Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10. Tuy nhiên, lực bán vẫn chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index giảm gần 1,8% xuống còn 2.130 điểm. Trong đó, nguyên liệu công nghiệp và kim loại dẫn dắt xu hướng suy yếu của toàn thị trường.
Giá kim loại quý giảm về mức thấp nhất trong hai tuần
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (31/10), thị trường kim loại diễn biến tương đối trái chiều. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 3,75% về 32,79 USD/ounce, mức thấp nhất hai tuần. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất của giá bạc trong ba tuần gần đây. Giá bạch kim cũng đánh mất mốc 1.000 USD/ounce sau khi giảm hơn 2%, chốt phiên tại mức 999,6 USD/ounce, thấp nhất hai tuần.
Ngày 31/10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) tháng 9 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này thấp hơn so với mức 2,3% của tháng 8 và tiến sát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đặt ra và củng cố thêm khả năng FED sẽ hạ lãi suất trong tuần tới. Dù vậy, nếu không tính năng lượng và thực phẩm thường xuyên biến động, PCE của Mỹ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,3% tháng trước. Hiện thị trường vẫn đang kỳ vọng FED sẽ tiếp tục hạ thêm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 6-7/11 sau khi giảm 50 điểm cơ bản vào hồi tháng 9.
Bên cạnh đó, việc nỗi lo suy thoái kinh tế tại Mỹ ngày càng được xoa dịu cũng làm suy yếu vai trò trú ẩn của kim loại quý. Dữ liệu Mỹ công bố gần đây đã chỉ ra nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng ổn định, thị trường lao động vững vàng, chi tiêu người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ đều tăng. GDP quý III của Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định 2,8%.
Đối với kim loại cơ bản, giá các mặt hàng trong nhóm đều ghi nhận mức biến động khá thấp, phần lớn đều thay đổi dưới 1%. Trong đó, giá quặng sắt tăng 0,15% lên 103,89 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp.
Trong phiên hôm qua, giá quặng sắt được hưởng lợi sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tích cực, qua đó củng cố cho triển vọng tiêu thụ. Cụ thể, theo Tổng cục thống kê nước này, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng trở lại sau 5 tháng thu hẹp liên tiếp, thể hiện qua chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất đạt 50,1 điểm trong tháng 10. Con số này cao hơn một chút so với dự báo ở mức 50 điểm và tăng từ mức 49,8 điểm của tháng 9.
Giá cà phê quay đầu suy yếu
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch hôm qua, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Đối với hai mặt hàng cà phê, giá cà phê Arabica giao tháng 12 giảm 1,48% xuống 5.421 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1 giảm 1,89% xuống 4.369 USD/tấn.
Tại Việt Nam, đợt mưa từ bão Trà Mi không ảnh hưởng nhiều đến cây cà phê do vụ thu hoạch mới chỉ đạt khoảng 5% sản lượng. Các thương nhân dự báo hoạt động giao dịch sẽ sôi động hơn từ cuối tháng 11 khi nguồn cung được bổ sung.
Diễn biến giá cà phê chịu áp lực từ tỷ giá khi đồng Real Brazil suy yếu khiến tỷ giá USD/BRL duy trì ở mức cao nhất 12 tuần, dù chỉ số Dollar Index giảm 0,31%. Điều này gây lo ngại Brazil sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cà phê thời gian tới khiến cho dư cung trên thị trường.
Trên thị trường nội địa ngày 1/11, giá cà phê nhân xô vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ giảm xuống còn 107.800 - 108.200 đồng/kg. So với đầu năm, giá đã tăng hơn 40.000 đồng/kg từ mức 67.500 - 68.400 đồng/kg. Mức giá hiện tại cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ dao động quanh 60.200 - 61.000 đồng/kg.
Các chuyên gia dự báo hoạt động giao dịch cà phê sẽ sôi động hơn từ cuối tháng 11 khi nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch mới của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết tại các vùng sản xuất chính cũng như biến động tỷ giá trong thời gian tới.