Áp lực giá giảm xuống 5,3% trong tháng 7 song lạm phát lõi vẫn không đổi.
Khu vực đồng Euro đã tăng trưởng trở lại trong quý II và lạm phát giảm trong tháng 7, song hy vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất đã bị giảm bớt do áp lực giá dai dẳng đối với các dịch vụ.
Eurostat, cơ quan thống kê của EU, cho biết lạm phát đã giảm xuống 5,3% trong tháng 7, trong khi lạm phát lõi, sau khi loại trừ giá năng lượng và lương thực nhằm cho thấy dấu hiệu rõ ràng hơn về áp lực giá cơ bản, vẫn không đổi ở mức 5,5%.
Hy vọng về một cú hạ cánh mềm đối với nền kinh tế khu vực đồng Euro đã được củng cố bởi các số liệu riêng từ Eurostat cho thấy khu vực này đã phục hồi với mức tăng trưởng 0,3% trong quý II so với quý trước, bất chấp việc ECB tăng chi phí vay chưa từng có trong năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh tin tốt đó là số liệu về lạm phát dịch vụ đã tăng lên mức cao kỷ lục 5,6% trong khối tiền tệ chung này, trong khi các nhà kinh tế cho biết sản lượng tăng chủ yếu là do các yếu tố xảy ra một lần và khó có thể kéo dài.
Các số liệu này là một trở ngại đối với ECB, vốn đã tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp vào tuần trước. ECB cho biết sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay cho đến khi áp lực giá cơ bản rõ ràng giảm xuống mục tiêu 2%.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Dữ liệu lạm phát của tháng 7 sẽ gây thất vọng cho các nhà hoạch định chính sách, dự đoán giá dịch vụ sẽ chỉ giảm chậm từ mức cao kỷ lục trong tháng 7 và khiến ECB không thể xoay trục để cắt giảm lãi suất cho đến năm sau".
Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã trì trệ trong quý trước và suy giảm trong quý cuối cùng của năm ngoái, song gần đây đã có những dấu hiệu hồi phục, tuy yếu hơn so với Mỹ, số liệu tuần trước cho thấy mức tăng trưởng trong giai đoạn này tính theo năm là 2,4%.
Tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu có độ lệch do tổng sản phẩm quốc nội của Ireland tăng 3,3% trong giai đoạn này, vốn không ổn định do sự thay đổi tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm và công nghệ lớn của Mỹ có trụ sở châu Âu đặt tại quốc gia này. Theo nhà kinh tế Bert Colijn của ING, nếu loại trừ Ireland, tăng trưởng của khu vực đồng Euro sẽ giảm một nửa.
Chỉ ra các cuộc khảo sát cho thấy sự suy giảm mới trong hoạt động và tín dụng ngân hàng, nhà kinh tế này dự đoán “hoạt động kinh tế tiếp tục đình trệ trên diện rộng vẫn là kết quả rất có thể xảy ra trong các quý tới”.
Tăng trưởng GDP của Pháp đã tăng tốc lên 0,5% trong quý II, nhưng chủ yếu là nhờ việc xuất khẩu tàu du lịch. Italia trở thành nền quốc gia có mức tăng trưởng yếu nhất trong số các kinh tế lớn nhất của khu vực đồng Euro trong quý II sau khi sản lượng giảm 0,3% so với quý trước do sản lượng nông nghiệp và công nghiệp của sụt giảm, lấn át sự tăng trưởng nhẹ của ngành dịch vụ.
Sự thu hẹp của nền kinh tế Italia đánh dấu sự suy giảm từ mức tăng trưởng 0,6% trong quý đầu tiên. Cơ quan thống kê của Italia cho biết nhu cầu trong nước có đóng góp tiêu cực trong khi ngoại thương, bao gồm cả du lịch, ở mức trung lập.
Các nhà kinh tế cho biết sự suy thoái của Italia có thể là bởi sự kết thúc gần đây của chương trình “Superbonus”, vốn đã gây ra sự bùng nổ trong việc cải tạo nhà cửa sau khi chương trình tạo điều kiện cho người Italia được miễn thuế trị giá 110% cho bất kỳ công trình năng lượng hiệu quả nào trong nhà của họ. “Chúng tôi tin rằng lực cản lớn nhất sẽ đến từ hoạt động đầu tư, vốn có khả năng giảm mạnh sau khi tăng trong 11 quý liên tiếp do việc giảm thuế theo chương trình Superbonus kết thúc, các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt hơn và lãi suất tiếp tục tăng,” Melanie Debono, chuyên gia kinh tế tại nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Pantheon nói.
Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói với tờ Le Figaro của Pháp rằng số liệu GDP của Pháp, Đức và Tây Ban Nha là “rất đáng khích lệ” và ủng hộ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro là 0,9% trong năm nay, điều mà nhiều nhà kinh tế coi là quá lạc quan.
Một số chính trị gia, đặc biệt là ở Italia, đã chỉ trích ECB tăng lãi suất quá cao và cảnh báo rằng điều đó có nguy cơ kéo châu Âu vào suy thoái. Nhưng bà Lagarde nhấn mạnh quyết tâm “kiên định” và “luôn hướng tới mục tiêu giảm lạm phát”.
Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm chậm hơn so với ở Mỹ, ở mức 3% trong tháng 6, nhưng nhanh hơn ở Anh, ở mức 7,9% vào tháng trước. Giá năng lượng ở khu vực này tính đến tháng 7 đã giảm 6,1%, giảm hơn một chút so với tháng 6. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá cũng giảm xuống 10,8% và giá các mặt hàng công nghiệp xuống 5%.
(Nguồn: FT)