Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, khác với mọi năm, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các TCTD. Đây là hình thức mới, thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các TCTD đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn, thúc đẩy tổng cầu.
Sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng
Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 10167/NHNN-CSTT về tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng. Tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng.
"Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Đề cập đến vấn đề này tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khác với mọi năm, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các TCTD. “Đây là hình thức mới, thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các TCTD đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn, thúc đẩy tổng cầu”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Chia sẻ để làm rõ hơn về quyết định giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm 2024, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, các dự báo cho thấy, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Do đó, trước tình hình tổng cầu có nguy cơ giảm trong năm 2024, ông Phạm Chí Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế ngay từ đầu năm.
Ông Phạm Chí Quang cũng cho biết, cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giao tăng trưởng tín dụng 15%, đó là: hiện nay các tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo Việt Nam có thu nhập trung bình thấp nhưng dư nợ tín dụng/GDP đang có rủi ro rất cao. Theo thang chấm điểm của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam; hay theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s và Fitch, thì tỷ lệ này của Việt Nam đang cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa. Điều đó cho thấy, các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn hệ thống, rủi ro an ninh tài chính của Việt Nam, trong bối cảnh hệ số đòn bảy tài chính của quốc gia ở mức cao.
Một điểm nữa được lý giải là, mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh… nhưng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay đã gần 5%. Đây là mức nợ xấu rất cao. Nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao là do người dân, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ dưới tác động của đại dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
“Đó là một trong những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM từ đầu năm”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Về định hướng điều hành tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hết sức nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng để sức hấp thụ vốn tốt phải phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, chứ riêng ngành Ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, yếu tố khách quan là từ môi trường kinh tế cải thiện mới kích cầu đầu tư, cầu tiêu dùng tăng; đồng thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương thông qua các để kích cầu trong nước. Còn yếu tố chủ quan, phía doanh nghiệp cần nâng cao sức khoẻ, năng lực của mình; ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua cắt giảm thủ tục không cần thiết và mạnh dạn hơn trong cho vay.
“NHTM cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Về phía Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Phó Thống đốc cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàn Nhà nước sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
"Có thể nói, lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn, đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về lãi suất, ông Phạm Chí Quang cũng khẳng định, mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 0,2 - 0,5%, tạo điều kiện rất tốt để các TCTD có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
Trong khi đó, lãi suất huy động bình quân trên thị trường 1 (khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) của các ngân hàng tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Đây là mức lãi suất thấp hơn khá xa so với trước đại dịch COVID-19.
Còn về về tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, ông Phạm Chí Quang cho biết, 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn và 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn.
Do đó, dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng 50% dư nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn nên đương nhiên lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động. Bởi, khi cho vay trung và dài hạn, các thường dựa vào lãi suất trung và dài hạn 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.