Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích và thuận tiện trong hoạt động ngân hàng. Song song với đó, các hình thức lừa đảo cũng ngày càng gia tăng với nhiều chiêu trò tinh vi hơn.
Tại chuỗi sự kiện giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề "Đồng tiền thông thái", bà Nguyễn Thị Thúy Giang, chuyên gia của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ, mặc dù chỉ mới thúc đẩy từ năm 2021 đến nay nhưng việc triển khai dịch vụ TTKDTM tại Việt Nam đã đạt những kết quả rất tích cực. Cụ thể, hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân; 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 130 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 198,24 triệu tỷ đồng. Điều đó cho thấy, các dịch vụ TTKDTM đã mang lại sự hữu ích, tiện dụng trong hoạt động giao dịch và thanh toán.
Tuy nhiên, việc TTKDTM phát triển mạnh mẽ cũng dẫn đến các thủ đoạn lừa đảo ngày càng gia tăng như: (1) Mạo danh cơ quan chức năng gọi điện thông báo dính líu vụ án, yêu cầu chuyển tiền phục vụ điều tra; (2) Mạo danh là nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng/nhận quà ưu đãi/tài khoản có trục trặc, yêu cầu click link để xử lý; (3) Giả là người thân đang gặp nạn, cần chuyển tiền cấp cứu gấp hoặc hack Zalo, Facebook giả mạo người thân, nhờ chuyển tiền giúp; (4) Giả mạo website sàn thương mại điện tử liên kết thanh toán trực tuyến với ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin ngân hàng điện tử; (5) Gọi điện yêu cầu cài đặt app (ứng dụng) giả mạo Chính phủ, Tổng cục Thuế chiếm quyền kiểm soát thiết bị từ xa; (6) Lừa khách hàng mua hàng nhưng không giao hàng.
Để sử dụng dịch vụ TTKDTM an toàn, chuyên gia SHB khuyến nghị, tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng...; không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking? ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.
Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link, các ứng dụng thử nghiệm của Apple và không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại.
Ngoài ra, không cung cấp thông tin bảo mật của ngân hàng điện tử như: mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, QR), thông tin về tài khoản, thẻ cho bất kỳ ai; cũng như không bẻ khóa (root, jailbreak) điện thoại.
Bên cạnh đó, khi có nghi vấn bị lừa đảo/tấn công mã độc, khách hàng cần khóa ngay dịch vụ ngân hàng điện tử; thay đổi ngay mật khẩu đăng nhập; tắt điện thoại, cài đặt lại điện thoại. Sau đó, liên hệ ngay công an địa phương hoặc ngân hàng qua hotline hoặc đến điểm giao dịch gần nhất.
Cùng với đó, khách hàng nên có thói quen cài đặt hạn mức giao dịch trên ứng dụng ngân hàng điện tử; chỉ truy cập website chính thức/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng để thực hiện giao dịch; bình tĩnh xác thực lại thông tin chính chủ yêu cầu bằng cách gọi điện thoại theo số điện thoại được công bố chính thức hoặc/và gặp trực tiếp; tăng cường sử dụng phương thức sinh trắc học (vân tay, FaceID...); tắt quyền Trợ năng (Accessibility) trên các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc không xác định an toàn; thường xuyên cập nhật đầy đủ các bản cập nhật phần mềm từ nhà sản xuất; định kỳ tắt điện thoại và bật lại điện thoại để phòng tránh mã độc thường trú trên bộ nhớ điện thoại.