(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái trong năm 2023 khi quy mô nhiều nền kinh tế bị thu hẹp do chính sách thắt chặt lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
"Bảng xếp hạng kinh tế thế giới hàng năm" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR, Vương quốc Anh) công bố mới đây cho biết, quy mô GDP nền kinh tế toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ USD trong năm 2022 nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách phải “vật lộn” với cuộc chiến chống lại lạm phát.
Kay Daniel Neufeld, Giám đốc bộ phận dự báo tại CEBR, cho biết: “Có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái vào năm tới do tình trạng lãi suất tăng để đối phó với lạm phát cao”.
“Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa đi đến hồi kết. Chúng tôi kỳ vọng vọng các ngân hàng trung ương sẽ kiên quyết vào năm 2023 bất chấp các tác động tới nền kinh tế. Cái giá của việc đưa lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là triển vọng tăng trưởng kinh tế kém đi trong một vài năm tới”, Kay Daniel Neufeld đánh giá.
So với dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo của CEBR có phần bi quan hơn. IMF hồi tháng 10 đã đưa ra cảnh báo rằng, hơn 1/3 các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023, trong khi một phần tư tăng trưởng dưới 2%, đây được định nghĩa là suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, đến năm 2037, GDP toàn cầu dự sẽ tăng gấp đôi khi các nền kinh tế đang phát triển bắt kịp các nền kinh tế giàu có hơn. Cán cân quyền lực đang thay đổi sẽ chứng kiến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 1/3 GDP toàn cầu vào năm 2037, trong khi thị phần của châu Âu giảm xuống dưới 1/5.
CEBR lấy dữ liệu cơ sở từ báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” của IMF và sử dụng mô hình nội bộ để dự báo tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Trung Quốc hiện không thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm nhất cho đến năm 2036 - muộn hơn 6 năm so với dự kiến. Điều này được cho là ảnh hưởng từ chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc và căng thẳng thương mại gia tăng với phương Tây.
“Hậu quả của chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ nghiêm trọng hơn nhiều lần so với những hậu quả mà chúng ta đã chứng kiến từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Gần như chắc chắn sẽ có một cuộc suy thoái thế giới nghiêm trọng và lạm phát gia tăng trở lại. Nhưng thiệt hại đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn gấp nhiều lần và điều này có thể làm hỏng bất kỳ nỗ lực nào nhằm dẫn dắt nền kinh tế thế giới của Bắc Kinh”, CEBR cho biết.
Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2036. Nguồn: CEBR |
Ngoài ra, CEBR cũng dự báo, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 10.000 tỷ USD vào năm 2035 và vươn lên đứng thứ ba thế giới vào năm 2032.
Vương quốc Anh sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và Pháp đứng thứ bảy trong 15 năm tới nhưng Anh không còn động lực để tăng trưởng nhanh hơn các nước châu Âu do “thiếu chính sách định hướng tăng trưởng và thiếu tầm nhìn rõ ràng về vai trò của mình bên ngoài Liên minh châu Âu”.
Các nền kinh tế mới nổi với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào sẽ nhận được “sự thúc đẩy đáng kể” do nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
“Nền kinh tế toàn cầu còn lâu mới đạt được mức GDP bình quân đầu người 80.000 USD mà tại đó lượng khí thải carbon tách rời khỏi tăng trưởng". Điều đó có nghĩa là cần có các biện pháp can thiệp chính sách mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức chỉ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo bảng xếp hạng của CEBR, năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 39 trên thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 13.975 USD. Năm 2023, CEBR dự báo, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 36 và năm 2037 sẽ vươn lên vị trí thứ 26. |