(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau một thời gian dài giảm lãi suất, từ đầu tháng 3/2021, lãi suất huy động tại một số ngân hàng bắt đầu nhích lên. Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng được lý giải có thể là do tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ.

Diễn biến thị trường tiền tệ thời gian qua cho thấy, từ đầu tháng 3/2021, lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

 

Có thể kể đến như: Agribank tăng 0,3% đối với kỳ hạn 6 tháng và tăng lần lượt 0,7% và 0,9% đối với kỳ hạn 12 tháng; Techcombank, VPBank, Sacombank… cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, ví như: Techcombank điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm từ 0,4 – 0,7%; hay Sacombank cũng đều chỉnh tăng ở các kỳ hạn thêm từ 0,1 – 0,2%...

Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên trong thời gian qua là do áp lực lạm phát sẽ tăng.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lãi suất huy động tăng lên có thể là do chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn.

“Theo chúng tôi, tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên”, các chuyên gia phân tích của VDSC nhận định trong báo cáo chiến lược thị trường vừa công bố.

Để minh chứng cho nhận định này, các chuyên gia phân tích của VDSC dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,49% và tăng trưởng huy động vốn đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong quý I/2021 với mức tăng 1,5% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,7% trong cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 2,3% cùng kỳ trong giai đoạn 2017- 2019.

Như vậy, sự chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn được xem là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên trong thời gian qua.

 

Bên cạnh đó, với các đợt tăng lãi suất huy động gần đây, các chuyên gia của VDSC cũng đưa ra nhận định: “Lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy”.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của VDSC cũng kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ.

Số liệu thống kê cho thấy, lạm phát toàn phần tăng trong tháng 3/2021 nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua.

 

“Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay dựa trên dự báo của chúng tôi (3,5%). Ngoài ra, do những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt liên quan đến rủi ro đến từ COVID-19 và tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến trong quý I/2021, NHNN có khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021”, các chuyên gia của VDSC dự báo.

Với nhận định, hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo: “Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30 – 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động tăng do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO