Lãi suất tiết kiệm tháng 1/2022: Tăng nhẹ từ đầu năm

Ngô Hải - Bảo Đăng| 05/01/2022 16:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng trên thị trường trong những ngày đầu tiên của năm 2022 cho thấy mức tăng nhẹ ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, với mức tăng từ 0,2 – 0,45%/năm so với đầu tháng 12/2021.

Khảo sát nhanh được Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ thực hiện tại một số ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, SCB, VPBank, Sacombank, MB, VIB, SHB, SeABank, NCB… trong những ngày đầu tiên của năm 2022, cho thấy, lãi suất huy động tại một số ngân hàng biến động theo chiều hướng tăng so với cùng kỳ tháng 12/2021 ở một số kỳ hạn chủ chốt.

Trong số các ngân hàng được khảo sát, lãi suất tăng ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, còn nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước lãi suất vẫn duy trì ổn định

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần được khảo sát, Sacombank, VPBank, SeABank có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong đó:

VPBank điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng thêm 0,2%/năm, lần lượt neo lãi suất tại 5,0%/năm và 5,1%/năm.

SeABank điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,05% - 0,45% ở các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng. Theo đó, lãi suất 6 tháng ở mức 5,85%/năm (tăng 0,45%), 12 tháng ở mức 6,15%/năm (tăng 0,05%) và 24 tháng là 6,35%/năm (tăng 0,15%).

Trong khi đó, Sacombank điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,2 – 0,3% ở cả 4 kỳ hạn: 3, 6, 12, 24 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,6%/năm (tăng 0,3%), kỳ hạn 6 tháng là 4,6%/năm (tăng 0,3%), 12 tháng là 5,8%/năm (tăng 0,3%) và 24 tháng là 6,2%/năm (tăng 0,2%).

Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên so với cùng kỳ tháng 12/2021. Ví như tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng; 6 tháng; 12 tháng; 24 tháng vẫn duy trì lần lượt là 3,3%/năm; 4,0%/năm, 5,5%/năm; 5,3%/năm.

Qua khảo sát, dù không có sự điều chỉnh nhưng SCB vẫn là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trong số các ngân hàng được khảo sát, cụ thể: SCB tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động 6,8%/năm cho cả kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng.

Nhìn lại mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2021, trong báo cáo vĩ mô và thị trường năm 2022 vừa công bố, các chuyên gia thuộc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành như 3 lần trong năm 2020 nhưng sử dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường ở trạng thái dồi dào, gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở, mua ngoại hối và bơm VND ra thị trường...

Theo đó, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục giảm xuống múc thấp nhất lịch sử, trung bình năm 2021 giảm 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của năm 2020.

Đối với năm 2022, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế, BVSC nhận định những yếu tố này có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất huy động.

“Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch COVID-19”, BVSC nhận định và đưa ra dự báo: “mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022”.

Thống kê lãi suất tiết kiệm tháng 1/2022 một số ngân hàng
(Đơn vị tính: %/năm)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất tiết kiệm tháng 1/2022: Tăng nhẹ từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO