(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 22/10/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm đối thoại, trao đổi giữa các TCTD và doanh nghiệp liên quan đến triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đây cũng là dịp để NHNN thông tin tới các doanh nghiệp, Hiệp hội, các sở ban ngành tại Bình Dương tổng thể các giải pháp của ngành Ngân hàng và kết quả đến nay; giải đáp các vướng mắc; ghi nhận các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Dù khó khăn nhưng ngân hàng luôn dành nguồn lực sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp
Thông tin tại hội nghị cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất, thanh toán... Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng.
Mặc dù các TCTD cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khoảng 531.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800.000 khách hàng.
Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng; Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng. Các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241.000 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu là 0,68% so với đầu năm 2021. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song nợ xấu có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp phát biểu - Ảnh chụp màn hình |
Bày tỏ cảm ơn NHNN đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương, đại diện Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hầu hết các hiệp hội kiến nghị NHNN và các NHTM gia hạn thời hạn trả nợ gốc và lãi cho các doanh nghiệp thêm từ 3- 18 tháng so với quy định tại Thông tư 14. Các hiệp hội tại Bình Dương cũng kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ và NHNN xem xét giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm cho các NHTM gặp rủi ro khi cơ cấu nợ cho khách hàng.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, công đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh (có nguyên vật liệu tăng 20-30%, thậm chí có loại tăng gấp đôi), hơn nữa, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến vòng quay vốn của doanh nghiệp chậm lại... những yếu tố này khiến chi phí vốn của doanh nghiệp hiện nay tăng lên rất cao. Với chí phí vốn tăng cao như vậy, ông Vũ Văn Thanh kiến nghị, NHNN nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ lãi suất với quy mô tương đương 1-2 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank biết, tính đến ngày 22/10, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng đạt hơn 3%, huy động vốn tăng trưởng hơn 5%, doanh số giải ngân đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng trên dư nợ 1,2 triệu tỷ đồng. Điều đó, khẳng định, dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Agribank vẫn đảm bảo dòng tiền được lưu thông. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khoảng 245.000 tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay, riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chiếm hơn 74.000 tỷ đồng. Dư nợ tại Bình Dương cũng ở mức cao.
"Chúng tôi xác định đồng hành với khách hàng, cứu khách hàng chính là cứu chúng ta. Trên tinh thần đó, Agribank đã triển khai hơn 80 chương trình chính sách tín dụng, trong đó chương trình lớn nhất là giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/7 - 31/12/2021 với hơn 3 triệu khách hàng được thụ hưởng và nguồn tài chính được ngân hàng hỗ trợ là 4.500 tỷ đồng", ông Nguyễn Toàn Vượng nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và cho chính ngân hàng, đại diện Agribank chi nhánh Bình Dương cho biết, Thông tư 14 chỉ cho phép cơ cấu những khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021 nhưng tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều khoản vay sau ngày 1/8/2021 vẫn phát sinh những rủi ro tiềm ẩn trong việc trả nợ đến hạn cho ngân hàng. Vì vậy, đại diện Agribank Bình Dương kiến nghị NHNN xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 1/8/2021, mà chỉ quy định thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Agribank Bình Dương cũng kiến nghị, NHNN xem xét kéo dài thời hạn cơ cấu nợ lên tối đa 24 tháng, để giảm áp lực cho khách hàng, giúp khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải quyết hài hòa nhiều mục tiêu
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu NHNN |
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: "Ngay trong điều hành vĩ mô, chúng tôi cũng đang rất khó khăn. Dư địa còn bao nhiêu để khôi phục nền kinh tế? Dư địa còn bao nhiêu để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt? Dư địa còn bao nhiêu để hạ được lãi suất. Mà không chỉ quan tâm lãi suất đầu ra, còn phải quan tâm đến lãi suất đầu vào. Quyền lợi của người vay rất quan trọng nhưng quyền lợi của người gửi tiền quan trọng không kém. Vậy giải quyết hài hòa thế nào?. Nếu cứ hạ lãi suất đầu ra thì phải hạ lãi suất đầu vào nhưng khi giảm lãi suất đầu vào, người dân không gửi tiền thì lấy tiền đâu cho vay? Chưa kể đến câu chuyện lạm phát, câu chuyện bất ổn nếu ngân hàng không đảm bảo được sự ổn định, tất cả sẽ ra sông ra biển...".
Khẳng định thấu hiểu với những khó khăn mà các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng đang gặp phải, Phó Thống đốc Thường trực cũng thẳng thắn phân tích: Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang ở thế rất khó vì nếu không có lãi sẽ không tồn tại, nhiều ngân hàng cổ phần còn phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh trước cổ đông. Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Ngân hàng không thể như một doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp phá sản sẽ không bị ảnh hưởng đến xã hội và nền kinh tế nhưng chỉ một ngân hàng bị khó khăn thanh khoản cũng đã gây bất ổn cho nền kinh tế, bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia".
Chia sẻ về chủ trương điều hành trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng duy trì kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. Về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành công khai, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu tiếp tục được thực hiện tích cực nhất có thể, các ngân hàng phải thực hiện quyết liệt và nghiêm túc để đảm bảo không để nợ xấu phát sinh trong tương lai. Ngành Ngân hàng tiếp tục giảm các loại phí; cung ứng tín dụng hợp lý, đảm bảo đưa vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, cần thiết để khôi phục nền kinh tế.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, NHNN cũng đang bàn với các Bộ ngành để đưa ra gói hỗ trợ phù hợp với tình hình ngân sách hiện nay. Đến bây giờ cũng chưa thể xác định được quy mô của gói hỗ trợ này, điều này còn tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, Quốc hội.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương nói riêng, Phó Thống đốc đề nghị tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ:
Thứ nhất, quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021, Thông tư 01/2020/TT-NHNN (được sửa đổi bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN), Công văn 3947/NHNN-TD ngày 3/6/2021, Công văn 5901/NHNN-TD và 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong và sau khi dịch kết thúc.
Thứ hai, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới.
Thứ ba, rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng;
Thứ tư, NHCSXH triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống NHCSXH chính sách cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Thứ năm, tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Thứ sáu, đề nghị NHNN chi nhánh Bình Dương kịp thời phản ánh với NHNN, lãnh đạo UBND tỉnh về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó Thống đốc cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phối hợp các nhiệm vụ giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.