Theo Bộ Tài chính, trong quý I, cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo khi thu ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi đạt 393,5 nghìn tỷ đồng. Cả thu và chi trong quý I đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, lũy kế thu ngân sách nhà nước quý I/2024 ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023. Ngân sách trung ương ước đạt 34,1% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 29,3% dự toán.
Trong đó, thu nội địa quý I ước đạt 467,5 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2023.
Thu dầu thô đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán, tăng 2,1% so cùng kỳ. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 56,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán, giảm 12,5% so cùng kỳ.
Riêng trong tháng 3, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, bằng 8,34% dự toán, bằng 71,3% bình quân hai tháng đầu năm.
Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 3 ước đạt 140,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I/2024 đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 89,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng cả về lượng (khoảng 16,7 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 29,1% dự toán, tăng 16,6%; chi thường xuyên ước đạt 21,5% dự toán, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/3/2024, đã thực hiện phát hành gần 80,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,53 năm, lãi suất bình quân 2,24%/năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý I, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra. Trong tháng 3, giá các mặt hàng tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào trong khi nhu cầu không cao. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng tăng giá nhẹ như thịt lợn hơi do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi hay LGP theo biến động của thị trường thế giới, bên cạnh đó cũng có mặt hàng giảm giá như giá gạo ở thị trường miền Nam.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Trên cơ sở đó, sau 12 kì điều hành giá kinh doanh xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng, dầu đều có 5 lần giảm, 7 lần tăng; riêng mặt hàng dầu mazut 3,5 S (FO) có 4 lần giảm, 8 lần tăng.