Các Hiệp hội ngành, nghề

Lần đầu tiên tổ chức Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia

Thanh Thanh 08/10/2023 07:06

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) đã chủ trì tổ chức “Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I. Đây là sự khởi đầu để các bên cùng bàn thảo các ý tưởng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị…

Đại hội được tổ chức nhân Ngày Du lịch thế giới (27/9) và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về phát triển xã hội hóa du lịch và đưa du lịch trở thành một ngành công nghiệp. Đại hội thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự.

congnghiepdulich.jpg

Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới.

Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Du lịch cũng là công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Điểm lại thời gian qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế du lịch, nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh, có năm du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á, chiếm 80% lượng khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam.

Ngành Du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 60 năm ngành Du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số hạn chế, yếu kém, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; Du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; Thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường; mở rộng huy động và phát huy nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển thành ngành công nghiệp du lịch quốc gia.

Việt Nam, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, các sản phẩm du lịch đa dạng, tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái và du lịch thành phố. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các sản phẩm bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, du lịch golf…

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Hội tụ xanh" sẽ định hướng xu hướng phát triển du lịch xanh bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại Đại hội, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự VINEN nhấn mạnh, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên du lịch, giải quyết căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP hưởng ứng Nghị quyết 08-NQ/TW đến các cấp, các ngành phối hợp cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển du lịch, có chính sách hút du khách du lịch”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch danh dự VINEN cũng lưu ý, chúng ta cần tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vục du lịch và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang có dư địa và tiềm năng rất lớn. “Và do vậy, Đại hội Du lịch Quốc gia của chúng ta đặt trong chuỗi Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng…”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Đại hội Công nghiệp Du lịch tập trung chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương thông qua những báo cáo, thảo luận chuyên gia, tiếng nói quốc tế và tiếng nói doanh nhân - chiến sĩ thời bình phát triển Du lịch Quốc gia.

Thêm vào đó, các diễn đàn chuyên sâu được chia sẻ như: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp của tương lai; Marketing và mở rộng thị trường cho Du lịch trong thời đại số; Du lịch - Xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; Mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu Du lịch Quốc gia.

Ngoài ra, Đại hội còn triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; thắng cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, sông dài biển rộng, di sản và di tích; du lịch làm đẹp và chữa bệnh, du lịch nông nghiệp; khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ ngành du lịch giúp doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh, bền vững…

“Đặc biệt, Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia cũng có góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Quốc gia. Qua chương trình, nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch, chính sách của Chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề ra giải pháp hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại liên ngành”, TS.Đinh Việt Hoà, Chủ tịch VINEN, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh.

“Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi tôi đã ghé thăm. Nếu so sánh, Việt Nam không hề thua kém các nước. Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp. Có thể khẳng định, Đại hội liên ngành Công nghiệp Du lịch Quốc gia - “National Tourism Industry Summit” sẽ là dâu ấn đưa nền công nghiệp du lịch Việt Nam thêm một bước tiến mới. Tôi nghĩ những hoạt động như thế này sẽ nâng cao hình ảnh của Việt Nam, không chỉ với khách du lịch, mà còn với chính bản thân ngành du lịch Việt Nam…”

(Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên tổ chức Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO