Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị nâng mức cho vay dự án sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ nhà ở, đất ở

Minh Nhật 03/04/2024 06:45

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp, trong đó có nâng mức cho vay đối với các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị lên 10 tỷ đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh, 200 triệu đồng/hộ gia đình; cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất ở lên 100 triệu đồng/hộ.

tgd-nhcsxh.jpg
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng

Năm 2023, giải ngân 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan, tổ chức giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi, thực hiện hỗ trợ lãi suất đới với các khoản vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID -19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

NHCSXH đã đạt được một số kết quả tích cực như huy động nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình, đến ngày 31/12/2023 đạt 38.400 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng, hoàn thành 100% hạn mức phát hành được Quốc hội quyết nghị.

NHCSXH cũng đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi; phân giao kế hoạch vốn và tích cực triển khai giải ngân đảm bảo chính xác, kịp thời, đảm bảo tính pháp lý, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Kết quả, đến ngày 31/12/2023, NHCSXH đã giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình với dư nợ đạt 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022 với trên 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị.

Bên cạnh đó, kết quả hỗ trợ lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng hoàn thành 99,8% kế hoạch;…

Cùng với những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Về vốn điều lệ; Về cấp bù lãi suất và phí quản lý; Về vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 100/2015/NĐ- CP và Nghị định số 49/2019/NĐ- CP; Về vốn cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ;…

Trong đó, một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ- CP phải kể đến như: Việc triển khai tại nhiều địa phương còn chậm trong việc phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề dẫn đến việc giải ngân của NHCSXH chưa kịp thời đến đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, hộ người kinh nghèo không thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng sinh sống tại các xã khu vực II, I theo Quyết định 861/QĐ- TTg chưa được thụ hưởng chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề;…

Đề xuất thực hiện phương án sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng nêu một số kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đối với số dự toán chưa được NSNN cấp 15% số tiền NHCSXH đã hỗ trợ lãi suất năm 2023 cho khách hàng khoảng 317,6 tỷ đồng.

Thứ hai, cho phép thực hiện phương án sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024 các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, đối với nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn từ năm 2024 của các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, để cho vay quay vòng các chính sách tín dụng ưu đãi này.

Đối với nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn từ năm 2024 của các chính sách cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, được cân đối chung trong tổng nguồn vốn của NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng hằng năm.

Thứ ba, đối với phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh từ năm 2024, NHCSXH đề nghị được phê duyệt hạn mức phát hành bằng số đến hạn trả nợ trái phiếu trong năm (theo Nghị quyết 07-NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị), không giảm trừ nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024 của các chính sách tín dụng ưu đãi đã cho vay từ nguồn phát hành trái phiếu của NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành chủ quản chương trình tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Cụ thể, bổ sung đối tượng thụ hưởng gồm: hộ gia đình DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Hộ cận nghèo DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại các xã khu vực I, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Cùng với đó, bổ sung chính sách cho vay. Tại các địa phương thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì các đối tượng tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng được vay vốn tại NHCSXH theo quy định hiện hành; Hộ nghèo DTTS, hộ cận nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất được vay vốn tại NHCSXH để tạo quỹ đất sản xuất.

Đồng thời, nâng mức cho vay đối với các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị lên 10 tỷ đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh, 200 triệu đồng/hộ gia đình; cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất ở lên 100 triệu đồng/hộ.

Thứ năm, kiến nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 theo hướng, đối với các xã khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III đến hết giai đoạn 2021-2030.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị nâng mức cho vay dự án sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ nhà ở, đất ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO