Ngân hàng trung ương trước áp lực lạm phát

ThS. Vũ Xuân Thanh| 03/02/2022 08:35
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhìn chung, lạm phát đều tăng tốc tại tất cả các khu vực trên thế giới, nhưng với sự khác biệt khá lớn. Cao nhất là tại các nước Mỹ Latinh, thấp nhất là tại các nước Đông Nam Á.

Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã nhấn chìm kinh tế toàn cầu. Hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, mọi người bị mắc kẹt trong nhà. Hoạt động kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt tại hầu khắp các nước trên thế giới.

Từ giữa năm 2021, nhu cầu đã bật tăng trở lại, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ và Tổng thống Joe Biden thông qua dự luật kích thích trị giá 1.900 tỷ USD. Nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế và sản xuất đình trệ đã đẩy giá cả tăng phi mã, phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do những hạn chế liên quan đến COVID-19, nổi bật là tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tại Mỹ, giá tiêu dùng ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1990. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất vượt xa kỳ vọng của thị trường.

Để cân bằng cung cầu, ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách là gỡ các “nút thắt cổ chai” của chuỗi cung ứng, nhằm phục hồi tốc độ vận chuyển và phân phối hàng hóa như trước đại dịch. Tuy nhiên, bất cứ cú sốc nào cũng có thể cản trở quá trình phục hồi. Ngoài ra, quá trình phục hồi còn bị cản trở bởi nhu cầu mạnh mẽ tại các nước phương Tây, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển, thiếu hụt tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu vẫn ở mức cao, rủi ro thiên tai và các đợt bùng phát COVID-19 chủng mới như Delta và Omicron.

Khi các gói kích thích kinh tế giảm dần, nhu cầu đối với hàng hóa có thể giảm xuống, những lo ngại về điều kiện tài chính thắt chặt hơn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã thắt chặt tiền tệ mà mục tiêu là để ổn định giá cả hàng tiêu dùng, với động thái phổ biến là tăng lãi suất và rút dần chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong tuần lễ tính đến ngày 18/12/2021, có 14 NHTW tiến hành tăng lãi suất (tuần lễ trước đó, 11 NHTW tiến hành tăng lãi suất). Nhiều nước tiến hành ba đợt tăng lãi suất, một số nước như Armenia và Hungary đã tiến hành 7 đợt tăng lãi suất.

 

Phản ứng của NHTW tại các nước phát triển (AEs)

Sau khi cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2020 do ảnh hưởng của nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng, ngày 23/9/2021, NHTW Na Uy đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ ​​0 lên 0,25% - NHTW đầu tiên trong nhóm AEs tăng lãi suất. Lạm phát tăng 3,4% trong tháng 8, dự kiến tăng trung bình 3,2% trong năm 2021 (năm trước là 2,8%).

Tại cuộc họp diễn ra 2 ngày và kết thúc vào ngày 15/12/2021, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất 0-0,25% (duy trì từ tháng 3/2020), nhưng cắt giảm QE thêm 30 tỷ USD (20 tỷ trái phiếu kho bạc và 10 tỷ trái phiếu cầm cố), sau khi giảm 15 tỷ trong tháng trước xuống 105 tỷ USD, và có thể sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng vào tháng 3/2022. Đồng thời, dự kiến tiến hành 3 đợt tăng lãi suất vào năm 2022 lên 0,9% và ba đợt trong năm 2023 lên 1,6%. Động thái này diễn ra khi FED đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Trong tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,8% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982. Lạm phát cơ bản (ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,5% trong tháng 11 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 1991; riêng giá năng lượng chứng kiến mức tăng 3,5%, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các quan chức FED cho rằng, lạm phát gia tăng do những yếu tố liên quan đến đại dịch, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhưng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã cản trở nguồn cung, đà tăng giá đã diễn ra mạnh mẽ và dai dẳng hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Theo dự báo của FED, lạm phát (được đo bằng sức chi tiêu tiêu dùng cá nhân - PCE) sẽ tăng 5,3% trong năm nay, giảm xuống 2,6% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023; GDP tăng 5,5% trong năm nay (giảm so dự báo 5,9% đưa ra vào tháng 9) và tăng 4,0% trong năm 2022, 2,2% năm 2023 và ổn định 2% từ năm 2024.

Ngân hàng Phố Wall cho rằng, GDP quý I/2022 tại Mỹ chỉ tăng 2%, thay vì 3% như dự báo trước đó, chủ yếu là do mối đe dọa của biến thể Omicron đối với các hoạt động kinh doanh.

Các nhà kinh tế kỳ vọng, động thái tăng lãi suất và thu hẹp những gói kích thích kinh tế khẩn cấp của FED sẽ làm giảm tỷ lệ lạm phát tại Mỹ và gây hiệu ứng lan tỏa về thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Các NHTW tại các nước phát triển, Đan Mạch, Canada, Australia, New Zealand, Singapore, ECB cũng đã thử nghiệm rút dần QE.

Tại khu vực đồng tiền chung euro, lạm phát tháng 11 đã tăng lên 4,9% và dự kiến tiếp tục tăng trong ngắn hạn, chủ yếu là do giá năng lượng leo thang. Trong tháng 11, lạm phát giá năng lượng tăng trên hai lần so với lạm phát cơ bản. Nhu cầu cũng tiếp tục tăng cao và một số khu vực vượt xa khả năng cung ứng, rõ rệt nhất là đối với hàng tiêu dùng lâu bền và dịch vụ khách hàng mới mở cửa trở lại trong thời gian gần đây. Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 16/12/2021, NHTW châu Âu (ECB) dự báo, GDP dự báo tăng 5,1% trong năm 2021, giảm xuống mức tăng 4,2%; 2,9%; và 1,6% trong năm 2022, 2023, 2024; lạm phát sẽ tăng 2,6% trong năm 2021, sau đó giảm xuống tỷ lệ 3,2% vào năm 2022 và 1,8% vào năm 2023-2024, cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.

Trong nhiều năm qua, ECB vẫn chưa đạt mục tiêu lạm phát và quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng thông báo kết thúc chương trình mua tài sản khẩn cấp thời đại dịch vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, ECB vẫn cam kết hỗ trợ mạnh tay nếu cần thông qua Chương trình Mua tài sản - động thái xác nhận quan điểm linh hoạt hơn về lạm phát và quá trình chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng sẽ diễn ra chậm. Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ nhận được đa số sự ủng hộ tại cuộc họp của ECB. Một số nhà tạo lập chính sách cảnh báo, ECB đang đánh giá thấp rủi ro lạm phát.

Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 10/12/2021 cho biết, lạm phát tháng 11 tại quốc gia này đã tăng 5,2%, mức cao nhất kể từ tháng 6/1992. Trong đó, giá năng lượng tăng 43,2% (ghi nhận 5 tháng tăng liên tiếp) và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Destatis, việc ban hành quy định thu phí CO2 ở mức 25 euro (khoảng 28 USD/tấn khí thải CO2) trong lĩnh vực giao thông và nhà ở cũng là yếu tố thúc đẩy lạm phát tại CHLB Đức. Dự đoán, lạm phát tại CHLB Đức sẽ ở mức 3,1% trong năm 2021 và 2,6% trong năm 2022.

Với mức lạm phát gần như bằng không, Nhật Bản được dự đoán sẽ không vội vàng cắt giảm chính sách hỗ trợ kinh tế như nhiều quốc gia khác. Ngày 16/12/2021, NHTW Nhật Bản (BoJ) thông báo, giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng, nhưng giảm dần các gói hỗ trợ khẩn cấp. Trong năm tài khóa 2022, Chính phủ dự kiến chi 107.000 tỷ yên (950 tỷ USD) - mức tăng kỷ lục trong 10 năm liên tiếp, do chi phí an sinh xã hội và quốc phòng tăng cao (5.000 tỷ yên để chống dịch).

Ngày 16/12/2021, NHTW Anh (BoE) nâng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%, nhưng tiếp tục duy trì chương trình QE khổng lồ 875 tỷ bảng. Trong tháng 11, CPI tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại Anh tăng gần 650%, khiến hơn 20 công ty năng lượng trong nước phá sản. Theo dự báo, lạm phát có thể chạm 6% trong tháng 4/2022, gấp 3 lần so với mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, NHTW Thụy Sỹ (SNB) giữ nguyên lập trường siêu nới lỏng với lãi suất chính sách -0,75%. Với tỷ lệ 1,0% trong năm 2022 và giảm còn 0,6% năm 2023, lạm phát tại Thụy Sỹ được cho là thấp hơn nhiều so với những nơi khác, và đây là lý do để SNB duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, từ đó đảm bảo ổn định giá, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Động thái của NHTW các nước đang phát triển

Trung Quốc đang trải qua một đợt suy thoái kinh tế lớn do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tình trạng thiếu điện, gián đoạn sản xuất và vận chuyển bởi những đợt bùng phát COVID-19 mới. Ngoài ra phải kể tới động thái siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân lớn, và kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu...

Trong báo cáo mới đây, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại từ 8% trong năm 2021 xuống còn 5,3% vào năm 2022 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990.

Ngày 20/12/2021, NHTW Trung Quốc (PBOC) quyết định giảm lãi suất cho vay chuẩn, lần đầu tiên sau 20 tháng. Cụ thể, PBC đã giảm lãi suất cơ bản đối với khoản vay một năm (còn gọi là LPR) từ 3,85% xuống 3,8%. Động thái này có thể tiếp nhiệt cho nền kinh tế vốn đang đối mặt nhiều thách thức. Quyết định này được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022. Trước đó vào ngày 6/12/2021, PBOC cũng quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo yêu cầu đối với hầu hết các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản xuống 8,4% (trước đó là 8,9%), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/12/2021, góp phần giải phóng khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 188 tỷ USD) để mở rộng cho vay. Như vậy, PBOC đã tiến hành hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (lần trước vào tháng 7), với tổng mức cắt giảm 1% trong năm 2021.

Với chiến lược “Zero-Covid” (đưa số ca nhiễm mới về 0) của chính quyền Bắc Kinh, các hạn chế nghiêm ngặt đã khiến người tiêu dùng e ngại, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS AG - Tao Wang cảnh báo, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” hoặc lĩnh vực bất động sản giảm sâu hơn, GDP năm 2022 có thể giảm xuống mức tăng 4%.

Ngày 22/10/2021, Nga tiến hành đợt tăng lãi suất lần thứ sáu thêm 75 điểm cơ bản lên 7,5% nhằm kiềm chế lạm phát do giá thực phẩm và nhiều loại hàng hóa tăng cao. Như vậy, trong năm 2021, mặt bằng lãi suất tăng tổng cộng 3,25%. Dự báo, lạm phát trung bình tăng 6,5-6,6% trong năm 2021, sau đó giảm xuống 5,2-6,0% vào năm 2022, và xuống 4,0% vào năm 2023.

Ngày 18/11/2021, Cộng hòa Nam Phi nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 3,75%, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018; đồng thời phát tín hiệu có thể tiếp tục nhiều đợt tăng lãi suất. Kể từ tháng 7/2019, Nam Phi đã tiến hành 6 đợt giảm lãi suất với tổng cộng 3,25%. Lạm phát cơ bản dự kiến tăng 4,5% trong năm 2021 và 4,3% trong năm 2022.

Ngày 8/12/2021, NHTW Brazil nâng lãi suất lần thứ 7 thêm 150 điểm cơ bản lên 9,25%, và sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lạm phát giảm và neo với lạm phát kỳ vọng. Theo dự báo, lãi suất tiếp tục tăng lên 11,75% và 11,25% vào năm 2022, sau đó giảm xuống 8% vào năm 2023. Lạm phát tăng nhanh từ tỷ lệ 4,56% vào tháng 1/2021 lên 10,74% trong tháng 11, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra 3,75%. Lạm phát dự kiến tăng 10,2% trong năm 2021 và 4,7% trong năm 2022; 3,2% trong năm 2023. Cũng như nhiều quốc gia khác, Brazil đã chịu ảnh hưởng từ biến động giá nhiên liệu, trong đó giá xăng đã tăng 50,7% trong 12 tháng trở lại đây. Các nhà kinh tế dự báo, lạm phát ở Brazil sẽ lên mức 10,18% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Tương tự, lạm phát tại Mexico đã tăng lên 7,37%, mức cao nhất trong 20 năm qua, nguyên nhân là do giá cả các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng leo thang. Con số này cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 3% của NHTW, cơ quan này đã phản ứng bằng cách nâng lãi suất 5 lần liên tiếp, mặc dù vẫn khẳng định: “lạm phát chỉ mang tính nhất thời.”

Tại Mỹ Latinh, lạm phát và nguy cơ đào thoát dòng vốn đã khiến nhiều NHTW phải thắt chặt tiền tệ, chủ yếu là tăng lãi suất. Gay cấn nhất vẫn là trường hợp Venezuela, khi quốc gia này ghi nhận mức lạm phát tháng 11/2021 ở mức 631,1%, tăng phi mã 1.197,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong thế kỷ này, Venezuela đã thực hiện đổi tiền 3 lần. Việc Venezuela đưa vào sử dụng đồng bolivar điện tử vào tháng 10 là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2021, sau khi loại bỏ 6 số 0 từ đồng tiền trước đó.

Lạm phát cao cũng là một trong những vấn đề kinh tế vĩ mô chính kéo dài tại Argentina. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh đều đặn ghi nhận lạm phát ở mức 2 con số. CPI tháng 11/2021 tăng 51,2% và dự báo tăng 51,1% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 36,1% trong năm 2020 và mục tiêu 29% của NHTW. Các chuyên gia cho rằng, chính sách được Chính phủ áp dụng nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và hỗ trợ kinh tế sau thời kỳ suy thoái nặng nề 2018-2020 đã đẩy lạm phát tăng cao, buộc NHTW phải phát hành tiền để tài trợ cho kho bạc.

Ngày 24/12/2021, NHTW Chilê tăng lãi suất thêm 1,25% lên 4% (mức cao nhất kể từ năm 2014), nâng tổng mức tăng 3,5% sau 4 đợt tăng lãi suất và có thể tiếp tục tăng; lạm phát tháng 11 tăng 6,7%, mức cao nhất trong 13 năm qua. Trong đó, thanh khoản cao do trợ cấp xã hội và chính sách rút lương hưu sớm nhằm giảm thiểu tác động kinh tế do đại dịch gây ra là những động lực chính khiến giá cả tăng cao.

Mặc dù tình hình ổn định hơn những quốc gia khác trong khu vực, Colombia cũng không tránh khỏi xu hướng gia tăng lạm phát. CPI tháng 11/2021 tăng 4,86% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu 3% của NHTW. Các chuyên gia cảnh báo, đợt tăng lương, thuế phí và lương hưu vào đầu năm tới sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.

Tính đến ngày 21/12/2021, Paragoay tiến hành 5 đợt tăng lãi suất liên tiếp (trong tháng 8/9/10/11/12) với tổng cộng 4,5% lên 5,25%. Lạm phát tháng 11 tăng 7,4%, giảm 0,2% từ tỷ lệ 7,6% trong tháng 10.

Triển vọng được cho là cân bằng hơn ở Peru, khi lạm phát trong tháng 11 đã giảm xuống 5,66%, sau khi đạt đỉnh 5,83% vào tháng 10/2021, trong bối cảnh giá khí đốt và nước sinh hoạt tăng lần lượt 10,5% và 3,4%. Năm 2021, lạm phát được kỳ vọng tăng 3,71%, cao hơn mục tiêu đề ra 3%.

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điểm nóng về lạm phát, với CPI tháng 11 tăng 21,3%, khiến giá mọi mặt hàng tăng vọt. Một số nhà phân tích cho rằng, lạm phát thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ phải cao hơn 40%. Để kiềm chế lạm phát, ngày 16/12/2021, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất chính sách (lãi suất cho vay lại một tuần) xuống 14%, đưa tổng mức cắt 5% sau bốn đợt cắt giảm bắt đầu từ tháng 9. Từ tháng 3/2020 đến nay, đồng lira mất giá 22% so với USD, và dự kiến mất giá 22% trong năm 2021, tổng cộng 37% tính từ năm 2020.

Tại các nước trung Âu, ngày 8/12/2021, Ba Lan nâng lãi suất tham chiếu lần ba thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) lên 1,75% nhằm giảm lạm phát, đưa tổng cộng 1,65% sau ba đợt tăng trong năm 2021 (tháng 10 và tháng 11). Hiện nay, lãi suất lombard (lãi suất cho ngân hàng vay ngắn hạn) là 2,25%, lãi suất tiền gửi 1,25%, chiết khấu 1,85% và tái chiết khấu 1,8%. Lạm phát tháng 11 tăng 0,9% so tháng trước lên 7,7%, cao hơn mục tiêu đề ra 2,5%. Tính đến ngày 22/12/2021, CH Séc tiến hành 5 đợt tăng lãi suất. Lạm phát tháng 11 tăng 6,0%, cao hơn dự báo chỉ tăng 4,9% và mục tiêu 2% do NHTW đề ra. Tại Hungary, lạm phát tháng 11 tăng 7,4%, sau khi tăng 6,5% trong tháng 10, cao hơn mục tiêu 2-4%. Lạm phát tăng đã buộc NHTW phải tiến hành 7 đợt tăng lãi suất với 30 điểm cơ bản lên 2,4% và có thể tiếp tục tăng cho đến khi lạm phát ổn định. Như vậy, lãi suất đã tăng 1,8% trong năm kể từ tháng 6 (tăng liên tiếp hàng tháng).

Tại châu Á, giá hàng hóa cao trên toàn cầu cũng tác động đến hầu hết các quốc gia trong khu vực, chủ yếu bắt nguồn từ xu hướng tăng giá nguyên liệu thô và nguyên liệu đầu vào, một số NHTW phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong số này, Hàn Quốc đã tiến hành 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2021 (vào tháng 8 và tháng 11) với tổng cộng 0,5% lên 1%, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Lạm phát tháng 10 tăng 3,2% sau khi tăng 2,5% trong tháng 9, cao hơn mục tiêu 2%. GDP dự báo tăng 4% trong năm 2021, và 3% trong năm 2022.

Ngày 15/12/2021, NHTW Pakistan tăng lãi suất 100 điểm cơ bản lên 9,75%, nâng tổng cộng mức tăng 2,75% (điểm phần trăm) sau ba đợt tăng lãi suất trong năm nay. Lạm phát cơ bản tháng 11 tăng lên 11,5%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2011.

Cho đến ngày 10/11/2021, NHTW Thái Lan vẫn giữ nguyên lãi suất 0,5% - kể từ khi cắt giảm vào tháng 8/2019 và tháng 5/2020. Sau khi giảm thấp trong tháng 8 do giá thực phẩm giảm liên tiếp trong 2 tháng trước đó, lạm phát tăng trở lại và lên 2,38% trong tháng 10 (chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao), và dự báo chỉ ở mức 1,2% trong năm nay - dao động trong mục tiêu đề ra 1-3%.

Tuy nhiên, đa phần những quốc gia còn lại phải “vật lộn” với nhu cầu yếu ớt ở trong nước, nên các NHTW không vấp phải áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ. Nguyên nhân cơ bản là do, tiến trình tiêm chủng vắc xin chậm chạp và làn sóng lây nhiễm COVID -19 chủng mới Delta đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam.

Lạm phát tháng 5/2021 tại Philippines đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng NHTW vẫn duy trì lãi suất thấp kỷ lục và dự báo lạm phát sẽ giảm dần về khoảng mục tiêu 2-4% vào cuối năm 2021. Tương tự, lạm phát tháng 5/2021 tại Indonesia đã tăng lên 1,68% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2020), nhưng vẫn dưới mục tiêu 2-4%. Ngay cả tại Ấn Độ, nơi lạm phát tháng 5/2021 đã tăng lên đến 6,3%, song NHTW vẫn không thắt chặt tiền tệ, thậm chí phải sử dụng dư địa chính sách để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu trong nước yếu đã làm nhập khẩu giảm xuống, trong khi xuất khẩu vẫn gia tăng, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối và thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai. Kết quả là, nhiều nước ít bị tổn thương hơn trước nguy cơ đào  thoát dòng vốn.

Mặc dù động thái thắt chặt chính sách ở Mỹ vẫn tiếp tục là một nguy cơ đối với các nước châu Á trong tương lai, nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực vào năm 1998 và sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi vào năm 2013 (khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt) đã khiến các NHTW châu Á vững vàng hơn trước nguy cơ dòng vốn tháo chạy ồ ạt do động thái của FED.

Triển vọng năm 2022

Cuộc họp của FED là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư và họ đã bỏ qua những tin tức tiêu cực về dịch COVID-19, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 14/12/2021 đã cảnh báo biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng nào trước đây và có khả năng xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đại dịch COVID -19 đã kéo dài hai năm và khả năng cuộc khủng hoảng y tế sẽ chưa kết thúc trong năm 2022, do sự xuất hiện liên tục các biến thể virus mới. Đại dịch sẽ không chấm dứt, mà trở thành một sự “bình thường mới”, chỉ ở trạng thái giảm nhẹ hơn so với hiện nay. Theo dự đoán của Công ty dịch vụ y tế Vizient (Mỹ), tổng chi tiêu dược phẩm toàn thế giới trong năm 2022 sẽ tăng 3,1% so với năm 2021. Trong đó, tăng cao nhất là thuốc điều trị ung thư (25%), tiếp đến là chi tiêu cho các liệu pháp dược phẩm liên quan phòng ngừa, điều trị COVID-19.

Theo Bloomberg, sự xuất hiện của biến thể Omicron có nhiều khả năng sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát, tạo ra thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Những hạn chế di chuyển mới có thể làm gia tăng sự mất cân bằng cung - cầu và đẩy giá lên cao, đồng thời làm chệch hướng kế hoạch cắt giảm các gói kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương.

Theo CNN, số lượng ca mắc mới của biến thể Omicron tăng vọt ở châu Âu và Mỹ khiến các doanh nghiệp lao đao, buộc chính quyền phải thắt chặt hạn chế vào thời điểm quan trọng của ngành giải trí và bán lẻ. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg - Holger Schmieding cảnh báo, ảnh hưởng từ biến thể mới có thể khiến kinh tế khu vực đồng euro và Vương quốc Anh sụt giảm 1% trong quý I/2022.

Ths. Vũ Xuân Thanh

(Nguồn tham khảo: Bloomberg, Central Bank News, CNN, ECB, Reuters)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng trung ương trước áp lực lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO