Ngân hàng “hiến kế” vượt qua khó khăn thách thức trong năm 2023

Ngô Hải| 29/12/2022 14:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 được tổ chức sáng ngày 28/12, nhiều kiến nghị/đề xuất đã được các ngân hàng đưa ra nhằm góp phần giúp hoạt động ngân hàng an toàn, lành mạnh, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế tốt hơn trong năm 2023. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu.

Agribank cam kết đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank - Ảnh: Đức Khanh

Có thể nói, năm 2022 là một năm thách thức vô cùng lớn đối với điều hành vĩ mô của Chính phủ, NHNN, bởi nhiều khó khăn rất lớn cùng xuất hiện vào cùng một thời gian, thời điểm. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Phó thủ tướng, của NHNN và các bộ ngành, những vấn đề về tỷ giá, lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ đã từng bước được giải quyết và kiểm soát hiệu quả. Điều này cho thấy sự kiên định, bản lĩnh, nhưng cũng rất linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và NHNN.

Về phía Agribank, từ cuối năm 2021, xác định năm 2022 là năm có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức nên Agribank đã thống nhất chủ trương điều hành theo kịch bản khó khăn nhất, vì vậy đã được những kết quả rất tích cực.

Dự kiến đến ngày 31/12/2022 Agribank sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu chính, trong đó, tổng tài sản đạt gần 1,85 triệu tỷ đồng; huy động vốn gần 1,70 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 1,45 triệu tỷ đồng, với 65% dư nợ phục vụ cho “tam nông”. Tín dụng của Agribank đã góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen.

Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện những nhóm doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định của pháp luật về người có liên quan cũng như che dấu ngân hàng cho vay về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản. Đây là tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có hệ số sử dụng vốn huy động lớn.

Chính phủ, các bộ ngành cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các ngành khác nhưng đồng thời cũng giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian vừa qua vừa gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở, vừa thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn. Chính phủ cần có cơ chế để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân có hệ số sử dụng vốn huy động lớn.

Bước sang năm 2023, Agribank xin cam kết tiếp tục phát huy vai trò của NHTM nhà nước, đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn.

Đề nghị tiếp tục cho phép các NHTM nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV - Ảnh: Đức Khanh

Năm 2022, BIDV đã chủ động quán triệt triển khai Nghị quyết 01 của Chính  phủ; Chỉ thị 01 của NHNN cũng như chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN  trong các chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và đạt được kết quả khá  toàn diện trên các mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng; năng lực tài chính, phát triển thể chế và trách nhiệm xã hội.

Về quy mô, tổng tài sản đến ngày 30/11/2022 đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; tín dụng tổ chức kinh tế và dân cư đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% (bằng kế hoạch NHNN giao); vốn tín dụng tập trung cho các ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Huy động vốn đạt 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 6%, đảm bảo cho hoạt động tín dụng và các chỉ số an toàn theo quy định; BIDV hiện có quan hệ với hơn 15 triệu khách hàng cá nhân, gần 500.000 doanh nghiệp và 2.300 định chế tài chính khắp toàn cầu. Chất lượng tín dụng được kiểm soát (tỷ lệ nợ xấu dưới 1%). Năng lực tài chính tiếp tục được củng cố và nâng cao. Số dư Quỹ dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 243%.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN tiếp tục điều hành vĩ mô, đồng bộ; kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán (đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp) đảm bảo thị trường chứng khoán là một kênh dẫn vốn trung dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chia sẻ và giảm áp lực vốn trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo tiếp tục  hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng: Luật hóa nội dung Nghị quyết 42 của Quốc hội; ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng;

Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các NHTM nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau  trích lập các quỹ năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn.

Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thông, năng lượng xanh trong giai đoạn tới là rất lớn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các  cam kết đã ký với các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà  đầu tư, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP.

Định hướng đến năm 2025, Vietcombank đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank - Ảnh: Đức Khanh

Dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của Vietcombank ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt trên 47.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 136.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%. Vietcombank đã thực  hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế và là ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trên thị trường. Năm 2022, Vietcombank nộp ngân sách nhà nước là hơn 11.200 tỷ đồng.

Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Ngày 2/8/2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án. Thực hiện hướng dẫn của NHNN, Vietcombank đang hoàn thiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 mà bản chất nội hàm chính là Chiến lược phát triển của Vietcombank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được xây dựng với tầm nhìn giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.

Nhằm tạo điều kiện cho các NHTM nhà nước có thể thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường, là lực lượng nòng cốt thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và để thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án 689, Vietcombank kiến nghị NHNN xem xét cho phép các NHTM nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều  hành của NHNN do các NHTM nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

Tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 - 2020 sau khi trích lập các quỹ (nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ). Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính  Phủ, NHNN và Bộ Tài chính đồng ý về chủ trương).

Đề nghị sớm công bố các giới hạn tăng trưởng trong năm 2023

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank - Ảnh: Đức Khanh

Bám sát chủ trương, đường lối và định hướng của Chính phủ, cũng như sự chị đạo kịp thời và quyết liệt của NHNN, hoạt động kinh doanh của VietinBank đạt kết quả tích cực, chất lượng tài sản được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp khoảng 1,2%, đặc biệt tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đang ở mức khoảng 190%, tổng dư nợ đạt 1,2 triệu tỷ đồng. VietinBank cũng năm trong Top 3 ngân hàng cho vay nông nghiệp, nông thôn, với quy mô tín dụng là 176 nghìn tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VietinBank vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp chủ lực (thủy sản, lúa gạo) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 2% so với quy định hiện hành.

Năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn với nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, do đó, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, VietinBank kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ các thị trường phát triển ổn định. Bởi, khi các thị trường ổn định thì hoạt động của các NHTM mới ổn định và an toàn; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án BOT.

Đối với NHNN, VietinBank đề nghị: sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sớm công bố các giới hạn tăng trưởng trong năm 2023; sớm ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22, bởi đây sẽ là tiền đề quan trọng để VietinBank cũng như các ngân hàng khác cân đối vốn, từ đó có sự chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; tiếp tục kiểm soát tăng lãi suất huy động, tránh phát sinh cuộc đua tăng lãi suất dẫn đến tăng chi phí vốn của các ngân hàng.

Sớm đồng bộ các quy định về giao dịch điện tử với các luật giao dịch khác

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank - Ảnh: Đức Khanh

Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển và là ưu tiên của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số cũng là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhằm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào sự phát triển của kinh tế đất nước.

Tại Techcombank, chuyển đổi số trở thành trọng tâm chiến lược của ngân hàng ngay từ năm 2016. Với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, chuyển đổi số được Techcombank xây dựng trên 3 trọng tâm: Dữ liệu xuất sắc; vận hành quản trị rủi ro xuất sắc; nhân sự xuất sắc.

Cho đến nay, 100% dữ liệu khách hàng, 100% dữ liệu các giao dịch vận hành quản trị đã được số hóa trên nền tảng công nghệ. Toàn bộ trải nghiệm của khách hàng trên các điểm chạm trên hành trình sử dụng dịch vụ đã được ghi nhận và số hóa.

Trong năm 2022, gần 70% tài khoản mở mới tại Techcombank được thực hiện trên kênh số thông qua eKYC. Phát hành thẻ tín dụng trên nền tảng số cũng tăng 15% so với năm 2021, chiếm gần 30% tổng lượng phát hành thẻ trong năm 2022. Tổng giao dịch trên các kênh mobile, hay các kênh trên nền tảng số đạt trên 1 tỷ giao dịch, chiếm đến 97% lượng giao dịch của các khách hàng cá nhân giao dịch qua ngân hàng; với doanh nghiệp con số này là 86%. 90% giao dịch quốc tế của khách hàng cá nhân được thực hiện trên nền tảng số, với doanh nghiệp thì co số này là 77%... Tất cả các giao dịch trên nền tảng số hiện nay đều được Techcombank miễn phí.

Cơ cấu tổ chức tại Techcombank cũng được chuyển đổi theo hướng phù hợp với ứng dụng nền tảng số. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Techcombank thành lập thêm 3 khối chuyên trách: khối dữ liệu; khối chuyển đổi số; khối quản trị kế hoạch chuyển đổi, thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi một cách mạnh mẽ.

Để chuyển đổi số thành công, Techcombank kiến nghị: sớm đồng bộ các quy định về giao dịch điện tử với các luật giao dịch khác để đảm bảo thúc đẩy việc ứng dụng trên nền tảng số; đẩy mạnh rà soát các văn bản trong lĩnh vực ngân hàng để có thể sửa đổi phù hợp; ngoài ra, cần sớm cho phép chính thức kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao chất lượng công tác xác minh và xác thực khách hàng.

Tiếp tục kéo dài và bổ sung phạm vi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nam A Bank

2 năm qua do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và các yếu tố kinh tế vĩ mô phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực nhất định nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống Nam A Bank luôn được kiểm soát tốt, đến nay là 1,29%.

Xử lý nợ xấu luôn là vấn đề được Chính phủ, NHNN và xã hội quan tâm. Đối với giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở Đề án Cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, Nam A Bank tổ chức triển khai xây dựng và triển khai Đề án cho Nam A Bank theo quan điểm kế thừa và củng cố thành quả đạt được giai đoạn trước đó và phát huy, sáng tạo và năng động triển khai các nội dung mới của Đề án mới gắn với tình hình thực tế của thị trường và yêu cầu quản lý Nhà nước với NHNN.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án Cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Nam A Bank đề nghị Chính phủ, NHNN cho phép tiếp tục kéo dài và bổ sung phạm vi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên cơ sở kế thừa và phát huy tính chất đột phá của Nghị quyết 42 hiện nay để áp dụng cho toàn bộ nợ xấu phát sinh của hệ thống các TCTD và quy định rõ hơn cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đối với các dự án bất động sản.

Sửa đổi có tính linh hoạt hơn đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của VAMC nhằm tạo điều kiện cho các TCTD nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu, như: được bán nợ cho VAMC trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu đang dưới 3%, nợ xấu có một phần là tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm,… Cho phép dùng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tham gia nghiệp vụ thị trường mở.

Bên cạnh thực hiện các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Nam A Bank cũng nhận thức sâu sắc và cam kết: việc xử lý nợ xấu đã, đang và sẽ luôn phải bảo đảm thực chất, hiệu quả và phản ánh đúng tính chất nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Nam A Bank khi triển khai Đề án và nhằm hướng tới sự bền vững an toàn thực chất.

Sớm dự thảo và trình ban hành Nghị quyết/Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Trước tình hình kinh tế đang đầy khó khăn, thử thách đặc biệt là đối với ngành Ngân hàng trong năm 2023, OCB có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, giãn lộ trình điều chỉnh Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN: từ ngày 1/10/2023 còn 30% sang tháng 6/2024.

Thứ hai, đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP để khơi thông nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, nới lỏng hơn đối với chính sách kiểm soát cho vay vào lĩnh vực bất động sản/nhà ở nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mua nhà ổn định cuộc sống. Rà soát cập nhật, sửa đổi các quy định liên quan, trong đó cho phép kéo dài thời gian vay, nâng hoặc bỏ mức trần khống chế với tỷ lệ cho vay và số tiền cho vay tối đa.

Thứ tư, hoạt động xử lý, thu hồi nợ. OCB kiến nghị NHNN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm dự thảo và trình ban hành Nghị quyết/Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các TCTD đẩy nhanh việc xử lý tài sản nhằm thu hồi và kiểm soát nợ xấu.

Thứ năm, NHNN và các ban, ngành, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cụ thể để tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai áp dụng Nghị quyết 42 để ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ xấu, kiểm soát chất lượng nợ toàn hàng.

Sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Ông Kang Gew Won, Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Trước tình hình biến động kinh tế toàn cầu gia tăng, không chỉ Việt Nam mà cả thị trường tài chính toàn cầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có các chính sách và sự hướng dẫn kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, ngành Ngân hàng đã có thể ứng phó tốt với những biến động diễn ra trên toàn cầu.

Trong năm qua, NHNN đã đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay. Theo định hướng đó, vào tháng 7/2022, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo hướng dẫn của NHNN. Tính đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 10.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những khách hàng này và tích cực xem xét hỗ trợ thêm nếu cần thiết.

Có thể nói, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong việc tích cực thúc đẩy và hỗ trợ các chính sách tài chính ngân hàng, đã giúp ngành Ngân hàng có thể hoạt động ổn định trong năm 2022. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng “hiến kế” vượt qua khó khăn thách thức trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO