Ngày 10/12, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất, kiến nghị giải pháp phát triển tài chính toàn diện.
Hiểu biết về tài chính cá nhân còn hạn chế
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao mức sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm giải pháp về “Tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính” được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Đức, đại diện Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD Saison đánh giá, tài chính tiêu dùng đang trở thành yếu tố then chốt giúp mỗi cá nhân trong xã hội tránh được những áp lực không đáng có của việc chi tiêu cá nhân không có kế hoạch. Tài chính cá nhân không chỉ giúp đạt mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, mà còn là chìa khóa giúp khách hàng có được cuộc sống an tâm, an toàn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Dù tài chính tiêu dùng mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năng lực hiểu biết tài chính cá nhân tại Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới; nhu cầu hoạch định tài chính cá nhân lớn, song hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Cụ thể, kết quả khảo sát về sự hiểu biết toàn cầu của Standard & Poor’s Ratings Survices (S&P Global Finlit Survey) cho thấy, ở Việt Nam chỉ 24% người trưởng thành có hiểu biết tài chính, đứng thứ 118/144 quốc gia được khảo sát; hay khảo sát do Viện thực hiện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và không quan tâm nhiều tới các kế hoạch tài chính cá nhân.
Trong khảo sát mới nhất về quản lý tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân 2023 - 2024 vừa được Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam thực hiện, cho thấy, hơn 80% người tham gia khảo sát tự nhận hoàn toàn không có kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, hoạch định tài chính cá nhân hoặc chỉ có hiểu biết căn bản và sơ bộ. Bên cạnh đó, có tới 43,27% người tham gia khảo sát đã từng trải qua tổn thất tài chính (bao gồm tổn thất chủ quan (35,17%) và tổn thất khách quan (35,06%)).
Kết quả khảo sát cũng cho biết, 93,44% người tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm, khá quan tâm và rất quan tâm đối với quản lý tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân. Theo đó, việc cung cấp thông tin và tài liệu phong phú, đầy đủ, đáng tin cậy giữ vai trò then chốt trong việc khuyến khích người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạch định tài chính cá nhân. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 18,4% người tham gia khảo sát cho rằng, các thông tin, tài liệu hiện có về quản lý tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân đáp ứng được tính đầy đủ, phong phú và tin cậy. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát (55,18%) mong muốn tiếp cận thông tin từ các tổ chức tài chính uy tín.
Đối với thực trạng hành nghề tư vấn, hoạch định tài chính tại các tổ chức tài chính, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, các hoạt động tư vấn tài chính cá nhân đã có mặt trong các tổ chức tài chính nhưng mang tính chất đơn lẻ, chưa mang tính chất kế hoạch tài chính tổng thể dài hạn cho khách hàng. Các dịch vụ tài chính cá nhân chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng khi có tới 60% khách hàng cho biết họ chỉ nhận được thông tin về các sản phẩm đơn lẻ, không có sự phân tích sâu sắc về mục tiêu tài chính của họ; 65% khách hàng phản ánh họ chủ yếu được giới thiệu các sản phẩm tài chính có sẵn, không liên quan đến mục tiêu tài chính cá nhân dài hạn của họ. Thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân. Hay chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu về hoạch định tài chính cá nhân…
“79,54% người tham gia khảo sát cho rằng cần thiết phải cập nhật kiến thức, kỹ năng nâng cao và đánh giá việc tuân thủ nguyên tắc đạo đức, nghề nghiệp về hoạch định tài chính cá nhân hàng năm đối với các nhà hành nghề môi giới, tư vấn sản phẩm tài chính, dịch vụ tài chính tại Việt Nam hiện nay”, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Phát triển dịch vụ hoạch định tài chính chuyên nghiệp, đúng nghĩa
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, hoạch định tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và quản lý cuộc sống tài chính của cá nhân, gia đình, gia tăng tích lũy tài sản, chủ động đối phó với rủi ro, bảo toàn và tăng trưởng tài sản ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là gia tăng tiết kiệm hưu trí. Từ đó, hoạch định tài chính cũng đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chênh lệch giàu nghèo và tăng cường an sinh xã hội. Thông qua hoạch định tài chính, định hướng người dân hướng đến các hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư… hiệu quả, an toàn và bền vững, từ đó góp phần ổn định và phát triển hệ thống tài chính quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, tài chính toàn diện và hoạch định tài chính cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ. Tài chính toàn diện mở ra cơ hội để mọi người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, trong đó, hoạch định tài chính cá nhân vừa là một dịch vụ tài chính, đồng thời, thông qua dịch vụ này, các sản phẩm dịch vụ tài chính riêng lẻ như tín dụng, đầu tư, tiết kiệm… được kết hợp trong một tổng thể để mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Tại Việt Nam, hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển trong khi nhu cầu của người dân là rất tiềm năng. Nhiều tổ chức tài chính đã triển khai dịch vụ “tư vấn tài chính cá nhân” nhưng chủ yếu tập trung vào giới thiệu sản phẩm tài riêng lẻ như bảo hiểm, tiết kiệm hay đầu tư, mà chưa hoàn toàn hướng tới phát triển dịch vụ hoạch định tài chính chuyên nghiệp, đúng nghĩa.
“Tài chính là lĩnh vực đặc thù, có tính phức tạp. Để tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiệu quả, thông thường người tiêu dùng trải qua 3 giai đoạn: được trang bị kiến thức tài chính; có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; hoạch định tài chính cá nhân. Trong đó, hoạch định tài chính cá nhân là bước phát triển cao nhất. Nếu thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính phù hợp, việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn phát sinh rủi ro. Hoạch định tài chính không chỉ giúp giảm thiểu những nguy cơ này mà còn tối ưu hóa lợi ích việc sử dụng các dịch vụ tài chính”, bà Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.
Từ thực tiễn tại ngân hàng, để thúc đẩy hoạch định tài chính, hướng tới tài chính toàn diện, bà Phạm Phương Lan, Phó Trưởng Khối bán lẻ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị, tiếp tục xây dựng, kiện toàn hành lang pháp lý, cơ sở để các định chế tài chính có thể cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính trọn vẹn và tối ưu nhất. Cùng với đó là nghiên cứu tiêu chí lựa chọn các ngân hàng thương mại có đủ tiêu chuẩn về năng lực, uy tín, kinh nghiệm, chuyên gia… để triển khai dịch vụ tư vấn tài chính cho khách hàng.
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Hiền khuyến nghị, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân, tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình học; xây dựng chiến dịch truyền thông quốc gia về tài chính, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân; thúc đẩy các tổ chức tài chính tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, nâng cao dân trí tài chính. Tiếp tục hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng tư vấn tại các tổ chức tài chính; tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự đủ năng lực để tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng, hướng tới cung cấp dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại, công ty Fintech ứng dụng các công nghệ hiện đại giúp khách hàng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân dễ dàng và hiệu quả hơn; cũng như thúc đẩy tổ chức hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn hành nghề nhằm phát triển các thông lệ tốt nhất trong hoạt động tư vấn tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.