Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Khu vực 15: Tín dụng cho vay lĩnh vực ưu tiên đạt trên 238 nghìn tỷ đồng

ThS. Trần Trọng Triết 21/03/2025 - 14:58

Đứng chân trên địa bàn Khu vực (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cà Mau) có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, sản lượng lúa gạo thuộc top đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngành Ngân hàng Khu vực 15 đang nỗ lực tăng cường mở rộng cho vay vốn tín dụng lĩnh vực ưu tiên để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

vnd.jpg
Ảnh minh họa

Kinh tế nông nghiệp được tiếp tục xác định là nền tảng, là “bệ đỡ” của ngành kinh tế địa bàn khu vực. Thời gian qua, địa bàn khu vực tập trung chỉ đạo, điều hành, đưa nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của địa bàn tăng trưởng ổn định về sản lượng và chất lượng. Kinh tế nông thôn phát triển, gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Bám sát theo định hướng của địa bàn khu vực, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đa dạng nội dung, hình thức phối hợp thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn (phối hợp với Hội, Hiệp hội tổ chức hội nghị kết nối theo đối tượng khách hàng (chủ thể OCOP, nông dân, nữ doanh nhân, phụ nữ các cấp…), đối thoại chính sách theo địa bàn, đối thoại trực tiếp theo yêu cầu của từng doanh nghiệp; tham gia các hoạt động đối thoại cùng lãnh đạo địa phương, hội nghị tiếp xúc cử tri,… chủ động nắm thông tin, tổng hợp ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị có quy chế phối hợp, đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời, thông suốt theo phương châm không để tổ chức, cá nhân có phương án, dự án khả thi, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn vay để khơi thông các kênh tiềm năng như kinh tế nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP… đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 chia sẻ, đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ toàn khu vực ước đạt 451.000 tỷ đồng, chiếm 36,9% tổng dư nợ vùng ĐBSCL và chiếm 2,8% tổng dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng khu vực 1 (nông lâm thủy sản) chiếm 15,6%, đạt hơn 70.200 tỷ đồng; tín dụng khu vực 2 (công nghiệp xây dựng) chiếm 11,6% đạt khoảng 52.000 tỷ đồng; tín dụng khu vực 3 (thương mai dịch vụ) chiếm 72,8% đạt khoảng 328.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên được quan tâm, cho vay nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt trên 238.000 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn của vùng; doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt trên 49.000 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của vùng; xuất khẩu dư nợ đạt gần 14.000 tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng dư nợ xuất khẩu của vùng.

Về tín dụng chính sách xã hội tiếp tục tăng trưởng khá tăng 2,11% so cuối năm 2024, đạt trên 22.400 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng dư nợ tín dụng chính sách của vùng.

Tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2025 phù hợp với tình hình địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cả nước, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng. Đảm bảo tăng trưởng huy động vốn, tín dụng phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương tăng trưởng hai chữ số.

Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các thế mạnh của tỉnh, của vùng. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

nhnn-khu-vuc-5.jpg

Ông Trần Văn Phước chia sẻ thêm về kế hoạch thời gian tới, ngành Ngân hàng Khu vực 15 sẽ tiếp tục cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp và không để thiếu nguồn tín dụng; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực cần chủ động nghiên cứu các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của khu vực và triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; chủ động tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chuyển đổi số và tăng cường phát triển tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý.

Lãnh đạo NHNN Khu vực 15 mong muốn các địa phương trong khu vực sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách tín dụng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Khu vực. Định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp thông minh đặc biệt chú trọng cho công tác liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo của tỉnh trong năm 2025, ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Thường xuyên phối hợp các địa phương hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp để xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lớn theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong quá trình tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị lúa gạo phục nhu cầu thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Khu vực 15: Tín dụng cho vay lĩnh vực ưu tiên đạt trên 238 nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO