(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong lịch sử nước ta có nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Y tế nước ta đã có nhiều thành tựu trong cuộc chiến phòng chống lại các dịch bệnh.
Sự nguy hiểm của các dịch bệnh
Dịch bệnh được ghi nhận trong lịch sử phong kiến Việt Nam rất sơ lược. Trong Đại Việt sử ký toàn thư (2879 TCN đến năm 1675) chỉ đề cập 9 lần xảy ra dịch bệnh, lần đầu thấy chép vào năm 1100 (Lý Nhân Tông, năm Canh Thìn).
Dưới thời nhà Nguyễn, nhiều lần dịch bệnh xuất hiện và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ riêng trong Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận).
Đặc biệt là vào năm Minh Mạng năm thứ nhất (1820), theo báo cáo của Bộ Hộ: “bệnh dịch phát ra từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành, tổng cộng số người chết là 206.835 người”. Dân số cả nước lúc này khoảng 7 triệu. Trận dịch này các nguồn tư liệu đều không ghi chép rõ là bệnh gì nhưng qua việc nhà vua cho xuất kho bạch đậu khấu cấp phát để trừ dịch thì có thể đoán đây là bệnh dịch tả. Nguyên nhân của trận đại dịch được cho là xuất phát từ phương Tây, có lẽ thông qua các thuyền buôn của Tây dương vào buôn bán tại các cảng ở Nam Kỳ đã mang mầm bệnh du nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 21/3/1960. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Tiếp đó là vào năm Tự Đức năm thứ 2 (1849), đại dịch tả và sốt rét xuất hiện trở lại với những báo cáo đầu tiên của các tỉnh thuộc khu vực của Bắc Kỳ, sau đó rất nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh thành, liên tiếp các Tấu trình gửi về triều đình báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên dịch thực sự bùng phát mạnh bắt đầu từ tháng 12 tại các tỉnh Bình Định, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tĩnh, Sơn Tây, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Yên. Tổng kết của Bộ Hộ vào đầu năm sau 1850, trận đại dịch này “các hạt Nam, Bắc tổng số người chết là 589.460 người”.
Dưới chế độ thực dân Pháp, nhân dân ta thiếu sự chăm sóc về y tế nên số người chết khi dịch bệnh xảy ra là rất lớn. Năm 1902-1903, Hà Nội bị dịch hạch. Trận dịch làm nhiều người chết, trong đó có rất nhiều xác vô thừa nhận, không ai chôn cất. Tiếp đó, tại Bắc Kỳ vào năm 1937, bệnh dịch tả đã giết 75.000 người.
Khủng khiếp nhất trong lịch sử dịch bệnh Việt Nam là năm 1945. Trong công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto (người Nhật) thì dân chúng miền Bắc không chỉ chết vì đói mà còn rất nhiều người chết do dịch bệnh. Trong số liệu của Tòa Khâm sứ Hà Nội, tháng 5/1945 có tới 400.000 người chết vì dịch bệnh trong tổng số 2 triệu người chết đói.
Thành tựu của ngành Y tế nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra đời. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Y tế nước ta đã có nhiều thành tựu. Đúng như báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (tháng 9/1960) khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành Y tế và Thể dục thể thao dưới chế độ ta”[1].
Hiện nay, ngành y tế Việt Nam đã có những thành tựu to lớn trong việc phòng chống dịch bệnh. Nguyên nhân là do Việt Nam là một trong các quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trạm xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội) vào ngày 21/3/1960. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Năm 2020, nước ta có 9 bác sĩ và 28 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc ước là 92,3%. Nước ta có khoảng 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và hơn 11.100 trạm y tế ở phường, xã, thị trấn. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế ước 90%. Đến hết 2021, cả nước có hơn 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Bên cạnh đó, nước ta đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh. Nước ta đã sản xuất thành công kháng sinh Pénicilline (1950), vaccine phòng bệnh đậu mùa (1961), vaccine Sabin phòng bại liệt (1961), vaccine phòng cúm mùa 4 type (2021)... Vaccine tả uống của Việt Nam phát triển từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao và Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được vaccine này từ sớm. Năm 2000-2001,Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện Vaccine Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vaccine tả uống xuất khẩu khắp thế giới.
Trong 37 năm (từ năm 1985) thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 vaccine tham gia chương trình. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vaccine cung cấp cho tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2000 đến nay luôn được duy trì ở mức trên 90% trên quy mô toàn quốc. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt cao trên 95% trên toàn quốc. Hằng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện trung bình khoảng 27 triệu mũi tiêm bao gồm cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.
Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm. Nước ta đã thanh toán thành công các dịch bệnh nguy hiểm: Đậu mùa (1978), bại liệt (2000), dịch hạch (2002), uốn ván sơ sinh (2005). Nước ta là một trong những nước khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Nước ta cũng ngăn chặn thành công những bệnh truyền nhiễm mới nổi: Cúm A/H7N9 (Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người), Ebola (Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra), MERS-CoV (Hội chứng hô hấp Trung Đông - một bệnh hô hấp cấp tính nặng do coronavirus MERS gây ra). Dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam cũng tiếp tục được kiểm soát. Năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ là bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Để phòng chống dịch COVID-19, từ rất sớm, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra thông điệp “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus gây dịch Covid-19 và là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để có nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 từ các nước trên thế giới. Đảng và Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước khẩn trương nghiên cứu phát triển vaccine “made in Việt Nam” và tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng có vaccine phòng chống dịch bệnh chủ động cho nhân dân. Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến ngày 22/2/2022 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng trên 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Việt Nam đã vượt lên là một trong nhóm các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công”.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng, tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 77