Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

Ngô Hải| 22/09/2020 16:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong 9 tháng năm 2020, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Đến giữa tháng 9/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% và tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp báo

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra tại buổi họp báo công bố “Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020, định hướng những tháng cuối năm 2020”, được tổ chức sáng ngày 22/9/2020, tại Hà Nội.

Tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019

Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến ngày 15/9/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng giảm 2 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1-1,5%/năm, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện giảm về còn 5,0%/năm) - là mức thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam.

Tỷ giá cũng được điều hành linh hoạt, đảm bảo thị trường ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước… Đến ngày 21/9/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,16% so với cuối năm 2019; tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đương cuối năm 2019.

Trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch COVID-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, NHNN luôn coi trọng cải cách hành chính (CCHC) đảm bảo nguyên tắc trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm (thời gian, chi phí) cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng. Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của NHNN đạt điểm cao nhất 95,4/100 điểm và lần thứ 5 liên tiếp xếp vị trí thứ 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại buổi họp báo

Thông tin về hoạt động tín dụng 9 tháng năm 2020, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, 2 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, tuy nhiên nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%. Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3%...  Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Để góp phần thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng hỗ trợ người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) luôn được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Số liệu được NHNN công bố cho thấy, tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết thêm, trong 9 tháng năm 2020, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. “Đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Riêng chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ: NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho NHCSXH vay. Tuy nhiên đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn nhưng doanh nghiệp đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông phát biểu tại buổi họp báo

Cơ cấu lại các TCTD đạt kết quả quan trọng

Về công tác cơ cấu lại các TCTD, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, đã đạt được những kết quả quan trọng. Về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật…

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phát biểu tại buổi họp báo

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.

Chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đồng thời, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).

Thanh toán qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cả số lượng và giá trị giao dịch, thể hiện ở giao dịch thanh toán qua thẻ, qua internet và điện thoại di động.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, đến cuối tháng 7 năm 2020, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019). Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam. Ông Sơn cho biết: “Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa”.

Cũng theo ông Sơn, thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang tích cực triển khai kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương. Trong tháng 9/2020, Napas đã hoàn thành kết nối tới Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó hoàn thành tích hợp 02 dịch vụ công đầu tiên: (i) nộp thuế phí trước bạ ô tô xe máy và (ii) nộp Bảo hiểm xã hội (chiếm trên 50% nhu cầu thanh toán dịch vụ công hiện tại) và tiếp tục mở rộng ra các dịch vụ khác trong thời gian tới.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới

Toàn cảnh buổi họp báo

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, tại buổi họp báo lãnh đạo NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế; cụ thể:

Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của TCTD và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh COVID-19;

Thứ hai, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi;

Thứ ba, chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ;

Thứ tư, theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 để làm cơ sở xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025;

Thứ năm, tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...; 

Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng; góp phần thúc đẩy TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trả lời một số câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về các giải pháp của ngành Ngân hàng để đảm bảo hỗ trợ vốn tín dụng cho nền kinh tế vừa đảm bảo an toàn vốn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “NHNN cam kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn, điều tiết thanh khoản hợp lý đáp ứng ngay nhu cầu vay vốn cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện”.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho biết, trong những tháng cuối năm 2020 NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO