Nền kinh tế cần gói "cứu trợ" có quy mô khoảng 8 - 10% GDP

PV| 05/12/2021 15:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 5/12, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững" chính thức được khai mạc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn còn có sự tham dự của ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Khái - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các Ban, bộ ngành và đoàn thể ở trung ương; lãnh đạo các địa phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội.

Về phía khách mời quốc tế tham dự Diễn đàn có: Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam; ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; bà Mashimot Makiko - Chuyên gia về Việc Làm – Văn phòng ILO Khu vực châu Á Thái Bình Dương; cùng các vị đại diện Đại sứ quán một số nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ của các tổ chức quốc tế các bộ, ban ngành cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học nhà kinh tế tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế đang lỡ nhịp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID – 19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch COVID – 19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III/2021 tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Đại diện nhóm nghiên cứu tham luận tại Diễn đàn ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2020 tăng trưởng kinh tế rất tốt, tuy nhiên đại dịch COVID-19 đặc biệt làn sóng dịch thứ 4 đang khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang bị lỡ nhịp. Hiện tại tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang theo hình chữ U,chứ không phải chữ V như thế giới. Để phục hồi thời gian qua, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4% GDP (gói tài khóa 2,9% và gói tiền tệ 1,1%). Tuy nhiên, mức này thấp hơn so với các nước.

Về dài hạn, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguồn cung vắc-xin chưa chắc chắn, những khó khăn của người dân, doanh nghiệp vẫn hiện hữu khi chi phí sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đều tăng. Và sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron ngoài tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Dự báo năm 2022, GDP Việt Nam tăng 4-4,5%; lạm phát 3,4 - 3,7% (từ mức 2% năm 2021).

"Nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt, không có gói kích thích tài khoá, tiền tệ, Việt Nam sẽ lỡ cơ hội, tụt hậu và không đạt mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm", chuyên gia Cấn Văn Lực nhận mạnh.

Nền kinh tế cần những gói "trợ thở" đặc biệt

Trước những thách thức đang đặt ra, gợi ý các chính sách đối với Việt Nam, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh quan điểm và mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu và thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành cũng cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; khả năng khả thi và triển khai nhanh.

"Các nhóm chính sách cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; an sinh xã hội… Thời gian thực hiện của chính sách chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023. Đối tượng trọng tâm của chính sách lao động và người sử dụng lao động. Trong đó phải đáp ứng một trong các tiêu chí cơ bản như có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng, có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chưa thể bố trí nguồn thay thế, thuộc những lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững (như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…). Các dự án cơ sở hạ tầng: liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa; trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời cần bổ sung…", chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, dư địa mở rộng chính sách tài khóa vẫn còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ, như: Thu NSNN năm 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch; thâm hụt NSNN và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước; quy mô hỗ trợ tài khóa (gần 3% GDP) còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn... Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ khác như: giảm tiền điện, cước viễn thông... vẫn còn.

Trong khi đó, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng còn, nhưng không nhiều do: (i) Lãi suất ở mức thấp trong vòng 20 năm; sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; (ii) Áp lực lạm phát ở mức cao (ít nhất là trong năm 2022); một số nước trên thế giới bắt đầu thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng lãi suất; (iii) Ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống các TCTD (nhất là bối cảnh nợ xấu gia tăng).

Tổng hợp các chính sách, gói hỗ trợ - Nguồn: TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu

Từ những phân tích trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, để hỗ trợ phục hồi, nền kinh tế cần gói hỗ trợ lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP (giá trị công bố), trong đó: Chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu khoảng 678.395 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,34%; chính sách tiền tệ khoảng 65.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,8%; chính sách an sinh xã hội khoảng 12.800 tỷ đồng; các chính sách khác khoảng 37.650 tỷ đồng...

Để phục hồi kinh tế, ông Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra 4 kiến nghị:

Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Cụ thể, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng;

Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng;

Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết;

Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, gói đầu tư công có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023.

Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

Để đảm bảo các biện pháp trên thực hiện thành công, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần đảm bảo sự phối hợp để thiết kế và thực hiện các chính sách giữa các bộ ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Còn theo ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. "Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa", ông Francois Painchaud nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế cần gói "cứu trợ" có quy mô khoảng 8 - 10% GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO