(thitruongtaichinhtiente.vn) - TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có bài viết đánh giá về thực trạng thị trường tài chính Việt Nam năm 2022, đồng thời đưa ra các khuyến nghị giúp lành mạnh hóa thị trường. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Kinh tế thế giới và Việt Nam đã trải qua gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và đến nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021, đã và đang giảm đà phục hồi năm 2022, có nguy cơ suy thoái cục bộ trong năm 2023.
Kinh tế Việt Nam có độ trễ, đang phục hồi mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 8,02% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt, dự báo CPI bình quân cả năm 2022 ở mức 3,15% (thấp hơn mục tiêu khoảng 4%). Trong đó, thị trường tài chính tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng và điều tiết vốn cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, thị trường tài chính Việt Nam cũng có những tồn tại, rủi ro, có khả năng ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong năm 2023 và sau đó.
Bài viết này tập trung vào 3 nội dung chính: (i) tóm tắt tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023, đánh giá thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 và nhận diện một số vấn đề đặt ra cho năm 2023; (iii) Kiến nghị chính sách.
I- KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM NĂM 2022 VÀ DỰ BÁO NĂM 2023
1. Kinh thế tế giới
Trong năm 2022, kinh tế thế giới (KTTG) hồi phục tốt trong 2 tháng đầu năm khi dịch bệnh được kiểm soát và hầu hết các nước dần mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi khủng hoảng nổ ra tại Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay và dịch COVID-19 bùng phát trở lại cùng với chính sách Zero-covid tại Trung Quốc; từ đó, tác động tiêu cực đến sức cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng, giá cả hàng hóa và lạm phát, thị trường tài chính – tiền tệ, tăng rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước. Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh tại hầu hết các nước, buộc NHTW các nước liên tục tăng lãi suất nhanh và mạnh; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng nhanh; giảm mạnh sức cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng, tăng rủi ro tài chính, rủi ro nợ tại nhiều quốc gia, nguy cơ suy thoái hiện hữu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 3% năm 2022 và 2,2 - 2,7% năm 2023; nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm 2023. Theo IMF (10/2022), các nền kinh tế phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,4% và 1,1% (trong đó, tăng trưởng GDP Mỹ lần lượt là 1,6% và 1%, khu vực châu Âu là 3,1% và 0,5%; Nhật Bản là 1,7% và 1,6%...v.v.); các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 3,7% và 3,7% (trong đó, tăng trưởng GDP Trung Quốc lần lượt là 3,2% và 4,4%; Ấn Độ là 6,8% và 6,1%...v.v.). Trong khi đó, dự báo lạm phát (CPI) toàn cầu năm 2022 tăng 8,8% (tại các nước phát triển là 7,2% và tại các nước mới nổi và đang phát triển là 9,9%), trước khi giảm xuống mức 6,5% năm 2023 và khoảng 4% năm 2024.
Năm 2023, sáu rủi ro, thách thức chính mà KTTG sẽ tiếp tục phải đối mặt bao gồm: (i) dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp, khó lường; (ii) rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn hiện hữu; (iii) kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng chậm; (iv) Lạm phát còn ở mức cao, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng còn diễn ra (ít nhất là hết quý 2/2023), khiến KTTG tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái ngắn hạn ở một số quốc gia; (v) thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu bất thường ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế; và (vi) rủi ro tài chính (nợ công, nợ DN và hộ gia đình, thanh khoản thị trường tài chính...) ở mức cao khi lãi suất còn cao và tỷ giá chưa giảm nhiều.
2. Kinh tế Việt Nam
2.1. Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2022
Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã và đang gặp nhiều khó khăn, với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam đạt được 8 kết quả tích cực: (i) Dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế xã hội từ tháng 3/2022; (ii) kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp (IIP) dự báo cả năng tăng khoảng 10% so với năm trước; (iii) tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15-16%; (iv) Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó, xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380-384 tỷ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỷ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác; (v) Giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước; (vi) Thu-chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách Nhà nước (NSNN) thặng dư (một phần là do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch); (vii) Lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát; dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8-9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá (chỉ số DXY) đã tăng khoảng 12% so với đầu năm); (viii) Hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với sáu khó khăn, thách thức chính: (i) Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế; (ii) Giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm; (iii) Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023; (iv) Nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; (v) Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt; (vi) thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
2.2. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
Năm 2023, trong bối cảnh KTTG tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở); trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8-10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9-10%.
Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức.
II. THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM NĂM 2022 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA NĂM 2023
1. Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam
Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến hết tháng 9/2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng (tính bằng tổng tài sản các TCTD ngân hàng và phi ngân hàng) giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính. Vốn hóa thị trường cổ phiếu, sau thời gian điều chỉnh, đã giảm xuống 22,1% so với mức 28,5% của năm 2021; dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 12,5% và doanh thu phí bảo hiểm chiếm 0,7% quy mô hệ thống tài chính Việt Nam (Hình 2).
2. Kết quả đạt được trong năm 2022
2.1. Thị trường ngân hàng
Thứ nhất, cơ sở pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với bối cảnh phục hồi sau dịch COVID-19, tập trung vào xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống TCTD, chuyển đổi số và triển khai gói hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi 2022-2023. Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ngày 21/6/2017 chính thức được gia hạn đến 31/12/2023, là giải pháp tạm thời trước khi luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, và là giải pháp cần thiết để tiếp tục hỗ trợ việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD. Bên cạnh đó, ngày 8/6/2022, Chính phủ ban hành Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” nhấn mạnh việc tăng vốn của các NHTM, tiếp tục các giải pháp hạn chế phòng ngừa tối đa nợ xấu phát sinh, đồng thời khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD.
Về chuyển đổi số, NHNN ban hành Quyết định 1097/QĐ-NHNN ngày 28/6/2022 về kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, đưa ra nhiệm vụ và giải pháp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển, sử dụng nền tảng số, phát triển dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng…
Năm 2022 cũng là năm bắt đầu triển khai Chương trình phục hồi phát triển KT-XH 2022-2023 theo Nghị quyết 43 (2022) của Quốc Hội và Nghị quyết 11 (2022) của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất. Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn Nghị định 31/2022 ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là cơ sở pháp lý để NHTM triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô tối đa 40.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm do còn nhiều vướng mắc liên quan đến xác định đối tượng hỗ trợ, quan điểm khác nhau về khả năng phục hồi của đối tượng được hỗ trợ, và e ngại chịu thanh kiểm tra sau này.
Thứ hai, chính sách tiền tệ tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng trong xu hướng thắt chặt tiền tệ chung của thế giới. Trái ngược với giai đoạn 2020-2021 khi mà NHNN hạ lãi suất điều hành 3 đợt, mỗi đợt từ 0,5-1% nhằm giảm chi phí vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch COVID-19; sang năm 2022, trước xu hướng tăng lãi suất cơ bản của NHTW các nước (nhất là FED, ECB, Úc, Canada…), tỷ giá tăng mạnh (đồng USD tăng 12% so với đầu năm); để ổn định tỷ giá USD/VND và kiểm soát lạm phát, NHNN đã thực hiện: (i) tăng lãi suất điều hành 2 đợt vào ngày ngày 22/9 và 24/10 (tương ứng với 2 đợt tăng lãi suất 75 điểm % của FED vào ngày 21/9 và 2/11), mỗi lần khoảng 1%, đưa dải lãi suất điều hành ngang với thời điểm trước đại dịch COVID-19; (ii) bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, NHNN đã bán khoảng 21 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại hối; theo đó, dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 89 tỷ USD); (iii) điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND vào ngày 17/10 từ mức +-3% lên +-5% trong bối cảnh USD tăng giá mạnh, tỷ giá giao dịch tại các NHTM ở trạng thái kịch trần biên độ; (iv) sử dụng lại công cụ tín phiếu lần đầu sau 2 năm để chủ động hút tiền về khi cần, đảm bảo chênh lệch lãi suất dương giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, tần suất bơm/hút mạnh dần bắt đầu từ Quý 3/2022).
Thứ ba, quy mô hoạt động và năng lực tài chính của TCTD được cải thiện. Giai đoạn 2016-6 tháng năm 2022, tổng tài sản và vốn điều lệ của hệ thống các TCTD có sự tăng trưởng tốt, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2021 (CAGR) lần lượt khoảng 17% và 11% (Hình 3). Trong 6 thăng năm 2022, tăng trưởng tổng tài sản và vốn điều lệ lần lượt ở mức 7% và 5% so với đầu năm. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tổng tài sản của TCTD/GDP ở mức cao (năm 2021, Việt Nam khoảng 190% GDP, cao hơn Malaysia (153%), Philippines (71%), Indonesia (43%), Thái Lan (152%)...). Điều này cho thấy hệ thống TCTD vẫn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thứ tư, chất lượng tài sản của TCTD cơ bản ổn định, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng nhưng nợ xấu gộp giảm so với cuối năm 2021 và tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát. Theo NHNN, tỉ lệ nợ nội bảng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 1,9% (tăng từ mức 1,5% cuối năm 2021), nợ xấu gộp1 khoảng 4,99%, giảm mạnh so với mức 6,3% tại thời điểm cuối năm 2021. Đồng thời, kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD tiếp tục khả quan, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 404,1 nghìn tỷ nợ xấu theo Nghị quyết 42. Ngày 30/6/2022 cũng là thời điểm kết thúc gia hạn các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14/2021 của NHNN. Tuy vậy, đến 30/6/2022, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 178 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,6% tổng dư nợ tín dụng, cùng tỷ lệ bao nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức cao (đạt 143%, Hình 4), nên việc hết gia hạn cơ cấu khoản nợ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn của ngành ngân hàng.
Dư nợ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, lĩnh vực BĐS, BT, BOT giao thông, TPDN… được NHNN kiểm soát chặt chẽ thông qua việc quy định trọng số rủi ro cho vay ở mức cao hoặc hạn mức cho vay tại Thông tư 22/2019 và Thông tư 16/2021. Tính đến hết tháng 8/2022, dư nợ tín dụng BĐS đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, thấp hơn các nước so sánh như: Mỹ (30%), Trung Quốc (26%), Malaysia (27%), cao hơn Thái Lan (18%). Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2022, cho vay chứng khoán giảm 28,7% so với cùng kỳ; tín dụng BOT, BT giao thông giảm 1,72% so cùng kỳ…
Thứ năm, năng lực quản trị điều hành được nâng cao, tình trạng sở hữu chéo cơ bản đã được xử lý. Theo NHNN, năm 2022, tại Việt nam đã có 20 NHTM được công nhận áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016. Cuối năm 2019, NHNN đã ban hành
Thông tư số 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD. Theo đó, đối với các ngân hàng chưa áp dụng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 41/2016 sẽ được lùi thời hạn thực hiện đến trước ngày 1/1/2023 thay vì 1/1/2021. Trong số 20 NHTM được công nhận áp dụng Thông tư 41/2016 (nêu trên), đã có khá nhiều ngân hàng đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II và một số ngân hàng đã chủ động áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III.
Cùng với những giải pháp của NHNN đưa ra từ Luật các TCTD 2010 (sửa đổi năm 2017) quy định về giới hạn và đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD theo Thông tư 36/2014 năm 2014 (thay thế bằng Thông tư 22/2019 năm 2019), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Chứng khoán (2019), Nghị định 91 (2015), vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cơ bản đã được xử lý, cụ thể: (i) Đối với việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng với ngân hàng: năm 2012, hệ thống có 7 TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, thì đến cuối năm 2019, tình trạng này đã được xử lý hết; (ii) Đối với việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng với doanh nghiệp: tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn nhưng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2012, toàn hệ thống có 56 cặp sở hữu chéo thì đến năm 2022 còn 1 cặp sở hữu chéo. Tuy nhiên, vấn đề thực thi vẫn còn một số trở ngại và cần tiếp tục cải thiện.
Thứ năm, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của các NHTM tiếp tục khả quan trong năm 2022. Thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết (chiếm 70% tổng tài sản, 71% dư nợ và 68% tiền gửi khách hàng của hệ thống TCTD ngày 30/9/2022) cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm với tổng LNTT đạt 192,5 nghìn tỷ đồng, tăng 39% yoy, trong đó có 7 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng (Hình 5), một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ (Hình 6).
LNTT ngành Ngân hàng năm 2022 tăng trưởng tích cực là nhờ vào các yếu tố chính: (i) Thu từ lãi tăng nhờ tín dụng tăng trưởng nhanh trong 2 quý đầu năm; (ii) Thu nhập phi tín dụng tăng trưởng, đặc biệt là thu nhập từ bancassurance, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối…; (iii) Năng suất lao động bình quân trong các ngân hàng được cải thiện (tăng khoảng 1,5%) nhờ chuyển đổi số và tự động hóa; (iv) Giảm áp lực trích dự phòng do nhiều TCTD đã trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu lại trong năm 2021; (v) Nền so sánh (9 tháng năm 2021) ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19; (vi) Các ngân hàng đã nỗ lực tối đa hóa chi phí, trong đó tỷ lệ chi phí trên thu nhập bình quân (CIR) của 27 ngân hàng thương mại đã giảm từ 34% năm 2021 xuống 32% trong 9 tháng năm 2022… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lợi nhuận 9 tháng chưa phản ánh kết quả kinh doanh cuối cùng của năm do các TCTD thường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ vào cuối năm sau khi đánh giá đầy đủ hơn về chất lượng tín dụng.
2.2. Thị trường chứng khoán
a. Thị trường cổ phiếu
Trong năm 2022, thị trường cổ phiếu Việt Nam đang ở trong giai đoạn điều chỉnh sau khi đã trải qua một giai đoạn tăng giá kéo dài (từ khoảng giữa tháng 3/2020 đến cuối tháng 12/2021, VNIndex tăng từ 662 điểm lên 1500 điểm - tăng 2,3 lần). Sau đó, từ đầu năm đến hết ngày 1/12/2022, VNIndex cũng giảm từ mức khoảng 1.500 điểm xuống 1.036,28 điểm (-30%, cao hơn nhiều so với mức giảm của nhiều TTCK trên thế giới và trong khu vực - Hình 7). Quy mô của thị trường cổ phiếu, vì vậy, cũng đã giảm đáng kể so với cuối năm 2021, đến hết tháng 9/2022, tổng quy mô vốn hóa của 3 sàn giao dịch chỉ còn 5,9 triệu tỷ VND so với mức 7,7 triệu tỷ VND vào tháng 12/2021 (giảm 30,5%).
Ngoài sự suy giảm về quy mô, thị trường cổ phiếu cũng không còn giữ được sự sôi động như cuối năm 2021. Thanh khoản của thị trường đã sụt giảm đáng kể, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong tháng 11 chỉ còn 11,4 nghìn tỷ VND/phiên, giảm 42% so với cuối năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán đăng ký mới cũng không giữ được đà tăng trưởng bùng nổ như trong năm 2021 và quý 1/2022. Tài khoản đăng ký mới của nhà đầu tư trong nước chỉ đạt 96 nghìn trong tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm.
Tuy đang trải qua giai đoạn sóng gió, thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực trong cuối năm 2022 và năm 2023, khi tăng trưởng GDP đạt mức cao, lạm phát kiểm soát ở mức thấp so với thế giới, tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan (số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên TTCK Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ). Đợt điều chỉnh này của thị trường cũng khiến cho mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường trở về mức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn (P/E của VNIndex trong tháng 11 đã giảm xuống khoảng 10 lần – mức mà thị trường mới chỉ 2 lần chạm phải vào năm 2008 và 2012). Trên thực tế, các nhận định này đã phần nào được thể hiện qua việc tổng giao dịch của khối ngoại trên sàn giao dịch HOSE đạt hơn 64 nghìn tỷ VND, tăng 5% so với tháng 12/2021. Trong đó, quan trọng nhất là việc khối này đã mua ròng hơn gần 15 nghìn tỷ VND trong tháng 11, qua đó đã đảo chiều quy mô giao dịch ròng tính từ đầu năm thành mua ròng gần 12 nghìn tỷ VND từ mức bán ròng hơn 3,2 nghìn tỷ VND ở cuối tháng 10. Cuối cùng, một số hành vi sai phạm như thao túng thị trường bị xử lý cũng giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
b. Thị trường trái phiếu
Về hành lang pháp lý, Nghị định 65 đã được ban hành, trong đó siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 65 (2022) được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn, nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp hơn. Bên cạnh đó, trong năm 2022, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý các vi phạm liên quan đến phát hành TPDN (như trường hợp của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát), qua đó giúp lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn.
Về quy mô thị trường, theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng quy mô phát hành TPDN tăng khoảng 56%/năm giai đoạn 2018-2021, trong đó năm 2021 ước đạt 637 nghìn tỷ đồng (trong đó, phát hành trong nước là 470 nghìn tỷ đồng), tăng gần 38% so với năm 2020. Trong khi đó, tổng quy mô phát hành TPDN 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt khoảng 336 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 60%, phát hành riêng lẻ giảm 56%) (Hình 8).
Cũng trong 11 tháng đầu năm 2022, nhiều DN đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành, tổng giá trị mua lại khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau sự việc Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh. Lý do chính của việc mua lại trái phiếu trước hạn này là: (i) theo thỏa thuận mua lại, (ii) DN thay đổi kế hoạch phát hành, kế hoạch kinh doanh khi rủi ro, thách thức vĩ mô, lãi suất và tỷ giá tăng, (iii) do yêu cầu từ phía trái chủ (tâm lý đám đông e ngại rủi ro), (iv) DN tìm thấy nguồn vốn thay thế.
TPDN được phát hành qua kênh riêng lẻ chiếm đại đa số. Trong 11 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành riêng lẻ mặc dù đã giảm đáng kể (nêu trên) song vẫn chiếm đến 96% tổng giá trị phát hành. Trong đó, các đợt phát hành của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vi phạm đều là phát hành riêng lẻ, trong đó, có 1 đợt phát hành thậm chí của Công ty An Đông (Vạn Thịnh Phát năm 2019) không nêu rõ mục đích sử dụng vốn hay không có tài sản đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Cơ cấu nhà phát hành đa dạng hơn, nhưng chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng (TCTD) và DN BĐS. Riêng nhóm các doanh nghiệp BĐS huy động nhiều với tỷ trọng dao động từ 38-41% trong giai đoạn 2019-2021, nhưng đã giảm mạnh trong 11 tháng đầu năm 2022 (mới phát hành 51 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 20,4%) do những vụ việc vi phạm gần đây đã khiến nhiều DN BĐS xem xét lại kế hoạch phát hành TPDN của mình khi mà niềm tin và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến nhu cầu đầu tư TPDN bị giảm sút.
Thời hạn TPDN bình quân khoảng 4 năm, ngoại trừ một số trái phiếu của TCTD (khoảng 5-10 năm). Với sự phát triển bùng nổ của thị trường, nhất là giai đoạn 2019-2021, dự kiến khối lượng TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 là khá lớn.
Cơ cấu nhà đầu tư ngày càng đa dạng, nhưng còn thiếu bền vững. Năm 2021, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, nhiều nhất là TCTD (khoảng 30%), công ty chứng khoán (36%), còn lại là công ty bảo hiểm và nhà đầu tư khác. Từ năm 2019, sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, từ khoảng 10% toàn thị trường, tăng lên gần 13% trong năm 2020, sau đó giảm xuống 5% hiện nay do ảnh hưởng của các quy định trong Nghị định 153 và sau này là Nghị định 65 (nhưng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp có thể lên đến 30%).
c. Chứng khoán phái sinh
Thứ nhất, 11 tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất tích cực, phát huy vai trò phòng vệ rủi ro trong điều kiện thị trường cơ sở có nhiều biến động. Cụ thể, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt mức 1,12 triệu tài khoản vào cuối tháng 10/2022, tăng trưởng 53,2% so với cuối năm 2021. Khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30 trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 200 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 13% so với trung bình năm 2021. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 25/10/2022 có khối lượng giao dịch đạt 647 nghìn hợp đồng, mức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường CKPS. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của sản phẩm HĐTL VN30 cũng liên tục tăng, đạt mức 49.170 hợp đồng vào cuối tháng 10/2022, tăng 55,7% so với cuối năm 2021. Thanh khoản của sản phẩm HĐTL VN30 tăng mạnh trong những thời điểm chỉ số VN30 có sự sụt giảm lớn bởi các tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu hay các thông tin liên quan đến vấn đề TPDN, các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Một trong những nguyên nhân chính có thể là do nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi luận ngay cả khi thị trường đi xuống và cũng là để phòng ngừa rủi ro.
Thứ hai, cơ cấu nhà đầu tư đã có sự dịch chuyển tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân và tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức. Trong 9 tháng đầu năm, 72% giao dịch được thực hiện bởi NĐT cá nhân, đã giảm khá mạnh so với tỷ lệ gần 99% năm 2018 và 86% những tháng cuối năm 2019. Tỷ trọng giao dịch của các NĐT nước ngoài, mặc dù vẫn còn khiêm tốn, nhưng cũng liên tục tăng, đạt mức 2,2% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 so với tỷ trọng 0,1% năm 2017.
Thứ ba, cơ sở pháp lý, các quy định điều tiết thị trường CKPS cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Quyết định số 61/QĐ-VSD ngày 16/05/2022 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc ban hành quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch CKPS giúp giảm thiểu hiện tượng thao túng thị trường bằng cách thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng của HĐTL VN30. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 02 ngày 5/9/2022 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán. Hiện nay, dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm mục tiêu tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm của thị trường CKPS trong giai đoạn 2022-2030.
2.3. Thị trường bảo hiểm
Thứ nhất, thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2016-2022. Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2022 đạt trên 20%/năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu, tổng tài sản và đầu tư trở lại nền kinh tế đạt lần lượt là 20,2%, 22% và 23,3%/năm.
Thứ hai, thị trường bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng tốt. Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, đến hết tháng 10/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 143 nghìn tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ 2021); trong đó, doanh thu của Top 5 công ty lớn nhất thị trường là Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife, Pridential, Dai-ichi Life và AIA chiếm tỷ trọng hơn 77%, đạt gần 100 nghìn tỷ đồng (Hình 10). Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là hơn 13,6 triệu hợp đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021. Cùng với đó, doanh thu khai thác mới đạt 37 nghìn tỷ đồng tăng 6,35% so với cùng kỳ và chiếm 29,5% tỷ trọng tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ trong kỳ.
Thứ ba, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mạnh trở lại sau khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2021 (tăng trưởng 1,8%). Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, đến hết tháng 10/2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54 nghìn tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ 2021).
Trong báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của AM Best – Công ty toàn cầu chuyên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm của Mỹ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam được đánh giá là có triển vọng ổn định. AM Best dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế theo hướng phục hồi bền vững sau đại dịch.
3. Rủi ro, thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam năm 2022-2023
3.1. Sáu rủi ro, thách thức từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam (như nêu trên).
3.2. Thị trường ngân hàng Việt Nam
Thứ nhất, một số văn bản pháp lý về chuyển đổi số chậm ban hành hoặc gặp nhiều khó khăn khi triển khai như gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã gửi xin ý kiến lần 2 vào năm 2022 (lần 1 vào năm 2020) nhưng vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 của NHNN cho phép các TCTD cho vay qua phương thức điện tử cũng chưa được ban hành, hạn chế khả năng phê duyệt tín dụng online,…
Căn cứ theo Thông tư 03/2022 của NHNN hướng dẫn Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các TCTD đã thực hiện giải ngân gói hỗ trợ 2% của Chính phủ nhưng với tiến độ rất chậm. Tính đến hết tháng 10/2022, gói hỗ trợ lãi suất mới chỉ giải ngân được khoảng 23/16.035 tỉ đồng phân bổ năm 2022. Nguyên nhân xuất phát từ:
(i) Theo khảo sát của NHNN, khách hàng chưa thực sự quan tâm đến gói hỗ trợ do e ngại thanh, kiểm tra sau này, (ii) Khó xác định chính xác đối tượng hỗ trợ vì có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động đa ngành nghề hoặc chưa đăng ký kinh doanh, và (iii) Khó xác định được tiêu chí “có khả năng phục hồi” trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó lường như hiện nay.
Thứ hai, dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp. Đến hết tháng 11/2022, NHNN đã phải tăng lãi suất 2 đợt (1%/đợt) để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa mức khuyến nghị của IMF (3 tháng nhập khẩu). Cùng với đó, theo nhóm nghiên cứu, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng/giảm sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng vì các NHTM còn phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019 của NHNN và biện pháp này thường áp dụng khi nền kinh tế gặp các cú sốc lớn. Biên độ giao dịch tỷ giá trung tâm cũng đã nới lên mức 5%... Do vậy, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm % trong tháng 12/2022 và quý 1/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng còn khá lớn.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2022-2023 để kiểm soát lạm phát mục tiêu và thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường TPDN ảm đạm, giải ngân đầu tư công còn chậm, khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.
Thứ ba, hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Tính đến tháng 6/2022, xét các NH áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số an toàn vốn của của các NHTM nhà nước giảm nhẹ so với cuối năm 2021 từ mức 9% xuống 8,9% (Hình 12); ngược lại, các NHTMCP tăng từ 11,9% lên 12%, và mức an toàn vốn này tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực (Hình 13); chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel 3 hoặc một phần của Basel 3, trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel 2 (Bảng 2). Mức đệm vốn của các TCTD ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các NHTM (đặc biệt là các NHTMNN) còn gặp nhiều khó khăn (do thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm NĐT ngoại khó hơn trong bối cảnh KTTG suy thoái nhẹ, khâu phê duyệt cho phép giữ lại cổ tức Nhà nước và lựa chọn NĐT chiến lược, NĐT tài chính còn lâu…).
Thứ tư, dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Triển vọng năm 2023, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống TCTD Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực (Hình 14).
Thứ năm, khi mà sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng đã cơ bản được loại bỏ, tuuy nhiên hiện tượng cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Các TCTD luôn đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn (bao gồm hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn mua cổ phần…) tại Thông tư 22/2019 của NHNN, nhưng tình trạng công ty liên kết, có liên quan hoạt động tinh vi, có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi này nhưng những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn BĐS vừa qua đã bộc lộ tính chất liên quan này.
Thứ sáu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm qua. Sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1% vào tháng 6/2022. Đồng thời, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của TCTD tại NHNN giảm, trong 9 tháng/2022, các NHTM rút mạnh tiền gửi tại NHNN với tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 NHTM quan sát là 176 nghìn tỷ đồng, giảm 48% so với đầu năm.
Tín dụng tăng cao trong năm 2022 so với năm 2020-2021 trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế (Hình 16). Tính đến ngày 30/11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2%, cao hơn mức 11,5% cùng kỳ năm 2021. Lý do NHNN điều tiết thận trọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vì: (i) Hạn mức tăng trưởng tín dụng là giải pháp kiểm soát cung tiền, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, (ii) Lo ngại rủi ro thanh khoản hệ thống, ảnh hưởng mục tiêu ổn định lãi suất và an toàn hệ thống. Tuy nhiên, NHNN cũng đang có kế hoạch, look trình bỏ đi công cụ hạn mức này ở thời điểm phù hợp; chúng tôi cho rằng nên là 1-2 năm tới.
Trong khi đó, huy động vốn năm 2022 của TCTD tăng chậm lại so với năm 2020- 2021, do dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và trang trải chi phí đầu vào tăng (Hình 16). Theo TCTK, tính đến hết tháng 11/2022, huy động vốn của các TCTD ước tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6%); theo đó, M2 chỉ tăng khoảng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021 (Hình 15). Nguyên nhân chính của việc huy động vốn của các TCTD tăng thấp bao gồm: (i) Lạm phát, giá cả và chi phí tăng, DN cần nhiều vốn hơn để trang trải chi phí tăng thêm; lãi suất và tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của DN; (ii) Vốn tín dụng ngân hàng kiểm soát mức tăng 15,5% trong khi phát hành TPDN khó khăn hơn, buộc DN dùng vốn tự có nhiều hơn; (iii) Giải ngân đầu tư công chậm, khiến vòng quay tiền chậm, nợ lẫn nhau giữa các DN tăng; (iv) Thị trường BĐS, chứng khoán trầm lắng và đang trong giai đoạn lành mạnh hóa, cũng kéo theo một phần vốn trên hai thị trường này bị tồn đọng; (v) dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chỉ tăng nhẹ trong điều kiện lãi suất USD tăng và TTCK suy giảm, môi trường đầu tư rủi ro tăng.
Thứ bảy, tỷ trọng thu dịch vụ ròng/tổng thu nhập ròng chưa có dấu hiệu cải thiện trong năm 2022 và ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Tỷ trọng thu dịch vụ ròng/tổng thu nhập ròng tăng dần trong giai đoạn 2019-2021, song lại sụt giảm trong 9 tháng năm 2022. Nguyên nhân chính là do nhiều TCTD đã tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ ngân hàng số nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, DN và cũng là để thu hút khách hàng và tăng huy động vốn không kỳ hạn. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động M&A và dịch vụ ngân hàng đầu tư chưa phổ biến hoặc gặp khó khăn khi TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh (nêu trên). Điều này làm tỷ trọng thu từ hoạt động dịch vụ tại các NHTM Việt Nam giảm nhẹ (khoảng 10,5%), thấp hơn nhiều so với các nước khác như Mỹ (33-37%), Nhật (33-39%), EU (33- 35%), Thái Lan (27-29%), Trung Quốc (16-22%). Do đó, mục tiêu đạt 16-17% đến năm 2025 trong Đề án 986 (2018) trở lên khó khăn hơn.
Thứ tám, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (KKH) – nguồn vốn chi phí thấp đang có xu hướng giảm trong năm 2022. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, dòng tiền nhàn rỗi đã chuyển dịch từ gửi không kỳ hạn sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, huy động vốn khó khăn vì người dân chuyển sang tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển vào sản xuất - kinh doanh, trang trải chi phí như nêu trên.
3.3. Thị trường chứng khoán
a. Thị trường cổ phiếu
Thứ nhất, dòng tiền vào TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất thấp đã không còn, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên. Ở trong nước, khối ngoại trong xu hướng bán ròng với khối lượng lần lượt là 3.500 tỷ VND trong tháng 9/2022 và 1.300 tỷ VND trong tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2022, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ VND. Tuy nhiên, trong tháng 11/2022, khối ngoại đã quay lại mua ròng khá nhiều (gần 16.000 tỷ VND) do thị trường đang bắt đáy, giá chứng khoán khá thấp so với triển vọng. Hết 11 tháng đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng khoảng 11.700 tỷ VND.
Bên cạnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do năng lực tài chính suy giảm, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ; phát hành TPDN khó khăn hơn sau những vụ việc vi phạm qui định vừa qua và qui định luật pháp theo hướng chặt chẽ hơn; giải ngân đầu tư công còn chậm, vòng quay vốn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau... khiến lượng vốn dành cho hoạt động đầu tư của DN bị giảm đi đáng kể. Nhà đầu tư cá nhân cũng hạn chế vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán (đến hết tháng 9/2022, dư nợ cho vay margin ở mức 165.000 tỷ VND, giảm 18% so với cuối năm 2021) trong bối cảnh thị trường biến động mạnh và rủi ro gia tăng.
Thứ hai, TTCK chịu áp lực giải chấp. Dù dư nợ cho vay ký quỹ đã giảm 18% từ mức đỉnh cuối quý 1/2022 (201.200 tỷ đồng) song vẫn là mức cao trong vòng 2 năm 2020- 2021 (cao hơn giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh). Việc giá cổ phiếu giảm mạnh đã dẫn đến việc một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.
Thứ ba, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh. Bên cạnh những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như rủi ro, thách thức gia tăng; tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh TTCK và BĐS trong thời gian qua, cùng với một số thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Việc xử lý, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý còn chậm cũng có tác động nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng (đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên), dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm, từ đó tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Thứ tư, tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Tác động của tâm lý đám đông lên TTCK Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với ở những quốc gia khác do ba nguyên nhân sau: (i) cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt so với các thị trường mới nổi và phát triển khác khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường (trong khi tỉ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40–50%, còn lại là nhà đầu tư tổ chức). Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân này là họ đưa ra quyết định đầu tư không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính, mà mua bán chủ yếu theo tin đồn, và một lượng lớn nhà đầu tư không có hiểu biết về tài chính; (ii) tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, cộng hưởng cùng tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh; (iii) TTCK Việt Nam lâu nay đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá, giá cổ phiếu cao hơn nhiều lần giá trị thực, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan, do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh.
b. Thị trường trái phiếu
- Trái phiếu chính phủ:
Đến hết tháng 10/2022, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành thành công 139,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 35% kế hoạch năm 2022 (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021). Kỳ hạn phát hành vẫn tập trung chủ yếu ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm, chiếm khoảng 92% tổng khối lượng gọi thầu. Lãi suất phát hành có xu hướng giảm khoảng 10-20 điểm % so với cuối năm 2020, đóng cửa cuối năm ở mức 2,08%/năm với kỳ hạn 10 năm và 2,33%/năm với kỳ hạn 15 năm.
Trên thị trường thứ cấp, trong tháng 10, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là
47.502 tỷ đồng (giảm 16,6% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 37.288 tỷ đồng (giảm 52,6% so với tháng trước). Lợi suất trung bình TPCP tiếp tục tăng trong tháng 10, từ 0,85% đến 1,29% tại tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng trước, do áp lực sau 2 đợt tăng lãi suất điều hành của NHNN vào tháng 9 và tháng 10.
- Trái phiếu doanh nghiệp:
Thứ nhất, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng TPDN đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023- 2025 (khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi).
Thứ hai, hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là NHTM và bất động sản. Trong đó, TPDN được phát hành bởi các ngân hàng thương mại hầu như rất ít rủi ro, do đặc thù riêng có: (i) chủ yếu được phát hành bởi các ngân hàng có quy mô lớn, kết quả kinh doanh khá tốt và ổn định; (ii) tính công khai, minh bạch được đảm bảo do các đa số NHTM đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán;
(iii) việc phát hành trái phiếu của NHTM phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn; (iv) mục đích phát hành rõ ràng (chủ yếu là để tăng vốn cấp 2, đảm bảo đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế như Basel II); (v) NHTM có quỹ DPRR để dự phòng cho hoạt động tín dụng và đầu tư. Vì lẽ đó, các NHTM phát hành trái phiếu thường không có tài sản đảm bảo (chủ yếu đảm bảo bởi các đặc thù trên) và quy trình, thủ tục cũng có những khác biệt so với DN SXKD thông thường.
Đối với nhóm bất động sản, các DN BĐS đã phát hành gần 215 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 50 nghìn tỷ đồng TPDN 10 tháng đầu năm 2022 (xếp thứ 2 về khối lượng, sau các TCTD), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm (theo VBMA). DN BĐS chiếm tỷ trọng 20% lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau các TCTD. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi.
Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, các DN sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành TPDN, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu…), để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các DN trong thời gian tới sẽ còn khó khăn do: (i) những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua; (ii) Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ (trong tháng 10/2022, chỉ có 1 đợt phát hành TPDN trị giá 210 tỷ VND, giảm 99% so với tháng trước); (iii) Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho SXKD và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14-15% để kiểm soát lạm phát và thanh khoản hệ thống TCTD; (iv) Thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn; (v) việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng (do thị trường BĐS đang trầm lắng, phục hồi chậm). Vì thế, một bộ phận DN (nhất là lĩnh vực BĐS) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Khi đó, hệ lụy của việc vỡ nợ này là lớn, phức tạp, cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán – BĐS là khá lớn (NHTM cho vay BĐS – khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ của nền kinh tế; nhiều tài sản đảm bảo tín dụng là BĐS – chiếm khoảng 65%; NHTM đầu tư vào TPDN – số dư khoảng 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ của các TCTD; NHTM niêm yết trên TTCK với tỷ trọng vốn hóa thường chiếm khoảng 23-25% và NHTM phát hành trái phiếu như nêu trên; DN BĐS niêm yết trên TTCK với tỷ trọng vốn hóa thường chiếm khoảng 15-16%, phát hành cổ phiếu và TPDN như nêu trên…).
c. Chứng khoán phái sinh
Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm 2022, thị trường CKPS cũng bộc lộ nhiều tồn tại cần phải được quan tâm giải quyết.
Thứ nhất, cơ cấu sản phẩm của thị trường CKPS còn rất hạn chế, chỉ bao gồm hai dòng sản phẩm chính là dòng sản phẩm HĐTL trên chỉ số VN30 và dòng sản phẩm HĐTL trên trái phiếu chính phủ (TPCP), còn chưa có các sản phẩm khác như HĐTL trên chỉ số cố phiếu khác, HĐTL trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn…
Các sản phẩm phái sinh mới này chưa có lộ trình triển khai cụ thể trong năm 2022 và 2023, do đó, nhà đầu tư nhiều khả năng phải chờ đợi thêm trong trung hạn). Trong đó, HĐTL TPCP có thanh khoản không cao và cũng thiếu sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân chỉ có thể tiếp cận HĐTL trên chỉ số VN30, còn HĐTL TPCP chỉ có thể tham gia bởi nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Thứ hai, tài sản cơ sở của HĐTL trên chỉ số chính là chỉ số VN30 (bao gồm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cao và tính thanh khoản tốt nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán HSX), do đó có thể xảy ra hiện tượng can thiệp, thao túng giá trên thị trường cơ sở để đưa chỉ số VN30 về mức mong muốn.
Thứ ba, mặc dù cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường CKPS có sự chuyển biến tích cực như đã đề cập ở trên, tuy nhiên vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng số lượng nhà đầu tư tổ chức vẫn còn rất hạn chế (đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho giao dịch các HĐTL TPCP còn khá khiêm tốn). Bên cạnh đó, tỷ trọng của khối ngoại trên thị trường CKPS Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
Thứ tư, tỷ trọng các hợp đồng mở (IO) còn chiếm tỷ trọng thấp cho dù khối lượng giao dịch trung bình phiên của HĐTL chỉ số VN30 ngày càng gia tăng, qua đó phản ánh các nhà đầu tư chủ yếu thực hiện lướt sóng chứ không nắm giữ kỳ hạn dài.
3.4. Thị trường bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm gặp phải 3 thách thức chính hết năm 2022 và năm 2023.
Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường gia tăng (do các hoạt động KT-XH đã trở lại bình thường sau dịch bệnh), trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do TTCK giảm mạnh…).
Thứ hai, theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2023, công ty bảo hiểm được quyền tự do đầu tư, kinh doanh, mà chỉ hạn chế một số lĩnh vực rủi ro nhằm bảo đảm an toàn. Theo đó, các công ty bảo hiểm có quyền tự quyết lớn hơn với các nguồn vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm với từng loại tài sản tài chính chưa được thông qua trong khi thời gian còn lại là không nhiều.
Thứ ba, minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Mặc dù là sản phẩm tốt, nhưng bảo hiểm nhân thọ lại thường xảy ra một số trường hợp gây tranh cãi khi xử lý các bồi thường liên quan gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường. Các vấn đề phát sinh từ việc thực hiện bán chéo qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng) hoặc các đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, hợp đồng bảo hiểm đôi khi khó hiểu hoặc dài dòng, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng...
III. KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
1. Đối với Quốc hội, Chính phủ
Thứ nhất, tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa CSTT, CSTK và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá...
Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục KT-XH 2022- 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cấu phần đang triển khai chậm; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai kịp thời và hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho DN, tăng tính lan tỏa, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85-90% kế hoạch giải ngân đầu tư công.
Thứ ba, Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển KT-XH, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính – BĐS; trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro TPDN, nhất là nhóm DN BĐS (Nhóm nghiên cứu có đề xuất riêng).
Thứ tư, hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính: (i) Nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; (ii) Sửa đổi Nghị định 128/2021/ND_CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên TTCK, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng); (iii) Ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường; (iv) Nghiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường; (v) Phát triển các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa, hạn chế rùi ro như hợp đồng tương lai chỉ số VNX50 (VNX50 futures); (vi) quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (nhất là mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – BĐS – bảo hiểm như nêu trên).
Thứ năm, tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền và mở rộng các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, tránh tâm lý đám đông.
Thứ sáu, phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí…). Các tổ chức này có đủ nguồn lực cũng như kiến thức tài chính để có thể phân tích thị trường một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên những căn cứ khoa học.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chính sách của Đảng và Nhà nước giảm thiểu kỳ vọng lạm phát, giảm tâm lý găm giữ, đầu cơ. Trong đó, cần chú ý đưa thông tin chính xác về chính sách và tình hình kinh tế vĩ mô – thị trường, tránh xu hướng “tô hồng” cũng như tin đồn xấu vì điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, niềm tin người dân và nhà đầu tư.
Thứ tám, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS), lĩnh vực tài chính như Luật Chứng khoán, luật các TCTD, luật DN và đấu giá, đấu thầu; đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech, gọi vốn cộng đồng, mua chung BĐS, quỹ tín thác đầu tư BĐS… giúp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư…
Cuối cùng, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đã được đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ chính về hoàn thiện hệ thống pháp luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong Kinh doanh bảo hiểm; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm...
2. Đối với NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan
Một là, đẩy nhanh tiến độ ban hành, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp lý hỗ trợ chuyển đổi số, Fintech và giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. Việc ban hành kịp thời những văn bản này sẽ có tác động kép, vừa thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho các tổ chức tài chính trong bối cảnh lãi suất cao, nguồn cung tín dụng không nhiều, vừa tăng tốc vòng quay của tiền, giúp tăng thanh khoản cho hệ thống, giảm áp lực của việc tăng lãi suất đến nền kinh tế.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành); lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống TCTD, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền (NH - chứng khoán – BĐS). Trong đó, cân tạo điều kiện để các TCTD, đặc biệt là nhóm NHTMNN, có thể tăng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động, theo yêu cầu của Chương trình phục hồi và đảm bảo năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Ba là, đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa hoạt động của thị trường và các tổ chức tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị DN, tiến tới Basel III…, cũng là để giảm thiểu tình trạng tập trung sở hữu, chi phối hoạt động lẫn nhau, gây rủi ro chéo, khó lường.
Bốn là, Chính phủ sớm cho sửa các quy định về TPDN. Với việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư TPDN của các TCTD theo Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022, thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh, nhất là sau những vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… thanh khoản thị trường co hẹp, giảm đáng kể lực cầu và cung. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi phù hợp những quy định trên với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.
Năm là, vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường TPDN với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024, theo đó, Chính phủ chỉ đạo có Phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này (Nhóm nghiên cứu có đề xuất riêng).
Sáu là, có lộ trình với việc áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và Basel III với hệ thống TCTD theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Quyết định 689/QĐ-TTg) và “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025” (Quyết định số 986/QĐ-TTg). Việc áp dụng phương pháp nâng cao sẽ giúp đánh giá đúng mức độ rủi ro tín dụng của từng khoản vay, thay vì cả lĩnh vực như trong Thông tư 22/2019 hoặc Phương pháp tiêu chuẩn (SA) theo Thông tư 41/2016.
Cuối cùng, Bộ Tài chính, UBCKNN cần nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.