thường; yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói; yêu cầu khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng; thực hiện thanh toán phí bảo hiểm từ tài khoản không phải là tài khoản của bên mua/bên được ủy quyền từ bên mua bảo hiểm.

Thứ hai, đối với khách hàng doanh nghiệp của hợp đồng bảo hiểm: Khách hàng doanh nghiệp tăng mua hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên (hay mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần) một cách bất thường.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên trả tiền bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.

2.3.5. Lĩnh vực trung gian thanh toán

Theo Điều 29 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền, những dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực trung gian thanh toán bao gồm:

Thứ nhất, về số lượng giao dịch, số dư ví điện tử: Số lượng giao dịch trên ví điện tử có biến động lớn nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ (hay bằng 0); một ví điện tử đồng thời nhận nhiều giao dịch chuyển tiền từ nhiều ví điện tử khác nhau (hay ngược lại) mà không cân nhắc phí giao dịch, sau đó tiến hành chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác (hay tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng); phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền giữa các ví điện tử với thời gian giao dịch nhanh bất thường; sử dụng ví điện tử cá nhân để đại diện giao dịch cho cá nhân (tổ chức) có liên quan đến tội phạm rửa tiền đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, về phương thức đăng nhập: Liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hay sử dụng địa chỉ IP nước ngoài khi thực hiện giao dịch trực tuyến qua ví điện tử; sử dụng một thiết bị đăng nhập (hay một địa chỉ IP) để thực hiện giao dịch trên nhiều ví điện tử không cùng thuộc một chủ sở hữu.

2.3.6. Lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng

Theo Điều 32 của Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền, một số dấu hiệu tiêu biểu phản ánh nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm:

Thứ nhất, khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn bất thường tại casino (hay điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng) nhưng không tham gia chơi, sau đó quy đổi thành tiền mặt (hay chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng khác); tham gia chơi nhưng cố tình thua liên tục tại tổ chức kinh doanh trò chơi có thưởng; yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không xác định được mối quan hệ với khách hàng.

Thứ hai, khách hàng mua lại vé số trúng thưởng có giá trị lớn từ người khác.

2.4. Tác động của rửa tiền

Theo John McDowell và Gary Novis (2001), nhằm che đậy các khoản tiền bất hợp pháp phục vụ lợi ích cá nhân (tổ chức), hoạt động rửa tiền có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế - xã hội của quốc gia dưới nhiều khía cạnh dưới đây.

2.4.1. Tác động kinh tế

Thứ nhất, làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân: Tội phạm rửa tiền thường thành lập các công ty vỏ bọc, thông qua đó trộn tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp với nguồn tiền hợp pháp nhằm che giấu nguồn thu bất chính. Với nguồn lực tài chính mạnh mẽ của các quỹ bất hợp pháp phía sau, các sản phẩm của công ty vỏ bọc được tài trợ với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, tương ứng công ty có thể cung ứng sản phẩm ở mức giá thấp hơn so với các nhà cung ứng khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty hợp pháp trên thị trường. Đồng thời, về lâu dài, khu vực kinh tế tư nhân có nguy cơ đối mặt với sự chiếm lĩnh của tội phạm có tổ chức dưới vỏ bọc là các doanh nghiệp thương mại.

Thứ hai, mất kiểm soát chính sách kinh tế: Về cơ bản, tội phạm rửa tiền có xu hướng “rửa” các khoản tiền bất hợp pháp có giá trị lớn, từ đó có thể gây ra lũng đoạn thị trường tại một số nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, các khoản tiền được rửa để trốn thuế có thể gây thâm hụt ngân sách chính phủ (giảm thu nhập thuế), từ đó gián tiếp gây tổn hại đến cá nhân (tổ chức) nộp thuế trung thực khi chính phủ nâng cao thuế suất để bù đắp tổn thất về thu nhập. Bên cạnh đó, với khả năng thao túng giá cả hàng hóa và tài sản, tội phạm rửa tiền có thể gây ra sự phân bổ sai các nguồn lực kinh tế, từ đó tăng nguy cơ mất ổn định tiền tệ. Đồng thời, sự lưu chuyển của các nguồn tiền phi pháp trong thế giới ngầm sẽ làm cầu tiền tăng đột biến và gia tăng sự biến động của dòng vốn quốc tế, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Qua đó, hoạt động rửa tiền sẽ cản trở chính phủ trong việc thực thi và kiểm soát có hiệu quả các chính sách kinh tế, đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, gây bất ổn kinh tế: Tội phạm rửa tiền không quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận từ đầu tư tiền “bẩn” mà chỉ muốn bảo vệ số tiền thu được. Do đó, nguồn tiền bất hợp pháp chủ yếu được đầu tư vào các tài sản nhằm mục đích che đậy thay vì đầu tư vào các lĩnh vực đem đến lợi ích kinh tế cho quốc gia. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Đồng thời, một quốc gia với uy tín tài chính bị giảm sút nghiêm trọng do hoạt động rửa tiền sẽ đánh mất các cơ hội hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, từ đó tạo rào cản cho phát triển kinh tế.

2.4.2. Tác động xã hội

Dưới góc nhìn xã hội, rửa tiền cho phép tội phạm buôn bán ma túy, buôn lậu và tội phạm khác thực hiện các hoạt động bất hợp pháp diễn ra dễ dàng hơn. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho chính phủ trong quá trình triển khai các biện pháp quản lý trật tự xã hội mà còn gia tăng đáng kể các chi phí xã hội nhằm bù đắp cho những hậu quả nghiêm trọng của rửa tiền, bao gồm: chi phí do chính phủ phân bổ để tăng cường thực thi pháp luật chống tội phạm liên quan, chi phí điều trị (chăm sóc sức khỏe) cho người nghiện ma túy...

Như vậy, với bản chất tinh vi và phức tạp, hoạt động rửa tiền cần được phòng, chống một cách hiệu quả, không chỉ thông qua các tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác quốc tế mà tại mỗi quốc gia còn cần phải xây dựng cơ sở pháp lý nghiêm minh về rửa tiền. Điều này sẽ được đề cập chi tiết qua thực trạng phòng, chống rửa tiền dưới đây.

3. KINH NGHIỆM PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

3.1. Mỹ

Mỹ được xem là quốc gia tiên phong trong công cuộc phòng, chống rửa tiền trên toàn thế giới. Với mục đích bảo vệ hệ thống tài chính khỏi sự lạm dụng của tội phạm rửa tiền, năm 1970 Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) được ra đời và trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất. BSA yêu cầu các ngân hàng: (1) báo cáo các giao dịch tiền mặt trên $10.000 bằng cách sử dụng Báo cáo giao dịch tiền tệ; (2) xác định đúng người thực hiện giao dịch; và (3) duy trì dấu vết giấy tờ bằng cách lưu giữ hồ sơ thích hợp về các giao dịch tài chính. Sau đạo luật BSA, Mỹ tiếp tục ban hành các đạo luật khác nhằm hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền như: Đạo luật kiểm soát rửa tiền (1986); Luật Chống lạm dụng ma túy (1988) mở rộng định nghĩa về tổ chức tài chính để bao gồm các doanh nghiệp như đại lý ô tô hay công ty bất động sản, yêu cầu họ nộp báo cáo và xác minh danh tính của người mua các công cụ tiền tệ trên 3.000 USD; Đạo luật chiến lược chống rửa tiền và tội phạm tài chính (1998) thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Khu vực Tội phạm Tài chính Liên quan và Rửa tiền Cường độ Cao (HIFCA); Đạo luật PATRIOT (2001) nhằm tăng hình phạt dân sự và hình sự đối với tội rửa tiền. Với nỗ lực phòng chống rửa tiền cấp quốc tế, năm 1989, Mỹ cùng các nước nhóm G7 đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force) với nhiệm vụ ban hành các luật phòng, chống rửa tiền cho các nước thành viên; năm 1997, Mỹ với 12 quốc gia khác đã đồng sáng lập Nhóm châu Á/Thái Bình Dương (Asia/Pacific Group on Money Laundering - APG) với vai trò quan trọng nhất là đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

3.2. Anh

Ở Anh, các quy định về rửa tiền được thống nhất trong Đạo luật Thu nhập do phạm tội mà có năm 2002 (Proceeds of Crime Act 2022 - POCA 2002). Theo POCA 2002, một người phạm tội rửa tiền nếu: (1) che giấu, chuyển đổi hoặc chuyển nhượng tài sản phạm tội, hoặc chuyển tài sản phạm tội khỏi Anh và xứ Wales, hoặc khỏi Scotland hoặc Bắc Ireland; hoặc (2) tham gia hoặc có liên quan đến một thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua lại, lưu giữ, sử dụng hoặc kiểm soát tài sản phạm tội; hoặc (3) sử dụng hoặc sở hữu tài sản phạm tội. Năm 2005, POCA 2002 được sửa đổi và bổ sung bởi Đạo luật cảnh sát và tội phạm nghiêm trọng có tổ chức (the Serious Organised Crime and Police Act - SOCPA 2005) bổ sung cơ chế phạm tội hai lần xuất phát từ hiện tượng một hành vi hợp pháp ở nước khác nhưng được cho là phạm pháp ở Anh. Năm 2017, Luật về tội phạm tài chính được ban hành, Chính phủ Anh đã thành lập Văn phòng giám sát chống rửa tiền (The Office for Professional Body AML Supervision Regulations - OPBAS) có trách nhiệm đảm bảo các giám sát viên phòng chống rửa tiền thực hiện đúng các nghĩa vụ của họ theo quy định chống rửa tiền. Năm 2019, Chính phủ mở rộng thêm một số lĩnh vực tiêu biểu cần được quản lý trong Quy định rửa tiền như: (1) Những người tham gia thị trường nghệ thuật - người mua, bán hoặc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật có giá trị giao dịch từ €10.000 trở lên; (2) Nhà cung cấp trao đổi tiền điện tử – bao gồm những người kinh doanh, trao đổi hoặc sắp xếp để trao đổi, tiền điện tử lấy tiền, tiền lấy tiền điện tử và những người vận hành máy sử dụng các quy trình tự động để trao đổi tiền điện tử lấy tiền (hoặc ngược lại). Ngoài ra, Anh còn tham gia sáng lập tổ chức FATF để xây dựng và hoàn thiện hơn hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền trên phương diện quốc tế.

3.3. Úc

Quy định phòng chống rửa tiền ở Úc được dựa trên: Đạo luật báo cáo giao dịch tài chính năm 1988 (Đạo luật FTR) và Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2006 (AML/CTF). Đạo luật báo cáo giao dịch tài chính năm 1988 (Đạo luật FTR) quy định về quy trình quản lý, giám sát dòng tiền trong lưu thông, dòng tiền vào và ra khỏi nước Úc. Các giao dịch tiền mặt quan trọng từ 10.000 AUD trở lên và các giao dịch được cho là đáng ngờ phải được xác minh danh tính của chủ tài khoản thực hiện và báo cáo cho AUSTRAC. Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2006 (AML/CTF) áp dụng cho các dịch vụ liên quan đến giao dịch vàng thỏi, cờ bạc và các giao dịch được quy định trong đạo luật. Họ bắt buộc phải nhận dạng, xác minh khách hàng; tiến hành thẩm định, theo dõi liên tục; minh bạch thông tin và bản chất kinh doanh của khách hàng; lưu trữ hồ sơ giao dịch và báo cáo những vụ giao dịch đáng nghi ngờ. Để nâng cao hiểu biết về các mối đe dọa do rửa tiền gây ra, năm 2011 chính phủ Úc lần đầu tiên công bố “Đánh giá mối đe dọa quốc gia về rửa tiền” (The classified National threat assessment on money laundering - NTA). Úc đã gia nhập FATF vào năm 1990 và cũng được xem như là một trong các nước sáng lập nên tổ chức này. Năm 1989, Chính phủ Úc thành lập Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Úc - AUSTRAC là cơ quan quản lý và Đơn vị tình báo tài chính (FIU) của Úc. AUSTRAC chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn tội phạm lạm dụng hệ thống tài chính đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Đối mặt với tình hình tội phạm rửa tiền thông qua tiền điện tử trong những năm gần đây, Đơn vị cảnh sát tiền điện tử đã được thành lập bởi Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) vào tháng 9/2022.

3.4. Nhật Bản

Vào năm 1992, Nhật Bản ban hành Đạo luật quy định đặc biệt về chống ma túy (the Anti-Drug Special Provisions Act) nhằm hình sự hóa các hoạt động rửa tiền và tịch thu các khoản tiền có được từ mua bán ma túy. Đạo luật trừng phạt tội phạm có tổ chức và kiểm soát tiền thu được (the Act on Punishment of Organised Crimes and Control of Proceeds - APOC) được ban hành vào năm 1999 đã mở rộng phạm vi rửa tiền từ tội phạm ma túy sang các tội phạm nghiêm trọng khác; bổ sung thêm các tội phạm áp dụng chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ. Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Đạo luật phòng chống chuyển tiền từ hành vi phạm tội (the Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds - APTCP) hình sự hóa việc cung cấp thông tin sai lệch tại thời điểm giao dịch; nhận, giao và cung cấp sổ tiết kiệm và tiền gửi, thẻ ATM và thẻ giao dịch hối đoái để ngăn chặn việc lạm dụng các sổ tiết kiệm và thẻ này trong các tội rửa tiền. Ngoài ra, để đề phòng hành vi rửa tiền từ nước ngoài, Đạo luật ngoại hối và ngoại thương (The Foreign Exchange and Foreign Trade Act - FEFTA) được ban hành năm 1949, yêu cầu đóng băng tài sản đối với các giao dịch nước ngoài. Năm 2022 vừa qua, Chính phủ Nhật đã thông qua đề xuất sửa đổi 6 luật trong đạo luật ngoại hối để ngăn chặn rửa tiền điện tử. Nhật Bản gia nhập FATF vào năm 1990 nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển hệ thống phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các mối đe dọa liên quan khác đến hệ thống tài chính. Ngày 1/4/2007, Trung tâm Tình báo Tài chính Nhật Bản (Japan Financial Intelligence Center - JAFIC) được thành lập với cương vị là Đơn vị tình báo tài chính (FIU) của Nhật Bản. Năm 2000, Cơ quan giám sát AML/CFT của tất cả các ngân hàng và một số tổ chức tài chính phi ngân hàng được ra đời với tên gọi là Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (The Japanese Financial Services Agency - JFSA).

4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA CHO VIỆT NAM

Một là, xây dựng một cơ quan giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động phòng chống rửa tiền. Việc xây dựng hệ thống PCRT của các quốc gia trên thế giới nhằm mục đích tuân thủ các Hiệp ước quốc tế, khẳng định vai trò trong công cuộc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, đối với một quốc gia, PCRT là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến phòng, chống tham nhũng, hướng đến xây dựng nền kinh tế minh bạch, tăng uy tín của quốc gia trên thương trường quốc tế. Hệ thống pháp lý với các đạo luật riêng biệt dành cho việc ngăn chặn, PCRT đang cho thấy được hiệu quả tương đối trong việc giữ gìn an ninh, trật tự nền kinh tế của các quốc gia.

Hai là, tăng cường sự phối hợp trong công tác PCRT giữa các cơ quan luật pháp. Thông qua thực trạng của các nước trên thế giới, có thể thấy hệ thống PCRT không gói gọn trong các đạo luật dành riêng cho vấn đề này. Đây là một hệ thống có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác ví dụ như ngân hàng, các định chế tài chính, công ty bất động sản,...

Ba là, đổi mới các qui định luật pháp trong phòng, chống rửa tiền để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế. Việc ban hành Đạo luật Bảo mật ngân hàng - BSA (Mỹ), Luật về tội phạm tài chính năm 2017 (Mỹ), Đạo luật báo cáo giao dịch tài chính năm 1988 - FTR (Úc) đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác PCRT của các quốc gia. Khoa học công nghệ phát triển tạo điều kiện cho kinh tế, văn hoá, xã hội trên thế giới bước sang kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với các quốc gia khi phạm vi hoạt động của tội phạm rửa tiền được mở rộng, cụ thể là lĩnh vực tiền điện tử. Chính phủ Anh đã có biện pháp đối phó với vấn đề này thông qua Quy định rửa tiền năm 2019.

Bốn là, khai thác triệt để dữ liệu từ giám sát ngân hàng với các giao dịch đáng ngờ. Tội phạm rửa tiền không chỉ thông qua thị trường tài chính mà còn ẩn nấp đằng sau các vụ buôn bán ma tuý và các hình thức phạm tội nghiêm trọng khác. Luật Chống lạm dụng ma túy năm 1988 (Mỹ), Đạo luật Thu nhập do phạm tội mà có năm 2002 (Anh), Đạo luật quy định đặc biệt về chống ma túy (Nhật Bản), Đạo luật phòng chống chuyển tiền từ hành vi phạm tội (Nhật Bản) đã ra đời để ngăn chặn hành vi rửa tiền từ hành vi phạm tội nêu trên. Đặc biệt, Chính phủ Anh cho rằng lĩnh vực nghệ thuật cũng là một “miền đất hứa” dành cho tội phạm rửa tiền. Quy định rửa tiền năm 2019 của Anh đã đưa những người tham gia thị trường nghệ thuật vào phạm vi quản lý của các ban ngành có liên quan. Hành vi rửa tiền xuyên quốc gia cũng không thể bị loại trừ. Đạo luật ngoại hối và ngoại thương - FEFTA (Nhật Bản) ra đời nhằm đề phòng tội phạm rửa tiền từ nước ngoài.

Năm là, tham gia và hợp tác với các tổ chức phòng, chống rửa tiền quốc tế. Bên cạnh hành lang pháp lý chặt chẽ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị với nhiệm vụ trọng tâm là phát hiện, ngăn chặn tội phạm; đảm bảo việc tuân thủ các đạo luật đã được thành lập để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT ở các quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập, để nhận được sự hỗ trợ từ các nước phát triển, việc tham gia các tổ chức quốc tế chuyên về PCRT là cần thiết. Ngoài ra, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc PCRT của các quốc gia thành viên sẽ được nâng cao.

KẾT LUẬN

Có thể thấy, mỗi quốc gia nêu trên đều không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về PCRT. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm PCRT từ các quốc gia đến từ các châu lục khác nhau, có nền kinh tế khác nhau (Mỹ, Anh, Úc và Nhật Bản) có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: (1) Xây dựng một cơ quan giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động PCRT; (2) Tăng cường sự phối hợp trong công tác PCRT giữa các cơ quan luật pháp; (3) Đổi mới các qui định luật pháp trong PCRT để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế; (4) Khai thác triệt để dữ liệu từ giám sát ngân hàng với các giao dịch đáng ngờ; (5) Tham gia và hợp tác với các tổ chức PCRT quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Overview. (n.d.). United Nations : Office on Drugs and Crime. https://www.unodc.org/unodc/en...

- Anti-Money Laundering/Combating the Financing of Terrorism (AML/CFT) - Topics. (2011, December 14). https://www.imf.org/external/n...

- Trung ương. (2022, November 15). https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-...

- History of Anti-Money Laundering Laws | FinCEN.gov. (n.d.). https://www.fincen.gov/history...

- UK law and guidance. (n.d.). https://www.ifa.org.uk/technic...

- Money Laundering Regulations 2019. (n.d.-c). https://www.ifa.org.uk/technic...

- Money laundering in Australia 2011 | AUSTRAC. (n.d.). https://www.austrac.gov.au/bus...

- De Kretser, A. (2022, September 4). Australian Federal Police forms cryptocurrency unit to hit criminals. Australian Financial Review. https://www.afr.com/companies/...

- Anti-Money Laundering Measures | National Police Agency. (n.d.). https://www.npa.go.jp/sosikiha...

- Special, E. S. (2022, October 17). Japan updates six laws to fight money laundering through cryptocurrencies. Details here. The Economic Times. https://economictimes.indiatim...

- About JAFIC | National Police Agency. (n.d.). https://www.npa.go.jp/sosikiha...

- VietNamNet News. (n.d.). Những vụ án rửa tiền khủng. https://vietnamnet.vn/nhung-vu...

- Million Makers. (2021, August 10). Danh sách các quốc gia bị trừng phạt của FATF | Các quốc gia bị FATF trừng phạt, các quốc gia có rủi ro cao FATF, danh sách các quốc gia FATF. https://vi.millionmakers.com/f...

- B. (2021, June 26). FATF không còn giám sát Việt Nam về chống rửa tiền. baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/fatf-kh...

- Anh V. (2019, October 3). Báo cáo Việt Nam rửa tiền hàng đầu thế giới: Bộ Ngoại giao bác bỏ. vnexpress.net. https://vnexpress.net/viet-nam...

- Hà H. (2022, August 8). Dự luật phòng chống rửa tiền: Tiền ảo không hợp pháp ở Việt Nam. vovgiaothong.vn. https://vovgiaothong.vn/newsau...

- Lo rửa tiền qua tiền ảo, Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện quy định. (n.d.). TraderViet | Cộng Đồng Trader Việt Nam. https://traderviet.com/t/lo-ru...

- P. (2016, October 18). Khung pháp luật về phòng, chống rửa tiền và những vấn đề đặt ra. Tạp Chí Tài Chính. https://tapchitaichinh.vn/khung-phap-luat-ve-phong-chong-rua-tien-va-nhung-van-de-dat-ra.html#:~:text=C%C3%B3%20th%E1%BB%83%20n%C3%B3i%2C%20trong%2010%20n%C4%83m%20qua%20k%E1%BB%83,ph%C3%A1p%20lu%E1%BA%ADt%20li%C3%AAn%20quan%20%C4%91%E1%BA%BFn%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20n%C3%A0y.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ số 15 năm 2023

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm về thực hành phòng chống rửa tiền tại một số quốc gia - bài học cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO