Lạm phát cả năm dự báo sẽ được kiểm soát dưới 4%

Thanh Hải| 31/10/2022 10:09
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước, bình quân 10 tháng CPI mới tăng 2,89%, giới chuyên môn dự báo, lạm phát cả năm sẽ được kiểm soát dưới 4%.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việc CPI tháng 10 tăng nhẹ, theo Tổng cục Thống kê chủ yếu là do giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Trong nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35%, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,64% so với tháng trước.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, do sinh viên bắt đầu đi học nên nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34%, do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng cao.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%, do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.

Còn Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,06%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 0,46%.

Có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm, trong đó: nhóm giao thông giảm tới 2,17%, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 3/10, 11/10; 21/10/2022 và còn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giảm trong tháng 9/2022. Số liệu thống kê cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 27 kỳ điều hành giá. Trong đó, xăng có 14 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ ổn định; giá dầu diezen 0,05S có 16 lần tăng, 11 lần giảm; giá dầu hỏa có 15 lần tăng, 11 lần giảm, 01 lần giữ ổn định; giá dầu mazut có 10 lần tăng, 11 lần giảm và 06 lần giữ ổn định.

Sự tăng - giảm của giá xăng dầu kể từ đầu năm tới nay đã tác động khá lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Hiện tại, giá xăng đã giảm khá nhiều so với thời điểm đỉnh. Nhờ vậy, đà tăng chỉ số giá tiêu dùng đã được kiểm soát.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Với diễn biến hiện nay, trong bản tin tài chính – kinh tế tuần từ ngà 24 – 28/10 vừa công bố, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research), nhận định: “lạm phát đang được kiểm soát tốt và với đà này, cả năm, sẽ ở mức dưới 4%”.

Cũng theo MSB Research, số liệu thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Các cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia đều nhận định rằng, CPI cả năm 2022 có thể đạt dưới mức mục tiêu 4%, tuy nhiên, còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vào cuối năm.

Các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá dịch vụ khám - chữa bệnh theo yêu cầu, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc cũng thường tăng vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm, đặc biệt năm 2023 Tết Nguyên đán sẽ đến sớm vào tháng 1/2023.

Theo Bộ Tài chính, giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tiếp tục hồi phục khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng; đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.

Ngoài ra, việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu, nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn sẽ có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo Bộ Tài chính đó là các yếu tố như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; đây là mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến giữ ổn định đến hết năm 2022: giá điện bình quân, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công của Bộ Y tế; giá dịch vụ giáo dục dự kiến ổn định tại tất cả cấp học theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó các chính sách về miễn, giảm thuế, gia hạn thuế sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”, MSB Research nhận định. 

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong phiên họp cuối tuần qua, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống trong nước, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp.

“Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội”, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát cả năm dự báo sẽ được kiểm soát dưới 4%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO