Ngành Ngân hàng đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc thay đổi

Hương Giang (thực hiện)| 28/01/2020 06:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trao đổi của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Phóng viên (P.V): Đề nghị ông đánh giá ngắn gọn về kết quả hoạt động ngân hàng ở Việt Nam năm 2019?

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

TS. Cấn Văn Lực: Trước hết, tôi điểm nhanh về môi trường kinh tế vĩ mô năm 2019. Kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đạt được những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ (6,8%) và mức giao của Quốc hội (6,6-6,8%). Lạm phát được kiểm soát khoảng 3%, thấp hơn với mục tiêu đề ra (dưới 4%). Xuất khẩu hàng hóa tăng khá, cán cân thương mại thặng dư (9,9 tỷ USD), năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên 67/140 quốc gia được xếp hạng, theo WEF). Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn còn một số thách thức như sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm hơn, khu vực nông - lâm - nghiệp, đặc biệt là ngành nông nghiệp vẫn rất khó khăn, cải cách môi trường kinh doanh và thể chế cho phát triển nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành.

Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) năm 2019 tăng trưởng tích cực, vận hành ngày càng ổn định và lành mạnh. Lãi suất thị trường có chiều hướng giảm từ 0,25-0,5%/năm vào cuối năm. Đồng thời, tỷ giá ổn định quanh ngưỡng 23.200 VND/USD,  tương đương cuối năm 2018. Trong cả năm 2019, tỷ giá ổn định, chỉ xảy ra một vài đợt tăng nhẹ vào cuối tháng 5/2019 và tháng 8/2019 do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhanh chóng giảm trở lại ngay sau đó. Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục (ở mức khoảng 73 tỷ USD vào cuối tháng 10, tương đương khoảng 15,5 tuần nhập khẩu).

Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát tốt, cả năm 2019 khoảng 13%. Cơ cấu tín dụng gia tăng ở nhóm ngành sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và hạn chế tăng ở những nhóm ngành rủi ro. Tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghệ cao, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 700 nghìn tỷ đồng (tăng 4,43% so với cuối năm 2018, chiếm 9% tổng dư nợ), tín dụng công nghiệp và xây dựng đạt gần 2.284 nghìn tỷ đồng (tăng 7,07% so với cuối năm 2018, chiếm 29% tổng dư nợ), tín dụng hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông đạt gần 1.962 nghìn tỷ đồng (tăng 9,96% so với cuối năm 2018, chiếm gần 25% tổng dư nợ).

Khả năng sinh lời của hệ thống NHTM phục hồi với các chỉ tiêu ROA, ROE ở mức khá. Hết 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của các NHTM theo báo cáo tài chính tăng 28% so với cùng kỳ, một số NHTM đạt trên 30%. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ đạt trung bình trên 20% tổng thu nhập của các NHTM. Tính chung cả năm 2019, tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt khoảng 20-25%. Đến hết tháng 11/2019, giá cổ phiếu của nhóm các NHTM và công ty bảo hiểm niêm yết tăng gần 15%.

Hoạt động của các NHTM hướng theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Sau một thời gian chuẩn bị, hệ thống đã có 18 NHTM áp dụng tiêu chuẩn Basel II cho trụ cột 1 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Thậm chí, một số ngân hàng đã bắt tay vào đầu tư triển khai trụ cột 2 và 3 của Basel II. Đến giữa tháng 12/2019, VIB đã công bố hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và có thể sẽ tạo thành một làn sóng các NHTM tiếp nối trong năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 2% (thấp hơn so với quy định của NHNN là 3%, đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019). Tỷ lệ nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty VAMC và nợ xấu tiềm ẩn) giảm xuống mức khoảng 4,8%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2018 và chỉ còn bằng gần một nửa so với cuối năm 2016, tạo thuận lợi phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo đúng tinh thần Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020).

Các NHTM tích cực trong triển khai phát triển ngân hàng số thông qua chuyển đổi mô hình tổ chức, thay đổi cơ cấu nhân sự, phát triển hệ sinh thái ngân hàng. Theo đó, thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã dần trở nên phổ biến. Theo số liệu của NHNN, 94% NHTM đang triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 78 NHTM triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 45 đơn vị cho phép người dùng thanh toán trên điện thoại di động. Báo cáo của Thống đốc NHNN trước Quốc hội tháng 11/2019 cho biết, hết tháng 10/2019, giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 105% về số lượng và tăng 155,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, cao gấp đôi tốc độ phát triển của khu vực.

P.V: Các điểm yếu, tồn tại trong năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Một là, yêu cầu tăng vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng cao. Theo công bố của NHNN, hệ số CAR của toàn hệ thống NHTM chỉ đạt quanh mức 12%, mới ở mức cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý tại Việt Nam hiện nay. So với yêu cầu của Basel II (như tinh thần Thông tư 41/2016/TT-NHNN) thì mức vốn của hệ thống NHTM Việt Nam cần tiếp tục được bổ sung. Hơn nữa, nhu cầu về vốn của các NHTM sẽ tiếp tục gia tăng khi phải áp dụng các tiêu chuẩn an toàn cao hơn trong tương lai, có thể là theo Basel III vào năm 2025.

Hai là, nhân sự ngân hàng thay đổi mạnh mẽ bởi công nghệ mới. Lực lượng lao động tại một số bộ phận, đặc biệt ở những khâu tác nghiệp, sẽ dần bị thay thế bởi công nghệ. Song, cùng với đó, nhu cầu đối với lao động chất lượng cao, am hiểu về công nghệ tăng nhanh. Những điều này dẫn tới thách thức lớn trong định hướng phát triển và sắp xếp, bố trí cơ cấu lao động để phù hợp với mô hình kinh doanh số. Ngoài ra, nhân lực trẻ có xu hướng thay đổi công việc nhiều hơn nên tuyển dụng và giữ chân nhân sự có hiểu biết về kinh doanh càng khó khăn.

Ba là, chi phí đầu tư cho công nghệ ngày càng tăng. Chuyển đổi công nghệ thường đòi hỏi mức đầu tư lớn từ các NHTM. Theo nghiên cứu của Citibank, tỷ lệ chi đầu tư công nghệ trên tổng ngân sách của ngành ngân hàng có thể lên đến 10% tổng chi phí hoạt động, chi phí lương cho cán bộ công nghệ có thể chiếm từ 15-25% tổng chi phí lương hàng năm của ngân hàng. Đó là chưa kể đến khoản đầu tư ít nhất là 10% tổng kinh phí đầu tư CNTT cho lĩnh vực an ninh mạng. Do đó, chi phí đầu tư cho công nghệ trong tương lai của ngành ngân hàng sẽ là bài toán đầy thách thức với nhiều ngân hàng.

Bốn là, các NHTM cũng đang gặp khó khăn về cơ sở dữ liệu để phát triển ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning) phục vụ phân tích, đánh giá nội bộ và khách hàng... Hiện nay, cơ cấu và chất lượng dữ liệu còn nhiều bất cập. Các dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc chưa có kế hoạch lưu trữ và sử dụng hợp lý, cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia chưa có, sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các NHTM trong thời đại kinh tế số, ngân hàng số.

Năm là, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 còn nhiều việc phải làm. Do chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa được thuận lợi, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác xử lý nợ xấu chưa cao. Áp dụng Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp vướng mắc trong các lĩnh vực như hoàn trả tài sản bảo đảm (TSBĐ) là vật chứng trong án hình sự, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế, công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu, xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang, quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là TSBĐ cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC, tăng năng lực tài chính cho VAMC…

Sáu là, môi trường cạnh tranh ngành Ngân hàng ngày càng gay gắt. Ngành Ngân hàng đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc thay đổi xuất phát từ những yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn, như kỳ vọng của khách hàng, công nghệ, hành lang pháp lý, cơ cấu dân số và nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của các công ty Fintech, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ (Bigtech) trong cung ứng dịch vụ tài chính, khiến NHTM phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Bảy là, quản trị doanh nghiệp trong ngân hàng đòi hỏi các NHTM cần phải thay đổi tư duy và cách thức vận hành để đáp ứng nhu cầu mới. Mặc dù nghiên cứu của ADB (2017) với các công ty niêm yết tại Việt Nam không đề cập chi tiết đối với từng ngành nghề, nhưng nhìn chung, điểm quản trị doanh nghiệp (QTDN) tại Việt Nam (bao gồm cả ngành ngân hàng) đang ở mức thấp. Điểm tổng hợp về QTDN của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 36,75 điểm, so với Thái Lan là 87,53 điểm, Singapore là 78,11 điểm...

P.V: Những vấn đề nào cần quan tâm thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng Việt trong thời đại CMCN 4.0 và kinh tế số, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, có nhiều việc phải làm ở tầm quốc gia như chiến lược chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu định danh cá nhân, khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số, kinh tế chia sẻ… Ở góc độ lĩnh vực ngân hàng, tôi thấy có một số vấn đề sau: 

- Hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng. Sớm ban hành Chiến lược tài chính toàn diện, hoàn thiện quy định pháp lý về hoạt động đại lý thanh toán, thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập, sửa đổi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (áp dụng từ năm 2016 đến nay), khung pháp lý (kể cả cơ chế quản lý thử nghiệm - Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech, cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền di động (mobile money), hợp tác ngân hàng – Fintech và Bigtech, chia sẻ dữ liệu...

- Xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia cũng như mỗi tổ chức, doanh nghiệp và NHTM để các đơn vị có thể kết nối, chia sẻ với nhau trong hoạt động. Đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu của các ngành cũng như tích cực làm sạch và làm giàu dữ liệu của bản thân các NHTM. Từ các cơ sở dữ liệu đó, các NHTM có thể tạo lập hệ sinh thái ngân hàng với NHTM làm trung tâm theo nền tảng ngân hàng mở (open banking) để phục vụ khách hàng tốt hơn…

- Tăng vốn là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các NHTM để đáp ứng được an toàn cũng như gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển công nghệ và tín dụng quốc gia. Theo đó, cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các NHTM, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank, cho phép giữ lại cổ tức, phát hành cổ phiếu cho CBNV (ESOP) …; xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các NHTM (thay vì xem xét từng năm một) nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính.

- Bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, dữ liệu trong ngành ngân hàng cần được quan tâm đúng mực để hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả. Các NHTM cần liên tục rà soát, đánh giá rủi ro và các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ hoạt động của mình, xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm gian lận, chú trọng triển khai các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS… Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng.

- Thay đổi nhận thức, tư duy về kinh tế số, ngân hàng số. Theo đó, coi đây là vấn đề chiến lược chứ không phải là 1 dự án CNTT. Cụ thể, cơ quan quản lý cũng như mỗi NHTM cần xây dựng chiến lược ngân hàng số bài bản, thay đổi văn hóa QTDN trong bối cảnh số hóa. Song song với đó, tập trung vào cơ cấu lại mô hình, mạng lưới hoạt động, kênh phân phối phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực am hiểu về công nghệ và hoạt động ngân hàng. Các NHTM cần chú trọng tới công tác đào tạo, tuyển dụng, phát triển và lưu giữ nhân tài; trong đó, cần có đột phá về cơ chế lương – thu nhập và xây dựng môi trường làm việc cởi mở, đổi mới, sáng tạo, mới đảm bảo thu hút lực lượng lao động chất lượng cao.

- Tăng cường giáo dục tài chính, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của sản phẩm – dịch vụ ngân hàng mang lại. Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với hình thức thể hiện gần gũi, dễ hiểu, thiết thực; từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức sử dụng sản phẩm - dịch vụ ngân hàng, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO