Tại nhiều địa bàn vùng cao, mã QR đã trở thành chìa khóa để địa phương có thể triển khai chợ 4.0 cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân.
Từ hơn 1 tháng nay, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình chợ 4.0, trong đó phổ cập thanh toán qua mã QR cho toàn bộ tiểu thương.
"Thanh toán bằng mã QR rất tiện lợi, không gây nhầm lẫn, thanh toán nhanh, gọn, nhẹ. Phương thức thanh toán như thế tiện, mỗi lần đi mình không phải cầm nhiều tiền mặt nữa", chị Hà Thị Thu, tiểu thương chợ Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái, cho biết.
Còn tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, hiện thứ Bảy hàng tuần được chọn là ngày đi chợ 4.0, với mong muốn thúc đẩy thói quen mua sắm không tiền mặt cho người dân.
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, với ưu điểm dễ triển khai, không tốn chi phí đầu tư, đầu năm nay tăng trưởng thanh toán qua mã QR đạt 151%, trong đó tốc độ tăng trưởng ở khu vực nông thôn, vùng cao đóng góp đáng kể với độ phủ ngày càng lớn.
"Với đặc tính thuận lợi, tiện, nhanh rẻ như vậy, QR sẽ đi sâu hơn vào đời sống của người dân với những giao dịch thường ngày. Tôi đã từng đi gửi xe với 5.000 đồng, 10.000 đồng, mọi người rất vui vẻ quét mã QR", ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS, cho hay.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt từ 2021 - 2025, mục tiêu là 80% người tiêu dùng từ 15 tuổi trở lên phải có tài khoản giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Mã QR chính là cách để xóa đi khoảng cách số giữa vùng cao với các đô thị và mục tiêu phổ cập thanh toán số tới đồng bào có thể sớm đạt kết quả.