(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những thông điệp của Chính phủ đưa ra tại cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề ngày 8/8/2021 là toàn diện và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp -  “miễn dịch cho doanh nghiệp”.

Thứ nhất, biện pháp vắc xin: Tập trung ưu tiên tiêm chủng cho công nhân, nhất là công nhân và người lao động tại các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp làm việc theo mô hình 3 tại chỗ và một cung đường hai điểm đến.

Quan điểm và giải pháp này có ý nghĩa chiến lược, trúng và đúng, không chỉ bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động mà còn tạo sự duy trì và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tạo đà phục hồi bền vững sau khi dịch được kiểm soát.

Ở góc độ y tế và phòng chống dịch, đây là giải pháp miễn dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng và trực tiếp hỗ trợ, tăng sức mạnh cho doanh nghiệp để duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh: khỏe để sản xuất kinh doanh và sản xuất kinh doanh tốt để bảo vệ sức khỏe. Nhận thức đó chưa bao giờ được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và quyết tâm cùng Chính quyền địa phương và Chính phủ chung sức thực hiện như hiện nay.

Thứ hai, biện pháp chính sách: Chính phủ đưa ra 8 giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khó khăn của doanh nghiệp do tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và những vướng mắc phát sinh trong điều kiện thực hiện các giải pháp về giãn cách xã hội (lưu thông hàng hóa; đi lại và những phát sinh liên quan thực hiện mô hình 3 tại chỗ...) để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Theo đó, dưới góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách để tạo sự thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện giãn cách chính là “vắc xin” nhằm nâng cao khả năng chống chịu, sức bền cho doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Trong những giải pháp của Chính phủ, nhóm giải pháp về giảm chi phí, là nhóm giải pháp định lượng và phản ánh rõ nhất tính hiệu quả khi các chi phí hỗ trợ có liên quan (điện, nước, lãi suất, viễn thông, giao thông…) được thực hiện, sẽ trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ bớt khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Với hệ thống giải pháp Chính phủ đưa ra để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với quan điểm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết: về hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của từng đơn vị để tổ chức thực hiện, gắn với trách nhiệm thực thi công vụ: nói đi đôi với làm; nói ít làm nhiều; hành động và hành động quyết tâm; phát huy trí tuệ tập thể và sức mạnh đoàn kết toàn dân để thực hiện tốt nhiệm vụ hiện nay, đẩy lùi dịch bệnh, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân và hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp để vượt qua đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Quán triệt tinh thần của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã và đang tập trung nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong đó các ngân hàng thương mại thực hiện giảm ngay một số chi phí dịch vụ ngân hàng như: chi phí chuyển tiền; chi phí dịch vụ thẻ ATM, thanh toán POS.... Riêng chi phí lãi suất, các ngân hàng thương mại trước mắt tiếp tục thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của Thông tư 01 và Thông tư 03. Đồng thời phối hợp thực hiện sự đồng thuận về giảm lãi suất cho các khách hàng, doanh nghiệp đang quan hệ tín dụng với ngân hàng để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng đã có chỉ đạo, động viên các tổ chức tín dụng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với cơ chế giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện đảm bảo sự đồng thuận đi liền với hành động cụ thể, thiết thực và trách nhiệm để chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó, đảm bảo tăng trưởng và phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Miễn dịch cho doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO