Doanh thu cùng tăng trưởng nhưng Vietnam Airlines ghi nhận quý lỗ thứ 15 liên tiếp; còn Vietjet báo lãi 55 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Các hãng hàng không đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, tuy nhiên, những khó khăn của ngành hàng không vẫn hiện hữu như: Nhu cầu sụt giảm vì kinh tế khó khăn, giá đầu vào nhiên liệu tăng cao, các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính, tỷ giá, lãi suất… khiến lợi nhuận của các hãng hàng không khó tăng trưởng như kỳ vọng.
Vietnam Airlines “quán quân” thua lỗ trên sàn chứng khoán
Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) ghi nhận doanh thu 23.600 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường khu vực vhâu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%.
Sau khi trừ đi các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế quý III/2023 là 2.203 tỷ đồng giảm lỗ so với mức lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý lỗ ròng thứ 15 liên tiếp kể từ quý I/2020. Và tiếp tục là “quán quân” thua lỗ trên sàn chứng khoán.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines đang ở mức âm 3.534 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với mức lỗ sau thuế 7.784 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế tới 37.932 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2023 và vốn chủ sở hữu âm 13.951 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines tăng nhẹ 4,9% so với đầu năm, lên 74.278 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 17.361 tỷ đồng, tăng 29,6% so với đầu năm trong khi vay và nợ thuê tài chính dài hạn lại giảm 24,5%, còn 11.226 tỷ đồng.
Hiện tại, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang trong diện bị kiểm soát. Vietnam Airlines hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Vietnam Airlines cho biết, đang nỗ lực cùng các công ty kiểm toán độc lập khẩn trương hoàn thiện BCTC kiểm toán năm 2022 và dự kiến công bố vào tháng 11/2023 và muộn nhất là trong tháng 12/2023. Ngoài ra, tổng công ty cũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu báo cáo ĐHĐCĐ thường niên và dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 trong tháng 12 tới.
Nếu báo cáo kiểm toán cho thấy, Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 (lỗ 3 năm liên tiếp) và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết.
Trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.
Dự báo của Công ty chứng khoán Rồng Việt từng đưa ra vào cuối năm 2022 cho rằng, hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Vietnam Airlines sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2025, chủ yếu do chi phí nhiên liệu cao và cơ sở chi phí tương đối cao.
Vietjet tiếp tục có lãi, mở nhiều đường bay quốc tế
Quý III/2023, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC) ghi nhận doanh thu 13.548 tỷ đồng (riêng lẻ) và 14.235 tỷ đồng (hợp nhất) trong quý III/2023, tăng 32% và 23% so với cùng kỳ.
Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa, với biên lợi nhuận cao, tiếp tục được hãng đẩy mạnh phát triển, đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không và đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và 77% so với quý III/2019.
9 tháng năm 2023, Việt Nam đón 23,7 triệu lượt khách quốc tế qua các cảng hàng không, tăng gần 267%. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 11,5 triệu khách, trong đó, Vietjet đóng góp hơn 51% với 5,9 triệu khách.
Đội tàu bay của Vietjet đã nâng lên 103 tàu bay, bao gồm 18 tàu bay khai thác tại Thái Vietjet, 2 tàu bay mới đang giao hàng. Vietjet đã mở 7 đường bay quốc tế mới trong quý III/2023 nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế).
Trong kỳ, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt 579 tỷ và 55 tỷ đồng, tăng 175% và 30% so với quý III/2022.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 76,5 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,5 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm ngày 30/9/2023 đạt 2.077 tỷ đồng, cộng với hạn mức vốn lưu động, đảm bảo khả năng thanh toán nhanh của công ty.