“Dù tục chịu tác động tiêu cực từ 3 cơn “gió ngược” tương đối mạnh từ ngoài khơi thổi vào và một cơn “xoáy ngầm” bên trong, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2023 đã thể hiện khả năng chống chịu khá tốt trước những cú sốc như vậy”.
Nhận định trên được TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá khi nhìn lại toàn cảnh tình hình kinh tế năm 2023.
Theo TS. Lê Xuân Sang, 3 cơn “gió ngược” khá mạnh trong năm 2023 là: lạm phát cao, lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh.
Còn cơn “xoáy ngầm” đó là sự trầm lắng và giảm mạnh trên thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp xảy ra biến cố…
Những cơn “gió ngược”, “xoáy ngầm” đó đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây áp lực lên công tác điều hành vĩ mô.
Trong bối cảnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng và sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt, linh hoạt, chèo lái con thuyền kinh tế.
Trong năm qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ để giải quyết vấn đề bất động sản, 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh được tập trung chỉ đạo xử lý. Các lĩnh vực các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều chú trọng phát triển. Tính đến tháng 11 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 77 Nghị định, 236 Nghị quyết, 29 quyết định quy phạm pháp luật, 1.572 quyết định cá biệt, 28 chỉ thị.
“Cơn “gió ngược” lạm phát đã được hóa giải khá tốt. Vĩ mô ổn định. Kỷ luật thị trường trái phiếu và cổ phiếu được siết chặt. Thị trường bất động sản được gỡ khó. Sản xuất kinh doanh đã phục hồi”, TS. Lê Xuân Sang nhận định.
Theo TS. Lê Xuân Sang, kết quả đạt được là tiền đề cho năm sau. Năm 2024, nhìn chung các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP sẽ trở nên mạnh và rõ ràng hơn. Các nhà đầu tư, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng đánh giá kinh tế Việt Nam khá tích cực.
Nhắc lại năm 2023 đầy thách thức, PGS,TS. Ngô Trí Long khẳng định: “Lạm phát là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Kết thúc năm 2023, CPI bình quân chung tăng ở mức 3,25%, dưới ngưỡng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong năm qua, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định để điều hành chính sách tiền tệ, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách ngược chiều với chính sách tiền tệ của một số quốc gia trên thế giới. Có thể nói, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tỷ giá đã được phát huy tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam góp phần kiểm soát lạm phát”, PGS,TS. Ngô Trí Long đánh giá.
Theo PGS,TS. Ngô Trí Long, ít ngân hàng trung ương nào trên thế giới phải cáng đáng đa mục tiêu như ở Việt Nam, từ lạm phát, tỷ giá, tín dụng đến cả an sinh xã hội. Quan sát diễn biến ở Việt Nam trong 2 năm qua, giới phân tích quốc tế đánh giá cao Việt Nam kiểm soát lạm phát, tỷ giá thành công, tăng trưởng cao vào loại hàng đầu thế giới.
Cũng ghi nhận đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS.Lê Xuân Sang tin tưởng, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến lạm phát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng. Những nền tảng đã đạt được trong năm 2023 và với quyết tâm tiếp tục tạo nên các đột phá thì mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% tuy là khó nhưng không phải không có khả năng đạt được.